Lễ mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc S’tiêng (Bình Phước) vừa tổ chức tái hiện Lễ hội mừng lúa mới.
Cồng chiêng, rượu cần là những thứ không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người S’tiêng. Nguồn ảnh: Báo Thanhtra.
Cứ đến dịp rằm tháng Chạp hằng năm, khi lúa đã gặt xong cũng là lúc bà con đồng bào S’tiêng tổ chức lễ hội mừng lúa mới để dân làng có dịp quây quần bên nhau làm lễ tạ ơn các đấng thần linh, đất trời đã ban cho họ một vụ mùa bội thu, cho lúa đầy đồng, thóc đầy sân; cầu mong thần linh tiếp tục ban mưa thuận, gió hòa cho mùa màng tươi tốt, thóc đầy kho, gà đầy chuồng, rau đầy ruộng…nhà nhà ấm no. Lễ hội cũng là dịp để người dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất; thanh niên, nam nữ được vui chơi, nhảy múa, ca hát và uống rượu cần, ăn cơm mới, tình đoàn kết cộng đồng ngày càng gắn kết hơn.
Trong lễ mừng lúa mới, lễ vật không thể thiếu gồm có: Đầu heo, gà, rượu nếp, cơm lam, canh thụt, thịt nướng, rau nhíp xào, cơm nếp…và một cây nêu dựng ngoài sân. Khi cây nêu được dựng, các lễ vật được bày biện xong, chủ lễ (già làng) tiến về phía cây nêu đọc lời khấn thông báo và mời các thần và hồn lúa, tổ tiên, ông bà về mừng lễ và cúng cơm mới. Xong lễ cúng cũng là lúc tiếng cồng chiêng vang lên, dân làng nối đuôi nhau theo vòng tròn quanh sân lễ, múa theo nhịp cồng chiêng. Trong tiếng chiêng vang vọng, trong điệu múa lời ca, dân làng cùng nhau ăn cơm lam, uống rượu…
Với người S’tiêng, cồng chiêng là tài sản vô giá, là tiếng nói, nguyện vọng của con người gửi đến thần linh cầu mong những điều tốt đẹp, cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi... Mỗi bộ chiêng thường là 6 cái. Ngoài chiêng còn có cồng, khèn bầu cũng được người S’tiêng ưa thích sử dụng trong những dịp lễ hội như này.
Bình Phước là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm qua được sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền đời sống của bà con ngày càng khởi sắc. Người nghèo cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế hằng năm; môi trường sống được bảo vệ qua hệ thống y tế, y tế dự phòng từ tỉnh đến thôn, ấp nên nhiều dịch bệnh đã được ngăn chặn, đẩy lùi. Hiện đường nhựa về đến tận trung tâm xã và nhiều thôn, ấp. Hầu hết các hộ được sử dụng điện và nước sạch, hợp vệ sinh…
Từ nền tảng đó, người dân thêm phấn khởi phát triển kinh tế, đời sống của bà con ngày càng khấm khá hơn. Với đồng bào S’tiêng trước đây, do chỉ cấy trồng được một vụ lúa, bắp, mì mà chưa biết trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, điều, tiêu nên cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn quanh năm. Giờ thì khác rồi, đồng bào S’tiêng đã có thu nhập cao từ cà phê, điều, tiêu nên đời sống được nâng lên rất nhiều. Có nhiều gia đình con em làm công nhân ở các nông trường của Binh đoàn 16 thì cuộc sống lại càng ổn định hơn.
Ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi, nơi có đông đồng bào dân tộc S’tiêng sinh sống. Nếu ngày mới tái lập tỉnh có tới trên 40% hộ đói, nghèo thì nay số hộ nghèo đã giảm đáng kể và số hộ khá giả cũng tăng nhanh. Đặc biệt, có những hộ như bà Thị Ríp, ông Điểu Chinh, Điểu Tô, Điểu Thăng…đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ người S’tiêng sắm xe hơi và máy cày, nhiều hộ có phương tiện đi lại và thiết bị nghe, nhìn.
Và cùng với sự khởi sắc về kinh tế, đồng bào S’tiêng rất chú trọng việc lưu giữ những nét văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc, trong đó có Lễ hội Mừng lúa mới.