Brexit tiếp tục bế tắc
Cuộc ly hôn đầy kịch tính giữa nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa khiến các nhà quan sát lo ngại, khi các vòng đàm phán giữa các đảng phái chính trị ở nước này nhằm đạt thỏa thuận về vấn đề Brexit một lần nữa thất bại trong hôm 17/5, trong khi quyền lực của Thủ tướng Theresa May ngày càng suy yếu.
Thủ tướng Anh Theresa May có thể từ chức vào tháng 6 tới. Nguồn: AP.
Đàm phán thất bại
Đã gần 3 năm kể từ khi Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) tổ chức cuộc trưng cầu dân ý có ý nghĩa lịch sử để rời khỏi EU, nhưng đến giờ cuộc ly hôn này vẫn đầy bất chắc: Liệu khi nào thì Anh chính thức rời khỏi khối liên minh mà họ đã gia nhập từ năm 1973? Không ai có thể trả lời câu hỏi này, đặc biệt sau khi Brexit đã 2 lần bị lùi thời hạn chót.
Các vòng đàm phán giữa đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May và đảng Lao động đối lập của ông Jeremy Corbyn đã khép lại mà không đạt được một thỏa thuận nào về vấn đề Brexit. Trong khi đó, Thủ tướng May đã đưa ra thời hạn để từ chức, theo BBC là vào đầu tháng 6 năm nay.
“Nếu các vòng đàm phán không đi đến đâu cả, theo quan điểm của tôi, điều đó sẽ chỉ dẫn tới một kết thúc duy nhất” - Hilary Benn, Chủ tịch Ủy ban Brexit, Quốc hội Anh, nhận định - “Chỉ có 2 cách để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Brexit hiện nay: Một là Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit, và hai là chúng ta phải hỏi lại ý kiến người dân để họ đưa ra lựa chọn”.
Sau khi thỏa thuận Brexit mà bà May rất khó khăn mới đạt được với EU bị thất bại lần thứ 3 liên tiếp trong các cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội, bà tuyên bố trong hôm 2/4 vừa qua rằng sẽ mở ra các cuộc đàm phán với đảng Lao động đối lập để tìm tiếng nói chung. Nhưng hai đảng này đã không thể nhất trí về các vấn đề khúc mắc nhất: Thành lập một liên minh hải quan với EU thời kỳ hậu Brexit.
Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn nói rằng, Thủ tướng May đã từ chối chấp nhận nhiều yêu cầu quan trọng mà họ đưa ra. Chỉ riêng việc đàm phán với đảng đối lập cũng đã khiến cho bà May hứng chịu sự phẫn nộ từ các thành viên trong đảng Bảo thủ của mình, gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng. Trong khi đó, phía đảng Lao động lo ngại rằng, các thỏa hiệp liên quan tới một số vấn đề như quyền lợi của người lao động sẽ bị người thay thế bà May trong tương lai hủy bỏ.
Lãnh đạo của hai chính đảng giờ sẽ phải đi tiếp tới giai đoạn tiếp theo, tức đạt một thỏa thuận về tiến trình bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit trong Quốc hội.
Thủ tướng May sẽ sớm từ chức?
Thủ tướng May hôm 16/5 đã tuyên bố rằng, bà sẽ sớm đưa ra thời điểm chính thức để từ chức vào đầu tháng 6 tới, sau khi nỗ lực thúc đẩy để thông qua thỏa thuận Brexit thất bại liên tiếp.
Bà May cũng từng đưa ra “tối hậu thư” rằng bà sẽ từ chức nếu như thỏa thuận Brexit được giới lập pháp trong Quốc hội phê chuẩn. Nhưng nhiều thành viên trong chính đảng Bảo thủ của bà lại muốn bà từ chức nếu như thỏa thuận Brexit bị bác bỏ một lần nữa, trong khi một số thành viên khác yêu cầu bà từ chức ngay lập tức.
Ông Boris Johnson - một trong những chính trị gia lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Anh rời khỏi EU, nói rằng ông sẽ trở thành một ứng viên sừng sỏ để thay thế vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ của bà May.
Được biết, người giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ tự động trở thành Thủ tướng và sẽ giành được quyền kiểm soát tiến trình Brexit. Hiện nay, việc Anh rời khỏi EU đã đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng nhất kể từ sau Thế chiến II.
Ông Johnson từ trước đến nay là một trong những người lên tiếng chỉ trích bà May mạnh mẽ nhất và ủng hộ việc Anh rời khỏi EU mà không cần một thỏa thuận nào cả. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Quốc hội Anh từng nhiều lần khẳng định rằng họ không muốn viễn cảnh Brexit không thỏa thuận xảy ra.
Một cuộc thăm dò do Hãng YouGove thực hiện ngay trước kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu (hôm 23/5 tới) cho thấy, đảng đối lập Dân chủ Tự do - vốn là một đảng nhỏ ở Anh - đang dần áp đảo đảng Lao động, trong khi đảng Bảo thủ bị đẩy xuống vị trí thứ 5. Đảng Brexit mới được thành lập, trong khi đó, ở vị trí đầu bảng.
Điều này thể hiện rõ sự bất bình của cử tri Anh với các chính đảng lớn và họ bắt đầu quay sang ủng hộ các đảng nhỏ hoặc đảng mới thành lập.