Đại lễ Phật đản là biểu tượng đoàn kết của người Việt tại Séc
Đối với Phật tử người Việt tại Séc, Đại lễ là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng có ý nghĩa tâm linh truyền thống mang tính nhân văn, tăng cường đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.
Nghi lễ trong Đại lễ Phật đản tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo chùa Most. Ảnh: Vietnam+.
Trong những ngày này, hòa cùng không khí trang trọng của “Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak năm 2019” tại Việt Nam diễn ra từ ngày 12-14/5, phật tử tại nhiều tỉnh, thành phố ở Cộng hòa Séc cũng thành kính tổ chức Đại lễ Phật đản tại các Phật đường, cũng như các ngôi chùa của cộng đồng người Việt Nam.
Đối với phật tử người Việt tại Séc, đây là hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng có ý nghĩa tâm linh truyền thống mang tính nhân văn, góp phần duy trì đời sống tinh thần và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, cũng như tăng cường đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.
Đại lễ Phật đản tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo chùa Most thuộc tỉnh Ustecky ở miền Bắc Cộng hòa Séc không chỉ thu hút sự tham gia của đông đảo bà con trong cộng đồng, mà còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo chính quyền và người dân sở tại.
Trung tâm Văn hóa Phật giáo chùa Most là địa điểm đầu tiên được chính quyền địa phương chính thức công nhận là nơi sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo của cộng đồng người Việt tại Séc.
Chia sẻ về ý nghĩa sự ra đời của Đức Phật, Đại Đức Thích Thông Đạt - trụ trì Chùa Most, nhấn mạnh đây là sự kiện đặc biệt mang thông điệp “hòa bình, yêu thương” mà Đức Phật muốn truyền tải để con người biết yêu thương nhau, mở rộng tấm lòng và sống hướng thiện. Đặc biệt, Đại lễ Phật đản là dịp để các phật tử và bà con cảm nhận, chia sẻ về giá trị đạo đức trong cuộc đời, góp phần tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng người Việt tại Séc.
Đại diện chính quyền địa phương, ông Pavel Vodsedalek, Chủ tịch Hội đồng dân tộc thiểu số tỉnh Ustecky, và ông Alois Maly - Ủy viên Hội đồng thành phố Most, đều bày tỏ quan tâm và ủng hộ việc tổ chức các hoạt động văn hóa trong Cộng đồng người Việt nói chung và Đại lễ Phật đản nói riêng nhằm gắn kết cộng đồng người Việt cũng như giúp người Séc hiểu hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Nghi lễ trong Đại lễ Phật đản tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo chùa Most. Ảnh: Vietnam+.
Ông Vodsedalek chia sẻ thông qua việc tham dự những hoạt động văn hóa như thế này, ông cảm nhận được nghĩa tình gần gũi, thân thiện và đoàn kết trong Cộng đồng người Việt Nam.
Ông Alois đánh giá cộng đồng người Việt là một trong những cộng đồng người nước ngoài tại Séc được coi là tấm gương điển hình về tổ chức các hoạt động văn hóa.
Theo ông Lưu Danh Huyên, Chủ tịch Chi hội người Việt Nam thành phố Most, chùa Most được thành lập cách đây chín năm và trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh như hiện nay là nhờ sự đồng tâm nhất trí, ủng hộ và đóng góp quý báu của bà con trong cộng đồng. Mọi hoạt động trọng thể của chùa luôn gắn liền với hoạt động của cộng đồng.
Chi hội người Việt Nam tại địa phương luôn đồng hành duy trì hoạt động tín ngưỡng tâm linh nhằm góp phần tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng. Chính thực tế đó đã làm cho người dân địa phương hiểu và tôn trọng đạo nghĩa của người Việt, đồng thời lan tỏa tinh thần này tới họ.