Thi THPT Quốc gia 2019: Giải pháp để chấm thi tự luận khách quan
Một trong những băn khoăn lớn nhất về kỳ thi THPT Quốc gia 2019 là việc chấm bài thi tự luận vẫn do các Sở GDĐT địa phương thực hiện liệu có đảm bảo khách quan, công bằng?
Đề thi, đáp án môn tự luận cần chính xác, rõ ràng để chấm thi được khách quan.
Quy trình chấm ra sao?
Theo quy định của Bộ GDĐT tại hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT Quốc gia 2019 thì công tác thanh tra, kiểm tra rất được chú trọng và bám sát suốt quát trình chấm thi tự luận. Theo đó, thanh tra công tác chấm thi tự luận phải xem xét việc bố trí khu vực chấm thi, phòng chấm thi, phòng chấm kiểm tra, khu vực làm phách; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ chấm thi: Phòng, tủ, thùng chứa bài thi, việc niêm phong; cán bộ thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thu nhận các văn bản chỉ đạo, văn bản phối hợp, các quyết định thành lập Hội đồng thi, các Ban của Hội đồng thi liên quan đến công tác chấm thi tự luận, quyết định thanh tra, kiểm tra. Kiểm tra việc bố trí các phòng làm việc của Ban Chấm thi tự luận, các phòng làm phách, chấm thi, chấm kiểm tra; kiểm tra camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi tự luận (không có kết nối Internet).
Ngoài ra, thanh tra phải kiểm tra việc làm phách và chấm bài thi tự luận; kiểm tra việc bảo mật phách; bàn giao đầu phách; phương thức đánh phách (1 vòng/hai vòng); việc cách ly Ban làm phách; kiểm tra việc bảo quản và bàn giao đầu phách cho Ban Thư ký (chỉ bàn giao sau khi đã chấm xong bài thi tự luận).
Việc ghi điểm của cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi; phiếu ghi điểm; thứ tự việc ghi điểm của cán bộ chấm 2, cán bộ chấm 1 và thư ký trên phiếu ghi điểm; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Trưởng môn chấm thi với các cán bộ chấm thi trong tổ chấm thi; kiểm tra việc thảo luận thống nhất điểm, điểm thống nhất của hai cán bộ chấm thi, việc quyết định điểm, ghi điểm của Trưởng môn Chấm thi; việc xử lý các trường hợp bài thi phải chấm 3 lần; biên bản kết luận kết quả chấm tập thể; biên bản khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận (nếu có sai sót), nguyên nhân và biện pháp khắc phục; kiểm tra việc nhập điểm đối với bài thi tự luận.
Công tác thanh tra cũng kiểm tra việc chấm kiểm tra bài thi tự luận như: Kiểm tra Quyết định thành lập Tổ Chấm kiểm tra bài thi tự luận đảm bảo đủ số lượng, đúng thành phần để thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi theo quy định tại Điều 25 của Quy chế thi; kiểm tra việc nghiên cứu, thảo luận đáp án, biểu điểm của Tổ Chấm kiểm tra; kiểm tra việc lựa chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm (có thể chọn cả túi) hoặc chọn ra những bài có nghi vấn được 2 cán bộ chấm thi cho điểm khác nhau nhiều trước khi thống nhất điểm; chọn các bài thi có điểm cao trong Hội đồng thi (được Trưởng ban Chấm thi tự luận lựa chọn sau khi đã thống nhất với Chủ tịch Hội đồng thi) và giao cho Tổ Chấm kiểm tra để thực hiện chấm kiểm tra các bài này.
Phát huy ưu điểm, giảm thiểu hạn chế
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng trong thời điểm hiện nay, việc giao cho các địa phương chấm môn tự luận chứ không phải là các trường ĐH là phương án hợp lý. GS Dong phân tích: mỗi địa phương đều có lực lượng giáo viên ngữ văn rất đông, lại trực tiếp giảng dạy chương trình nên bám sát đề thi, đáp án, sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện việc chấm điểm. Trong khi đó, nếu giao cho các trường ĐH, không phải trường nào cũng có đủ giảng viên có chuyên môn về môn này để chấm thi. Đó là chưa kể tài chính cũng là một vấn đề nên có giải pháp mà nhiều trường ĐH lựa chọn vẫn là phải mời giáo viên của các địa phương chấm.
Chính vì vậy, dù lựa chọn cách nào cũng có ưu điểm, nhược điểm riêng. Vấn đề dư luận lo ngại là sợ thiếu khách quan, công bằng trong việc các địa phương tự chấm bài thi tự luận của tỉnh mình cũng là có căn cứ khi sau vụ tiêu cực xảy ra năm ngoái ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… bị phát hiện nhiều bài thi tự luận đã được nâng điểm.
Từ kinh nghiệm của vụ tiêu cực năm 2018, cần phải xử nghiêm những người vi phạm làm bài học cho các cán bộ thanh tra, coi thi, chấm thi… năm nay. Ngay từ lãnh đạo các địa phương cần quán triệt tinh thần làm đúng, không nhân nhượng bất kỳ trường hợp nào nếu phát hiện sai phạm thì chắc chắn, giáo viên dù được “nhờ vả” cũng không bao giờ dám làm sai.
“Chúng ta vẫn thường nghe câu “văn mình, vợ người”. Việc chấm bài thi môn tự luận luôn khó chính xác hơn các bài thi khác vì dù có đáp án rõ ràng thì còn căn cứ vào cách trình bày, cách hành văn, tư duy của người viết… Để hạn chế tiêu cực, trước hết là câu hỏi phải chuẩn xác, ba-rem điểm phải rành mạch theo các ý để giáo viên căn cứ vào đó chấm điểm” – GS Dong đề xuất.
Phản biện đề thi
Dù là đề thi môn tự luận hay trắc nghiệm thì yêu cầu đầu tiên vẫn là tính chính xác và bảo mật tuyệt đối. Sự cố lộ đề ở một số cuộc thi do các Sở GDĐT hoặc nhà trường tổ chức là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho công tác chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm nay.
Cách đây 3 năm, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 cũng có thông tin đề thi bị lộ ngay trước ngày diễn ra kỳ thi khiến thí sinh và gia đình hoang mang. Bộ Công an đã vào cuộc xác minh và khẳng định đó chỉ là tin đồn thất thiệt, thí sinh cần vững tin ôn tập theo lộ trình đã vạch ra, không nên bị ảnh hưởng bởi các tin đồn. Các giáo viên có nhiều năm ôn tập cho học sinh thi THPT Quốc gia cũng nhấn mạnh các em không nên học tủ riêng bài nào mà cần học theo kiểu nắm được dàn ý từng bài, kết hợp với các kiến thức thực tế ngoài đời sống để làm câu nghị luận xã hội, viết cảm nhận, liên hệ trong bài...
Về phía Bộ GDĐT, theo quy định, danh sách những người tham gia làm đề thi sẽ được giữ bí mật. Người tham gia làm đề cũng không được tiết lộ việc mình tham gia làm đề thi. Nơi làm đề thi phải là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi, có đầy đủ điều kiện về thông tin liên lạc, phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy. Tất cả mọi người tham gia làm đề thi từ khi tiếp xúc với đề thi đều phải hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, không được dùng điện thoại cố định hoặc điện thoại di động hay bất kỳ phương tiện thông tin liên lạc nào khác.
Trong trường hợp cần thiết, chỉ Trưởng ban Đề thi mới được liên hệ với Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh bằng điện thoại cố định dưới sự giám sát của cán bộ bảo vệ. Cán bộ tham gia biên soạn, phản biện đề thi và những người phục vụ Ban Đề thi tại nơi làm đề thi chỉ được ra khỏi khu vực cách ly sau khi đã thi xong môn cuối cùng của kỳ thi.
Theo quy định thì đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”. Người làm lộ đề thi, mua, bán đề thi sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về tính chính xác của đề thi, sau khi soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh, các đề thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức phản biện độc lập. Các cán bộ phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, giải đề và đánh giá đề thi; đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết. Ý kiến đánh giá của các cán bộ phản biện đề thi là một căn cứ để Chủ tịch Hội đồng ra đề thi tham khảo trong việc quyết định duyệt đề thi.
* “Đề thi môn Ngữ văn có bao gồm câu hỏi mở nên đáp án cũng phải mở. Nhưng cần kiểm soát việc “mở” đến mức độ nào và việc chấm điểm cũng cần linh hoạt để học sinh không bị mất điểm oan nếu có quan điểm, cách nhìn khác với đáp án” – GS. TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.