Học cách sử dụng 'quyền lực mềm'
Sức mạnh của số đông trên mạng xã hội trở thành có ích khi được sử dụng đúng đắn để phê phán cái xấu, cổ vũ cái tốt. Nhưng nếu quyền lực cho dù là “mềm” được dùng như một áp lực xã hội phục vụ cho những lợi ích khác thì hệ luỵ cho xã hội là hết sức đáng lo ngại.
Ảnh minh họa.
Giả sử đúng là ai đó sơ suất về mặt hành vi trong xã hội, ví dụ có hình ảnh chưa đẹp, thậm chí có hành vi sai trái nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc cả xã hội xông vào ném đá họ tơi bời. Có thể lên án, có thể bày tỏ thái độ về hành vi sai trái đó, nhưng không đồng nghĩa với việc lôi cả cá nhân lẫn gia đình, họ hàng người ta ra rủa xả. Mỗi lời bình phẩm thản nhiên đưa lên mạng, với người viết ra là để thỏa mãn mình (có thể để câu like, cũng có thể vì thấy người khác nói mình cũng nói) thì nhẹ như không, nhưng với người bị chỉ trích thì là sự tổn thương về mặt tinh thần rất lớn.
Thông thường thì cách mọi người sử dụng quyền lực của mình ở trên mạng xã hội đôi khi lại theo một thứ rất a dua. Không khó khi đọc bình phẩm của mọi người về một việc hoặc một cá nhân ai đó, dễ nhận ra không phải ai cũng viết ra bằng nhận thức, quan điểm của chính mình, tức là ít nhất cũng thể hiện quyền của riêng mình. Mà nhiều người a dua theo một luồng tin, một quan điểm nào đó không cần suy xét đến tính đúng sai và nhìn nhận cho ngọn ngành, nhân văn mọi chuyện. Khi cộng đồng dễ bị kích động thì tất yếu dẫn tới việc xã hội rất dễ bị tổn thương. Gây ra tổn thương cho người khác dễ dàng thì cũng đồng thời tạo ra bất ổn cho chính mình, ai cũng có thể đến một ngày, vì một sơ suất nào đó mà bị đem ra bình phẩm không thương tiếc.
Cộng đồng mạng ngày nay phổ biến từ “ném đá” – một từ ngữ chỉ một hình phạt thời trung cổ nay chễm trệ ngồi trong một xã hội nhân danh công nghệ hiện đại. Đóng góp ý kiến, phản biện là để xã hội tốt lên. Nhưng phản biện khác xa với việc tập trung vào chỉ trích hành vi cá nhân theo hướng nghiệt ngã và cay độc, nhất là những hành vi ấy có khi chỉ mang tính riêng tư. Ngay cả trong những trường hợp đối với các hành vi phạm pháp, hay tội ác cũng đã có sự phán xét của pháp luật, chứ không phải làm cách ném đá cho đến chết như xưa kia.
Cho nên, một mặt phải nói rằng chúng ta mừng vì có một sức mạnh mới ở trên mạng xã hội đóng góp vào sự phát triển và hoàn thiện xã hội. Nhưng chúng ta cũng lo ngại vì mạng xã hội với những đợt sóng liên tục được tạo ra, sóng sau đè sóng trước vừa khó theo đuổi những mục tiêu tốt đẹp đến tận cùng (dễ sa vào tình trạng đánh trống bỏ dùi) vừa có thể cũng vừa gián tiếp vừa trực tiếp tạo ra cái xấu, cái ác. Nếu người tham gia mạng xã hội không tỉnh táo để sử dụng quyền lực của mình thì việc lạm dụng quyền lực trên mạng đem đến cho người ta sự ảo tưởng theo nghĩa hết sức cá nhân, để thỏa mãn cái tôi có quyền phán xét bất luận mục đích, thậm chí có thể nghĩ mình có quyền của một quan toà, hoặc một người thi hành án khi say sưa dùng quyền của mình “đấu tố”, “quy kết” đạo đức.
Đã có quyền lực thì phải được kiểm soát. Quyền lực mềm, dù không gây sát thương theo nghĩa vật chất được ai thì cũng vẫn cần được kiểm soát. Bằng thái độ và nhận thức của mỗi người. Và bằng qui định của luật pháp.
Chỉ dùng phím bấm, người ta có thể moi móc bất cứ việc gì và mọi thứ đều khó xóa nhòa. Trước khi sử dụng mạng xã hội và sử dụng quyền lực của mình trên mạng xã hội, có lẽ cần phải học cách tự bảo vệ mình trước hết. Đám đông ở đâu cũng vừa là sức mạnh vừa tiềm ẩn sự nguy hiểm.