Mặt trăng đang dần co lại
Mặt Trăng đang dần co lại, tạo ra những nếp gấp trên bề mặt và những trận động đất.
Hình ảnh các vết đứt gãy trên bề mặt Mặt trăng - Ảnh: Reuters.
Đó là kết luận được giới khoa học công bố trên tạp chí Nature Geoscience ngày 13/5, sau khi phân tích những hình ảnh Vệ tinh thám hiểm Mặt Trăng (LRO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) gửi về.
Nghiên cứu được thực hiện với hơn 12.000 hình ảnh từ vệ tinh cho thấy khu vực Mare Frigoris ở gần cực Bắc của Mặt Trăng - một trong số nhiều khu vực rộng lớn được cho là "đã chết" xét từ góc độ địa chất - đã nứt ra và dịch chuyển.
Không giống Trái đất, Mặt Trăng không có các mảng kiến tạo. Thay vào đó, hoạt động kiến tạo của Mặt Trăng diễn ra khi thiên thể này mất dần sức nóng kể từ khi được hình thành 4,5 tỷ năm trước đây. Điều này khiến bề mặt của Mặt Trăng co lại và tạo thành nhiều nếp nhăn, giống như hiện tượng một quả nho mọng nước nay trở nên khô và nhỏ hơn. Do lớp vỏ Mặt Trăng giòn nên những lực tác động này khiến bề mặt của Mặt Trăng nứt vỡ khi bên trong co lại, dẫn tới hình thành cái gọi là những vết đứt gãy.
Theo giới khoa học, Mặt Trăng đã co vào khoảng 50 m trong vài trăm triệu năm qua.
Các phi hành gia trong chương trình Apollo của Mỹ bắt đầu đo hoạt động địa chấn trên Mặt Trăng trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, phát hiện đa số hoạt động địa chấn xảy ra sâu bên trong Mặt Trăng, trong khi chỉ có ít hoạt động được ghi nhận trên bề mặt của vệ tinh lớn thứ 5 trong Hệ Mặt trời này.
*Trong một diễn biến liên quan, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump vừa yêu cầu quốc hội tăng chi tiêu cho NASA thêm 1,6 tỉ USD vào năm 2020 để phù hợp với mục tiêu tăng tốc đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng trong 5 năm tới.
Hãng tin Reuters cho biết nếu quốc hội chấp thuận thì chi tiêu tổng của NASA trong năm tài chính 2020 sẽ là 22,6 tỉ USD. Phần lớn trong số tiền tăng thêm sẽ tập trung vào nghiên cứu và phát triển hệ thống hạ cánh lên Mặt Trăng.
NASA cũng đã đặt mục tiêu trước mắt là hạ cánh tàu vũ trụ có người lái xuống bề mặt Mặt Trăng vào năm 2028.