Bắt giam nguyên Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận - IPC
Chiều 14/5, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (tên giao dịch là IPC) về hai tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Ông Tề Trí Dũng đã bị bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra liên quan đến những sai phạm xảy ra dưới thời ông làm lãnh đạo Công ty IPC.
Cùng với việc bắt tạm giam, Cơ quan điều tra cũng thực hiện lệnh khám xét nơi ở của ông Tề Trí Dũng. Ông Dũng cũng đã bị đình chỉ công tác trước đó.
Trước đó, chiều 23/10/2018, sau khi có kết luận của Thanh tra TP HCM về những sai phạm xảy ra tại Công ty IPC liên quan đến ông Tề Trí Dũng, Văn phòng UBND TP HCM đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về xử lý vụ việc.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Chánh Thanh tra TP phối hợp với Công an TP chuyển hồ sơ tài liệu sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước gây thiệt hại cho nhà nước; việc thẩm định giá của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM, Công ty TNHH Thẩm định giá MHD không đúng quy định, không phù hợp giá thị trường dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho Công ty IPC, vốn Nhà nước; việc thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu, việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không đảm bảo lợi ích của Công ty IPC.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP giao Công an TP tiếp nhận hồ sơ của Thanh tra TP, tiến hành điều tra làm rõ để xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng giao Chánh Thanh tra TP thành lập đoàn thanh tra để thanh tra, làm rõ và kết luận việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Sài Gòn chuyển thành Công ty cổ phần Tiếp vận đông Sài Gòn (ESL); việc quản lý và sử dụng vốn, việc điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty cổ phần Tiếp vận đông Sài Gòn từ khi thực hiện cổ phần hóa đến nay; việc thực hiện Dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, dự án khu định cư An Phú Tây; việc thực hiện đầu tư xây dựng một số dự án của Công ty IPC và đơn vị thành viên trên địa bàn huyện Nhà Bè; việc thực hiện đầu tư góp vốn hình thành liên doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty Cảng container Trung tâm Sài Gòn.
Đối với Công ty IPC, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các sai phạm; tổ chức chấn chỉnh trong công tác quản lý tài sản, quản lý vốn nhà nước, chế độ tài chính kế toán, có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, bồi hoàn khoản chi phí lãi vay hơn 8 tỷ đồng liên quan đến việc vay ngân hàng số tiền 400 tỷ đồng trong năm 2016 và năm 2017; xử lý nghiêm những sai phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước về đi nước ngoài của người lao động.
Đồng thời, công ty cần chấn chỉnh công tác phát hành cổ phiếu tăng vốn tại các đơn vị thành viên, công tác xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, hoàn tất thủ tục pháp lý về giao đất, đóng tiền sử dụng đất, liên hệ với các sở, ngành hoàn tất thủ tục pháp lý của dự án; chấn chỉnh công tác cho thuê văn phòng tại trụ sở chính của công ty; công tác chỉ định thầu, công tác cử người đại diện vốn.
Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý Khu Nam rà soát, hướng dẫn Công ty IPC hoàn tất thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định tiền sử dụng đất phải nộp đối với dự án Khu dân cư Hiệp Phước do Công ty IPC làm chủ đầu tư; kiểm tra, rà soát hướng dẫn Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn hoàn thành thủ tục pháp lý sử dụng đất, xác định tiền sử dụng đất phải nộp đối với Dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 theo đúng quy định.
Trong kết luận của Thanh tra TP HCM đã chỉ ra nhiều sai phạm tại IPC. Cụ thể, đối với tòa nhà văn phòng, IPC chỉ sử dụng một phần, còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng. Tổng doanh thu cho thuê từ năm 2010 đến năm 2017 là hơn 295 tỉ đồng.
Việc huy động vốn, Công ty IPC hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách và nhằm tạo quan hệ tín dụng với ngân hàng là không phù hợp, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỉ đồng.
Đối với dự án Khu dân cư Long Hậu - Long An: IPC hợp tác đầu tư với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án nhưng bản chất là chuyển nhượng dự án. Việc chuyển nhượng dự án này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là không đúng quy định. Việc hợp tác đầu tư không đảm bảo quyền lợi cho IPC...
Kết luận Thanh tra cũng thể hiện việc ông Tề Trí Dũng làm đại diện vốn nhà nước tại 4 công ty có vốn đầu tư nhà nước là vượt so với quy định; việc chọn Công ty Nguyễn Kim là cổ đông chiến lược không có cơ sở pháp lý.
Chỉ trong 2 năm 2016, 2017, IPC đã chi tổ chức các chuyến đi nước ngoài với tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Có 12 trường hợp đi nước ngoài nhưng không có quyết định của UBND TP…
Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập theo Quyết định số 183/QĐ-UB ngày 27/9/1993 của UBND TP HCM. Lĩnh vực hoạt động của công ty là xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng và phát triển hạ tầng cho các khu chế xuất, khu công nghiệp và các cụm dân cư, khu đô thị mới tại TP HCM và các địa phương; cung cấp các dịch vụ liên quan cho khu chế xuất, khu công nghiệp; Kinh doanh vận tải biển và các dịch vụ liên quan đến vận tải biển (như môi giới hàng hải, đại lý tàu biển, bốc dỡ hàng hoá, giao nhận hàng hóa); Đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác.