Nắng nóng - dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại
Thời gian gần đây, thời tiết tại miền Bắc đang có nhiều thay đổi thất thường, nắng nóng khiến nền nhiệt tăng cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người dân. Thời tiết thay đổi cũng tạo điều kiện thuận lợi khiến các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trở lại.
Nắng nóng khiến nhiều người già phải nhập viện.
Gia tăng dịch bệnh
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã ghi nhận hơn 1.100 trường hợp mắc sởi. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Trì. Đối với sốt xuất huyết, đến nay đã có 204 trường hợp mắc bệnh và 228 trường hợp mắc tay chân miệng. Có 6 ổ dịch tay chân miệng tại Đống Đa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thạch Thất, trong đó ổ dịch nhiều bệnh nhân nhất là tại xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức) với 8 bệnh nhân mắc.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, tính đến nay, các quận, huyện đều đã hoàn thành chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết đợt 1. Toàn thành phố tổ chức được 375 chiến dịch vệ sinh môi trường tại cộng đồng, kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại gần 100 trường học từ mầm non đến đại học, trên đại học.
Theo các chuyên gia y tế, các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới vẫn có nhiều diễn biến phức tạp và có nhiều nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như cúm A/H7N9, MERS-CoV. Trong khi đó, một số bệnh có vaccine dự phòng như sởi, ho gà, bạch hầu vẫn có nguy cơ xảy ra ở người. Đáng lo ngại, dịch bệnh lưu hành địa phương như sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng do thời tiết, khí hậu thuận lợi cho virus gây bệnh sinh sôi, phát triển.
PGS. TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho hay: thời tiết nắng nóng, mưa nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển, đặc biệt là sốt xuất huyết. Mùa hè là thời gian gia tăng các hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm cũng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm như: cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, viêm não,…
Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - có tới 10 loại bệnh truyền nhiễm dễ gia tăng và lây lan nhanh trong thời tiết nắng nóng gồm cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, lỵ, thuỷ đậu, adeno virus, lỵ amip, rubella, viêm não virus, trong đó, người dân cần đặc biệt chú ý tới dịch sởi. Cũng theo ông Trần Đắc Phu, Tổ chức Y tế Thế giới vừa đưa ra cảnh báo về số trường hợp mắc sởi trong 3 tháng đầu năm 2019 trên thế giới đã tăng lên 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam nằm trong bối cảnh chung của thế giới.
Nhiều bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện
PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai - cho biết: trong những ngày nắng nóng đầu tiên của mùa hè, có ngày bệnh viện vừa tiếp nhận tới vài chục ca đột quỵ vào để cấp cứu. Số lượng bệnh nhân nặng không ngừng tăng vọt khiến các bác sĩ phải làm việc cật lực từ sáng sớm đến tối muộn.
Không chỉ với người mắc các bệnh lý nền mà ngay cả đối với người trẻ, hoạt động thể lực cường độ cao cũng mắc đột quỵ. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, trong đợt nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, có một nam bác sĩ trẻ (đang làm việc tại một bệnh viện của Hà Nội) khi đang đá bóng ngoài trời nắng bất ngờ ngã lăn ra sân, ngất xỉu rồi nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê. Bệnh nhân được chẩn đoán phình mạch máu não. Mặc dù đã tiến hành cấp cứu ngay lập tức nhưng không thể cứu sống và đã tử vong ngay sau đó.
Theo các bác sĩ, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, điều kiện khắc nghiệt làm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ phát huy, tác động mạnh mẽ đến người bệnh, khiến nguy cơ đột quỵ cao hơn. Bên cạnh đó, thời tiết nóng bức sẽ gây căng thẳng, khó chịu, người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám... dẫn đến tình trạng bất ổn tăng lên.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng còn gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ nhỏ. Theo thông tin tại một số cơ sở y tế nhi khoa trên cả nước, số lượng bệnh nhi nhập viện để điều trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp không ngừng tăng cao.
Thời gian tới, dự báo tình hình nắng nóng gay gắt trên cả nước sẽ tiếp tục diễn ra. Các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người phải biết bảo vệ mình trong điều kiện môi trường nắng nóng khắc nghiệt. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 16 giờ là thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao nhất trong ngày, người dân nên hạn chế đi lại, vận động ở ngoài trời nếu không thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, cần chú ý mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng.
Để chủ động phòng, chống các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá trong thời tiết nắng nóng, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - khuyến cáo người dân nên tuân thủ việc ăn chín, uống chín, uống nhiều nước và bổ sung hoa quả để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, không nên uống quá nhiều nước đá lạnh; không nên nằm quạt, máy lạnh lâu, hạn chế đi ra ngoài đường ngoài trời nóng, vào lúc nhiệt độ cao khi không thật cần thiết.
Bên cạnh đó, biện pháp để phòng bệnh tốt nhất chính là tiêm chủng. Theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay, các bệnh thường xuất hiện trong mùa hè phần lớn đã có các vaccine phòng bệnh. Do đó, người dân cần quan tâm hơn tới vấn đề này. Bởi nếu ngừng tiêm chủng hoặc tiêm chủng tỷ lệ thấp thì thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, lây lan nhanh trên diện rộng, đe doạ đến sức khoẻ của người dân và của cả cộng đồng.
“Nếu tiêm chủng tỷ lệ thấp hoặc ngừng tiêm chủng thì hàng rào miễn dịch bị phá vỡ, tỷ lệ tiêm chủng thấp, không đủ người có miẽn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lây lan nhanh. Khi đó, tất cả nhũng người chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh. Những trẻ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng (chưa đến tuổi tiêm chủng, trẻ đang mắc bệnh nặng, trẻ trong giai đoạn tạm hoãn tiêm chủng, trẻ chống chỉ định tiêm vaccine…) sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao”.