Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – kiến tạo tương lai
Ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trong khuôn khổ của sự kiện đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu và Lễ trao giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ với sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi Lễ.
Khẳng định vai trò của ngành Khoa học và Công nghệ
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, từ năm 2014 đến nay, Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam 18/5 đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội quan trọng của Ngành KH&CN. Vào dịp này, nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực được tổ chức và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng các nhà khoa học và toàn xã hội.
Ngày KH&CN Việt Nam năm nay được tổ chức với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - kiến tạo tương lai” với mong muốn ngành KH&CN Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và xác định vị trí của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.
Thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - người luôn trăn trở dành thời gian tâm sức để chỉ đạo, tư vấn cho ngành KH&CN, trong thời gian qua, ngành KH&CN Việt Nam luôn nỗ lực để đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá khách quan của các tổ chức quốc tế vừa qua cho thấy, KH&CN có những đóng góp thiết thực cho chất lượng tăng trưởng. Điều này được thể hiện qua các số liệu cụ thể, ví dụ như Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia); chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 43,3% trong giai đoạn 2016-2018, vượt mục tiêu đề ra là 35% giai đoạn 2010-2020.
Cùng với đó, tỷ lệ đầu tư cho KH&CN từ xã hội đã có chuyển dịch mạnh và ngày càng tăng; đến nay vượt mức đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tỷ trọng đầu tư cho khoa học công nghệ giữa nhà nước và doanh nghiệp không còn ở mức 7:3 như đầu thập kỷ này mà đổi lại là mức 5,2:4,8. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm nhiều hơn đến đầu tư cho KH&CN; doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự quan tâm bước đầu và đầu tư cho KH&CN; doanh nghiệp KH&CN tăng trưởng ngày càng rõ nét trong phát triển kinh tế; doanh nghiệp đổi mới sáng tạo start up của Việt Nam đã có bước trưởng thành mạnh mẽ, tiếp cận, cạnh tranh được với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao giải cho các tác giả nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019.
Tôn vinh những công trình khoa học xuất sắc
Trong khuôn khổ của sự kiện đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Giải thưởng Tạ Quang Bửu là Giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia làm Cơ quan thường trực, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Giải thưởng được xét tặng cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, bao gồm: Khoa học tự nhiên (Toán học, Khoa học máy tính và thông tin; Vật lý, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, Sinh học, Khoa học tự nhiên khác), Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Khoa học y dược và Khoa học nông nghiệp.
Năm 2019, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 45 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Các Hội đồng khoa học chuyên ngành đã đánh giá và đề cử 8 hồ sơ để tiếp tục đưa ra xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 cho 3 nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề xuất, bao gồm: PGS.TSKH Phạm Đức Chính với công trình khoa học về lý thuyết dẻo tái bền động học giới hạn đã được xây dựng hoàn chỉnh, với 4 giả thiết xuất phát cơ bản; TS. Lê Trọng Lư với công trình khoa học góp phần làm sáng tỏ cơ chế hình thành và phát triển của các hạt nano - một khám phá quan trọng cho phép điều khiển chất lượng và các thông số hạt như mong muốn thông qua việc thay đổi điều kiện tổng hợp; PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng với công trình khoa học xác định được những điểm mấu chốt của virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010: sự tiến hóa nhanh của virus, cung cấp một danh sách các đột biến được xác định trong tương tác giữa người - động vật trong virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1, có giá trị trong giám sát phân tử virus cho các nghiên cứu trong tương lai tại Việt Nam và trên thế giới; mối tương quan về không gian và thời gian giữa sự xuất hiện của virus cúm HPAI H5N1 ở gia cầm và sự lây truyền của nó sang người.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng chia sẻ: “Là một trong ba nhà khoa học được nhận Giải thưởng trong năm đầu tiên Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho một nhà khoa học nữ và cho các nhà khoa học trong các ngành Y sinh Dược học và Cơ học, với cá nhân tôi là niềm tự hào to lớn. Đây cũng là vinh dự đối với lĩnh vực Y sinh Dược học, với Viện VSDTTW và Bộ Y tế. Đó cũng là động lực thúc đẩy các nhà khoa học nữ tiếp tục thực hiện nghiên cứu khoa học đỉnh cao và đóng góp nhiều hơn nữa. Đồng thời, đó cũng là động lực đối với tôi, với nhóm nghiên cứu phải tiếp tục phấn đấu không ngừng để xứng đáng với giải thưởng được trao tặng”.
Quang cảnh buôi Lễ.
Nâng cao nhận thức xã hội về vai trò tác động của Khoa học và Công nghệ
Được bắt đầu tổ chức từ năm 2012, Giải thưởng báo chí Khoa học và Công nghệ được Bộ KH&CN tổ chức nhằm trao tặng cho các tác giả là công dân Việt Nam, có tác phẩm báo chí xuất sắc về KH&CN, đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Giải thưởng có mục đích nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của KH&CN trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông về lĩnh vực này.
Đây là lần thứ bảy, Bộ KH&CN tổ chức Giải thưởng báo chí về KH&CN, trong 7 năm tổ chức. Ban tổ chức đã nhận được hơn 6.000 tác phẩm thuộc bốn thể loại tham dự. Với tinh thần làm việc thận trọng, nghiêm túc, khách quan và công bằng của Ban tổ chức, các Hội đồng Sơ tuyển khu vực phía Bắc, phía Nam, Hội đồng Chung tuyển và các đơn vị liên quan, Giải thưởng đã đáp ứng được mục đích, yêu cầu của Quy chế đề ra. Quá trình xét thưởng được thực hiện theo đúng quy định từ việc tiếp nhận đăng ký, đánh giá, xét chọn đến thẩm định tác phẩm, tác giả, nội dung.
Đã có 135 tác phẩm/nhóm tác phẩm đoạt giải (20 giải Nhất, 29 giải Nhì, 45 giải Ba, 47 giải Khuyến kích, 12 giải Phụ ấn tượng) gắn với danh sách tác giả là hàng trăm nhà báo, phóng viên.
Tiếp nối thành công của Giải thưởng từ các năm trước, Giải thưởng báo chí KH&CN lần thứ bảy, năm 2018 đã nhận được sự tham gia của hầu hết các cơ quan thông tấn báo chí, đặc biệt của các cơ quan thông tấn báo chí lớn ở trung ương và địa phương. Sự nhiệt tình hưởng ứng của đông đảo phóng viên/ biên tập viên, với số lượng lớn tác phẩm chất lượng, đầy đủ về loại hình và phong phú đa dạng về chủ đề đã đem đến một mùa giải thành công.
Trong 1 năm, tính đến ngày 31/12/2018, số lượng các tác phẩm báo chí về KH&CN tham dự Giải thưởng năm 2018 là gần 700 tác phẩm thuộc 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình.
Ban tổ chức đã quyết định trao 4 Giải nhất, 4 Giải nhì, 4 Giải ba và 6 Giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc. Tại đây, Báo Đại Đoàn Kết nhận Giải khuyến khích thể loại báo in cho nhóm tác phẩm Thương hiệu cho vắc xin Việt Nam.