60 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại (19/5/1959 - 19/5/2019)
“Đường mòn Hồ Chí Minh”, “Tuyến chi viện chiến lược”, “Chiến trường Trường Sơn”, “Đường Hồ Chí Minh” là những cụm từ khác nhau mà truyền thông hay dùng để chỉ một đơn vị đặc biệt, đó là Đoàn 559 (1959-1964), Bộ Tư lệnh 559 (1965-1970), Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1970-1975) với nhiệm vụ chiến lược là đưa sức mạnh của miền Bắc vào chi viện cho cách mạng miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước.
Bài 2: Mồ hôi và máu của người chiến sĩ Trường Sơn
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Ảnh tư liệu.
Bài 1: Sứ mệnh lịch sử của con đường và Bộ đội Trường Sơn
Cuộc chiến cam go
Địa bàn hoạt động của Bộ đội Trường Sơn rộng lớn trên cả hai sườn Đông - Tây Trường Sơn. Lực lượng của Trường Sơn có bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các “Binh chủng hợp thành” của Trường Sơn gồm: Xe ô tô, công binh, cao xạ, bộ binh, giao liên, thông tin. Tất cả dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh, thực hiện phương châm: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.
Trong 16 năm (1959-1975) Bộ đội Trường Sơn đã lập nên kỳ tích, góp phần quyết định vào thắng lợi Mùa xuân năm 1975. Nhưng trong thời gian ấy, Bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu trong những điều kiện vô cùng gian khổ, khắc nghiệt và nhiều mất mát, hi sinh.
Cuộc chiến giữa ta và địch ở Trường Sơn là cuộc chiến sinh tử. Địch dùng mọi thủ đoạn để bóp nghẹt tuyến chi viện chiến lược, còn ta bằng mọi giá để giữ vững tuyến đường.
Các lực lượng của Trường Sơn đã chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của địch. Mỗi cung đường, mỗi con suối, mỗi cánh rừng ở Trường Sơn đều trở thành mục tiêu đánh phá, đều trở thành “trọng điểm” và hóa thành “hoang mạc xứ Mặt Trăng”.
Bom phá, bom phát quang, bom nổ chậm, bom từ trường, bom laze, bom bi, bom na pan, rốc két, dioxin...là các loại vũ khí Mỹ - ngụy đã sử dụng để tiêu diệt những chiến sĩ Trường Sơn. Địch đã điều động những thiết bị hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ như: Máy bay trinh sát điện tử, máy bay ném bom B57, B52, máy bay AC130, “cây nhiệt đới”...nhằm phát hiện và phá hủy con đường.
Ở Trường Sơn, không một ngày ngưng nghỉ tiếng bom nổ, nhiều trọng điểm bị máy bay oanh tạc liên tục hàng tháng, mỗi đầu người trên trọng điểm chịu hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn bom mỗi tháng. Ở đó, đất lẫn thép gang, thấm đẫm mồ hôi và máu của người chiến sĩ Trường Sơn quả cảm.
Trong 16 năm, trên 4 triệu tấn bom đạn, hàng triệu lít chất độc da cam - dioxin đã rải xuống chiến trường này, rải xuống đầu những người lính Trường Sơn.
Nhiều tấm gương anh dũng
Không chỉ có bom đạn, Bộ đội Trường Sơn đã phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, trong khí hậu nghiệt ngã của Trường Sơn. Có lúc bộ đội phải ăn măng le, củ chuối thay cơm. Cuối năm 1964, do tuyến vận tải bị tắc, mấy nghìn cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 70 bị thiếu đói nghiêm trọng. Trước tình hình “nước sôi, lửa bỏng” ấy, nhân dân các huyện Cà Lươn, Sê Ca Mán… tỉnh Tà Ven Oọc (Lào), thu gom thóc gạo, cứu đói cho bộ đội Việt Nam. Mùa mưa năm 1965, lực lượng thi công trên đường 128 cũng bị thiếu lương thực trầm trọng, cán bộ chiến sĩ không đủ gạo nấu cháo để cầm cự. Tư lệnh Phan Trọng Tuệ đã chỉ thị cho tuyến 1 tổ chức một chuyến hàng đặc biệt gồm 20 xe Zil157 đưa gạo từ Xóm Péng vào Lùm Bùm cứu đói cho lực lượng thi công trên công trường 128.
Những nhu cầu tối thiểu khác của cuộc sống cũng thiếu thốn, nhất là những nữ chiến sĩ trên Trường Sơn. Mùa mưa, áo quần không kịp khô, cả con gái con trai hàng tuần phải mặc quần áo ướt.
Bên cạnh sự thiếu đói, sốt rét, bệnh tật cũng cướp đi mạng sống của không ít cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Mùa mưa năm 1966, ở binh trạm 6 gần như toàn bộ quân số binh trạm bị sốt rét. Quân y binh trạm đã vét cạn đến viên ký ninh cuối cùng để cứu chữa. Nhưng binh trạm ở tuyến cuối, mùa lũ đang hồi cao điểm, thuốc không vào kịp. Sốt rét hoành hành đã cướp đi của binh trạm 6 gần 50 cán bộ, chiến sĩ trong mùa mưa năm 1966.
Không phải chỉ có sốt rét, sự thiếu thốn vật chất, mà xa quê hương, xa gia đình, xa những người thân là những sự trống vắng về tinh thần mà không ai có thể bù đắp được. Một lá thư nhà, thư bạn cũng là một bữa tiệc tinh thần cho cả đơn vị. Có những cô gái, ban ngày đi lấp hố bom, tối đến tự nhiên co giật, co cứng, chợt khóc, chợt cười... đó là chứng bệnh tâm lý phân ly.
Ác liệt là vậy, nên sự hy sinh, mất mát của Bộ đội Trường Sơn là không thể tránh khỏi. Ngay từ những chuyến gùi thồ đầu tiên cuối năm 1959, Thiếu úy Nguyễn Minh Thông đã bị giặc bắn chết, Thượng sĩ Trần Tương bị bắt, bị tra tấn dã man, anh vẫn giữ tròn khí tiết, không khai báo lộ bí mật con đường, anh đã bị địch thủ tiêu. Hai anh đã trở thành Liệt sĩ đầu tiên của Đoàn 559.
Không phải chỉ có một Đồng Lộc, một hang Tám Cô, mà khắp cả Trường Sơn có hàng chục, hàng trăm địa danh, hàng trăm câu chuyện còn bi hùng hơn thế. Có những đoàn xe lên đường, nhưng chỉ có một nửa tới đích, số còn lại bị bắn hỏng, bắn cháy, lái xe hi sinh. Cuối năm 1968, ở binh trạm 32, địch ném bom trúng trận địa phòng không ở ATP, gần 50 chiến sĩ cao xạ hi sinh; ở binh trạm 31, một loạt bom đã chôn vùi 12 chiến sĩ công binh trong hang núi ở Seng Phan; để kéo được 30 phi xăng ngược suối Trạ Ang, 29 chiến sĩ binh trạm 14 đã hi sinh….
Trong 16 năm, đã có hơn 2 vạn chiến sĩ Trường Sơn hi sinh, không ít người còn nằm đâu đó trong đại ngàn Trường Sơn. Trên 3 vạn người bị thương, bị phơi nhiễm chất độc da cam. Di chứng của chiến tranh còn truyền lại đến thế hệ thứ hai, thứ ba.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn hàng ngày có rất nhiều đoàn người đến viếng. Dù ở đây chỉ có một nửa số Liệt sĩ, dù ý đồ quy hoạch chia làm nhiều khu mộ, không phô bày cảnh đau thương, nhưng chỉ với một khu mộ thôi cũng đã đủ hình dung ra những mất mát, hi sinh to lớn của Bộ đội Trường Sơn.
Đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với toàn thế giới. Lịch sử Bộ đội Trường Sơn là một trang chói lọi trong lịch sử dân tộc. Nhưng “chiến thắng nào mà chẳng có những hi sinh. Nụ cười nào mà không hòa nước mắt”; bên cạnh những chiến công là sự gian khổ đến nghiệt ngã, sự khốc liệt hi sinh không thể đong đếm được.