Hé lộ những điều bí ẩn về lịch sử hình thành sơ khai của Mặt Trăng
Những điều bí ẩn xung quanh sự hình thành của Mặt Trăng đang dần hé lộ thông qua cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, ủng hộ "thuyết đại dương magma" Mặt Trăng.
Tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc hạ cánh mềm xuống bề mặt tối của Mặt Trăng ngày 3/1/2019. (Ảnh: THX/TTXVN).
Những điều bí ẩn xung quanh sự hình thành của Mặt Trăng đang dần hé lộ thông qua cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc được thực hiện sau sự kiện tàu Hằng Nga-4 của Trung Quốc trở thành tàu con thoi đầu tiên hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng hồi tháng 1/2019.
Trong kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature số ra ngày 15/5, các nhà khoa học cho biết họ đã phát hiện một số khoáng chất như olivine và pyroxene có lượng calcium thấp, trong quá trình tìm kiếm mẫu vật sau khi tàu thăm dò Hằng Nga hạ cánh xuống khu vực hố thiên thạch Von Karman, vũng Aitken ở địa cực phía Nam thuộc vùng tối của Mặt Trăng. Đây đều là những khoáng chất hiếm gặp trên bề mặt Mặt Trăng.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng những khoáng chất này đã thoát ra khỏi lớp phủ phía trên của Mặt Trăng khi bị thiên thạch rơi vào.
Nhà nghiên cứu Chunlai Li thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết những kết quả nghiên cứu trên ủng hộ "thuyết đại dương magma" Mặt Trăng và giả quyết này có thể được sử dụng để mô tả lịch sử hình thành sơ khai của Mặt Trăng.
Nhà nghiên cứu Patrick Pinet thuộc Viện nghiên cứu Vật lý thiên văn và hành tinh của Pháp đã ca ngợi thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, cho rằng kết quả này có thể tác động đến hiểu biết của giới khoa học về sự hình thành và phát triển bên trong Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất và cũng là vệ tinh tự nhiên lớn thứ 5 trong hệ Mặt Trời.
Tương tự như các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời, Mặt Trăng được cho là đã trải qua quá trình hình thành được bồi tụ từ một phần hoặc toàn bộ đá nóng chảy từ các vụ va chạm lớn.
Theo giả thuyết đại dương Magma, sau khi ở trạng thái nguội đi, các khoáng chất lắng tích tụ dưới đáy biển magma, trong khi những khoáng chất nhẹ hơn tập trung gần bề Mặt để hình thành nên lớp vỏ của Mặt Trăng.
Ngày 3/1, tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga-4 đã hạ cánh xuống mặt tối của Mặt Trăng (là nửa Mặt Trăng quay lưng với Trái Đất) trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh mềm xuống bề mặt tối của Mặt Trăng - vùng địa hình gồ ghề với vô số miệng núi lửa.
Phần bề mặt bằng phẳng đối diện với Trái Đất từng đón tàu vũ trụ của cả Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, các tàu Apollo (Mỹ) và Luna (Nga) đều trở về Trái Đất mà không có bất cứ mẫu vật nào.