Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh: Sau 10 năm trở lại ngầm Ta Lê

Phong Hải 19/05/2019 08:00

Cách đây 10 năm, tôi được cùng đi với nhóm làm phim tài liệu của Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình: “Ký sự đồng hành đường Hồ Chí Minh huyền thoại” của Đài Truyền hình Việt Nam nhân dịp 50 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2009).

Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh: Sau 10 năm trở lại ngầm Ta Lê

Ở tỉnh Quảng Bình, thời Pháp thuộc chỉ có đường 12, bắt đầu từ Thị xã Ba Đồn, chạy qua huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa gặp đường 15 tại Khe Ve ngược lên phía Tây qua Cổng Trời, cầu Cho Quang, Cha Lo, đèo Mụ Dạ vào tới Lằng Khằng, tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào. Vào những năm 60 của thế kỷ 20, Đường 12 được nâng cấp, nối Đông Trường Sơn -Tây Trường Sơn.

Có thể nói, vào thời kỳ đó đây là ra đường huyết mạch chủ yếu vận chuyển vũ khí, lương thực bằng ô tô cơ giới chi viện cho cách mạng miền Nam. Phát hiện được điều đó, đế quốc Mỹ tập trung các loại máy bay, kể cả pháo đài bay B52, đánh phá con đường này một cách ác liệt, không kể ngày đêm, mùa khô hay mùa mưa, gây cho những thiệt hại nặng nề về người và cơ sở vật chất.

Khó khăn chồng chất khó khăn. Về mùa mưa, ở phía Lào xuất hiện nhiều túi nước, nhất là túi nước Xiêng Phang làm ngập nhiều đoạn Đường 12, trong thời gian dài. Mặc dù Đoàn 559 đã tìm cách khắc phục, nhưng đường vẫn tắc, từng đoàn xe vẫn ùn ứ nằm chờ, trong lúc đó, chiến trường miền Nam đang từng giờ, từng ngày mong sự chi viện của miền Bắc.

Phải khẩn trương tìm giải pháp hữu hiệu để phá thế độc đáo và khắc phục khó khăn trên, đáp ứng nhu cầu chi viện ngày càng lớn của cách mạng miền Nam. Phương án này đã được Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương dự liệu từ trước, nay Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải tập trung trí tụê, sức lực khẩn trương khảo sát và thi công tuyến đường mới.

Trước khi khởi công xây dựng con đường này, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ có cuộc họp khẳng định tầm quan trọng chiến lược của con đường này. Hội nghị được đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất của Đảng đến dự. Trong giờ giải lao, đồng chí Lê Duẩn gặp đồng chí Thượng tá Võ Bẩm, Đoàn 559 và gợi ý: “Vì sao không áp dụng giải pháp mở đường hầm xuyên núi?”

Đồng chí Võ Bẩm đáp:

- Thưa đồng chí! Làm được đường hầm thì rất tốt, nhưng với thực lực và điều kiện hiện thời, công việc sẽ kéo dài.

Đồng chí Lê Duẩn hỏi:

- Kéo dài bao lâu?

Đồng chí Võ Bẩm đáp

- Thưa đồng chí! nhanh cũng phải mất ba năm!

Nghe vậy, đồng chí Lê Duẩn lắc đầu và nói:

- Vậy thì chậm quá, phải chọn giải pháp nhanh hơn!

Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh: Sau 10 năm trở lại ngầm Ta Lê - 1

Tác giả bên ngầm Ta Lê.

Thế là ngày 21/1/1966 - đúng sáng mùng Một Tết Bính Ngọ, đồng chí Nguyễn Tường Lâm- Thứ trưởng Bộ GTVT, Tổng chỉ huy công trường phát lệnh nổ một loạt bộc phá đầu tiên mở màn chiến dịch mở Đường 20. Bộ đội Trường Sơn, TNXP, dân công hỏa tuyến, lực lượng giao thông vận tải… đón xuân Bính Ngọ bằng những tràng đại pháo hàng trăm kg thuốc nổ TNT thay cho pháo đón xuân. Một bầu không khí hào hùng, thiêng liêng tràn ngập rừng Trường Sơn hùng vĩ.

Đường 20 xuất phát từ thôn Phong Nha, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, dài khoảng 120km, vượt đỉnh Trường Sơn với những ngọn dốc cao vút dựng đứng đá vôi như dốc Ba Thang, đèo Cù Mẹ, Cù Con, U Bò… với những cua chữ A liên tiếp gấp khúc đột ngột lại vượt ngầm Ta Lê rồi lên đèo Phú La Nhích… đến Lằng Khằng tỉnh Khăm Muộn nước Lào anh em.

Là một tuyến chi viện chiến lược trọng điểm, huyết mạch, nên Trung ương đã điều hành chục xe máy, hàng trăm tấn thuốc nổ và 5.000 TNXP của các tỉnh miền Bắc cùng hàng ngàn lực lượng bộ đội Công binh, Bộ binh, các phương tiện làm đường của Đoàn 559. Công trường chia làm 2 cánh: Từ phía Tây Bắc bên nước bạn Lào đánh sang; từ phía Đông từ Phong Nha Việt Nam đánh lên…

Cả một công trường ngót vạn người - họ là những thanh niên của mọi miền đất nước đang ở tuổi 18-20 ngày đêm hừng hực khí thế bạt núi, ngăn sông, vượt đỉnh Trường Sơn, mở đường mà tiến về miền Nam ruột thịt. Chỉ sau 6 tháng, vượt qua biết bao gian khổ, ác liệt, những bàn tay, đôi chân trần với cuốc xẻng, thuốc nổ và những phương tiện cơ giới lạc hậu… trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ, con đường đã hoàn thành giữa tiếng hò reo của hàng ngàn bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến…

Ngày 5/5/1966, cửa khẩu thông xe Đường 20 vượt đỉnh Trường Sơn đã mở, đánh một dấu son lịch sử của con Đường 20, xe cơ giới vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men chi viện cho chiến trường miền Nam bắt đầu hoạt động.

Nói đến sự đánh phá quyết liệt của không quân Mỹ trên Đường 20, bộ đội Trường Sơn, TNXP thường hay nhắc đến ba tọa độ lửa ATP gồm: Cua chữ A (A), ngầm Ta Lê (T), đèo Phu La - nhích (P). Ba tọa này ở gần nhau, rất hiểm yếu tạo thành một tập đoàn trọng điểm bị không quân Mỹ tập trung đánh phá khốc liệt nhất, nếu phá được một tọa độ thì có thể cắt được Đường 20 huyết mạch này.

Thế mà, hằng ngày bộ đội, TNXP của chúng ta vẫn sống lạc quan yêu đời, đạp lên mưa bom bão đạn, bệnh tật, đói cơm, lại muối, bám đường, mở đường mới, địch đánh đường này, ta mở đường khác… Đêm đêm, từng đoàn ô tô vẫn bon bon chở vũ khí, lương thực thẳng tiến về phía Nam.

Tháng 3/1973, Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và động viên bộ đội, TNXP bám trụ giữ chốt, mở đường tại ba trọng điểm này. Sự có mặt và lời hỏi thăm ân cần, lời động viên cổ vũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã truyền thêm cho họ một sức mạnh, một niềm tin và một quyết tâm mới: mở đường mà tiến, đánh địch mà đi!

Sự đánh phá khốc liệt của không quân Mỹ trên con đường này, nay còn ghi lại một di tích: Đền thờ “Hang Tám Cô” ở km14. Hang nằm cạnh Đường 20, bắt đầu vào khu Rừng Già. Hôm đó, bộ đội, TNXP đang làm nhiệm vụ san đường, không quân Mỹ ập đến, ném bom hàng loạt.

Anh, chị em chạy vào hang ẩn náu. Một tảng đá to, nặng hàng trăm tấn bị bom đánh sập, lấp miệng hang. Trong hang có 4 cô gái TNXP và 4 nữ chiến sĩ… Sự hy sinh anh hùng và bi tráng của họ đã để lại trong lòng đồng đội lúc đó và mọi người sau này một niềm thương tiếc vô hạn với nhiều câu chuyện huyền thoại, hiển linh về sự sống và cái chết của họ.

…Khoảng 10h sáng một buổi sáng tháng tư, năm 2009 xe chúng tôi đến Đền thờ “Hang Tám Cô” trên Đường 20 quyết thắng. Sau khi thực hiện nghi lễ thắp hương và dâng hoa tại Đền và “Hang Tám Cô”, chúng tôi định lên cửa khẩu Cà Roòng và đến Ngầm Tà Lê bên đất bạn Lào, nơi chỉ có xe tải 2 cầu, xe chở gỗ của lâm nghiệp, xe máy len lỏi rãnh đường, tốt nhất là xe U-oát của Bộ đội Biên phòng là đến được.

Tôi gọi điện thoại về Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhờ giúp đỡ, khoảng 30 phút sau, một chiếc U-oát của Bộ đội Biên phòng Quảng Bình xuất hiện và dừng lại đỗ sau xe của chúng tôi. Biết được công việc quan trọng và nỗi lo của chúng tôi, đồng chí Thượng tá nhận lời một cách vui vẻ và cùng chúng tôi chuyển máy quay và dụng cụ kèm theo sang xe U-oát của đồng chí.

Tối hôm đó, tôi được biết, đồng chí Thượng tá lái xe là Nguyễn Hữu Phú- Đội trưởng Đồn Biên phòng Cà Roòng. Đồng chí thuộc các ngõ ngách, dốc, cua, ổ voi, ổ trâu trên cung đường này như thuộc lòng bàn tay, nên lái xe luồn lách đi an toàn nhất, nhanh nhất. Trước mặt chúng tôi, bản A-rem hiện ra. Những ngôi nhà sàn của đồng Pa Kô, Vân Kiều lợp tôn. Nhiều ăng ten dựng trên nóc nhà. Khi mặt trời sắp lặn, chúng tôi mới đến được đồn biên phòng Cà Roòng. Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường vượt điểm mốc biên giới qua đất bạn Lào. Được đồn biên phòng bạn giúp đỡ, ngầm Ta Lê đã hiện ra, dòng sông phẳng lặng, hiền hòa, nước trong xanh, mát lạnh thật thanh bình. Xe không thể qua được ngầm, chúng tôi vác máy móc lội bộ qua ngầm tác nghiệp.

Sau 10 năm, tôi được đi với nhóm làm phim tài liệu của Công ty Truyền thông tầm nhìn Á Châu trở lại ngầm Ta Lê trên con đường 20 quyết thắng. Chúng tôi đi trên chiếc xe Lăng-cu-rơ, bảy chỗ ngồi, hai cầu, loại xe địa hình, của Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng. Hang Tám Cô cũng được bài trí lại thuận tiện cho khách đến thắp hương và đặt hoa, vừa trang trọng tôn nghiêm, vừa bảo tồn được không gian thờ tự linh thiêng. Vẫn cảnh xưa, rừng già, bóng râm mát, đương uốn lượn một bên bám theo sườn núi, một bên là vực sâu… Việc quay phim ghi hình rừng già, cảnh đẹp của con đường hết sức thuận tiện. Đạo diễn, quay phim Nguyễn Văn Vinh nói đùa: “Giá như Đường 20 để lại một đoạn đường cũ năm xưa, như bên Lào để lại đoạn đường cũ ở Mường Phìn để làm tài liệu “sống” thì hay quá”.

Ngày nay, con đường này, tuy chưa rộng thênh thang, nhưng đã được sửa chữa, nâng cấp để cõng điện, cõng chữ, cõng văn hóa, khoa học và công nghệ đến với đồng bào dân tộc thiểu số nơi Trường Sơn hùng vĩ. Đó là những cơ sở vật chất yếu tố quyết định tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cách mạng năm xưa. Và, con đường đó là con đường của sự đoàn kết đặc biệt keo sơn, của tình hữu nghị thuỷ chung Việt - Lào không bao giờ phai.

Phong Hải