Nắng nóng cực điểm, ghi nhớ các phương pháp sau để phòng sốc nhiệt

Theo Dantri 18/05/2019 19:00

Khi bị sốc nhiệt, người bệnh không chỉ sốt cao, mặt mũi đỏ, vã mồ hôi, mạch nhanh, có biểu hiện rối loạn thần kinh (mất phương hướng, ảo giác, lẫn lộn, co giật, hôn mê...) mà còn có nguy cơ để lại những tổn thương não không thể hồi phục, thậm chí tử vong.

PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, nắng nóng tác động đến sức khoẻ rất nhiều. Nắng nóng không chỉ làm trẻ em, người già đổ bệnh mà ngay cả những thanh niên đang độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” cũng “gục” vì say nắng, có trường hợp xuất huyết màng não vì nắng nóng, thậm chí tử vong.

Nắng nóng cực điểm, ghi nhớ các phương pháp sau để phòng sốc nhiệt

Say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Trong những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt của mùa hè dễ khiến cơ thể con người mệt mỏi, mất nước, đặc biệt rất dễ bị say nắng, say nóng. Các biểu hiện có thể gặp như: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... ngoài ra có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục thậm chí dẫn tới tử vong.

Năm nào khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận những trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc được người dân đưa vào cấp cứu.

Những trường hợp này thường do làm việc kéo dài trong môi trường nắng nóng, đi dưới trời nắng lâu khiến cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, rối loạn chuyển hoá nhiệt do tiếp xúc nhiệt độ cao trong thời gian dài khiến cơ thể bị tăng thân nhiệt, đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng.

Những biện pháp chống sốc nhiệt hiệu quả

Tránh đi, làm việc ngoài trời nắng thời điểm gay gắt nhất

Nắng gay gắt nhất từ 12 – 16 giờ hàng ngày, thời điểm này đi đường, làm việc lâu ngoài nắng sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não.

Vì thế, chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời từ 11-15h. Những trường hợp hôn mê, tổn thương não, tử vong do sốc nhiệt trong mùa hè 2018 khi được chuyển đến BV Bạch Mai, đa phần là đang làm việc ở thời điểm nắng gắt này.

Nạn nhân đang làm việc đột ngột rối loạn tâm thần, nói nhảm, sau đó vài chục phút thì hôn mê, sốt cao, đỏ da toàn thân, hôn mê sâu, được chẩn đoán biến chứng tổn thương não do say nắng.

Hãy luôn uống thật nhiều nước

Khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức, lại thiếu các phương tiện chống nắng cần thiết, không bù đủ nước so với lượng mồ hôi mất ra sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

Khi đó người bệnh có các dấu hiệu sốt cao, mặt mũi người bệnh đỏ nhừ, vã mồ hôi, mạch nhanh, có biểu hiện rối loạn thần kinh (mất phương hướng, ảo giác, lẫn lộn, co giật, hôn mê...). Có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não. Các tổn thương có thể không hồi phục hoặc khó hồi phục.

Cần luôn nhớ uống đủ nước, không để khi cảm thấy khát mới uống nước. Tốt nhất mùa hè khi lượng mồ hôi mất đi quá nhiều do hoạt động thể lực, làm việc môi trường nắng nóng nên uống nước pha loãng muối đường (oresol) để vừa cung cấp nước, cung cấp điện giải mất đi theo mồ hôi.

Mặc áo dài tay, mũ rộng vành chống nắng

Để phòng say nắng khi ra ngoài nắng cần mặc áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi, có mũ che đỉnh đầu, che kín gáy. Với những người có đặc thù công việc phải thường xuyên ở môi trường nhiệt độ cao phải mặc quần áo chuyên dụng và có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý.

Ngay khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt...cần cần tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước, càng sớm càng tốt.

Hãy đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát (có điều hòa là tốt nhất), sau đó cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (đường, hoặc nước chanh, nước bột sắn dây...) và chườm lạnh cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng... Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm nhanh được nhiệt độ cơ thể. Tiếp tục theo dõi, nếu thấy bệnh nhân đỡ thì có thể ăn uống để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.

Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Trong quá trình di chuyển, nếu người bệnh có nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp để đề phòng sặc.

Theo Dantri