Học Bác từ những điều giản dị nhất

Lục Bình (ghi) 19/05/2019 09:00

Học Bác không phải học những gì đó quá cao siêu, phi thường mà phải nhìn nhận Bác như một con người bình thường thì học Bác mới thấm thía, hiệu quả; còn những điều cao đạo, xa xôi nhiều khi không có tác dụng thực tế. GS.TS. Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương đã chia sẻ như vậy với Đại đoàn kết.

Học Bác từ những điều giản dị nhất

GS Hoàng Chí Bảo.

Học Bác phải là việc làm tự thân

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, đó là nhiều bộ ngành, địa phương đã triển khai thực hiện Chỉ thị này một cách quyết liệt. Nhiều phong trào, nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả học tập và làm theo Bác đã được thực hiện. Dù vậy, mới đây, trong bản sơ kết của Ban Bí thư TƯ về thực hiện Chỉ thị 05 cũng đã chỉ ra rằng, việc học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiệu quả chưa được cao, đặc biệt việc học và làm theo vẫn còn hình thức. Tính hình thức biểu hiện ở chỗ không gắn kết được giữa nói và làm. Dường như học tập Bác chưa trở thành nhu cầu thường xuyên, tự giác, bền bỉ.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ hiệu quả chưa cao là có nhiều lý do. Nguyên nhân trực tiếp là hiện nay ta đang phải đối mặt với kinh tế thị trường, mặt trái của nó gây ra rất nhiều hệ lụy xã hội, nhất là lối sống hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, tham lam, ích kỷ, vụ lợi, nó tác động ngay vào việc học tập tấm gương Hồ Chí Minh. Nguyên nhân khác là sự phá hoại của kẻ thù ngày một phức tạp và tinh vi, họ tuyên truyền, xuyên tạc làm lung lạc niềm tin. Nếu chúng ta giáo dục, tuyên truyền không tốt thì đây sẽ là trở ngại.

Nhưng nguyên nhân sâu xa là trong nhận thức. Chúng ta chưa có nhận thức đầy đủ, toàn diện về Bác. Bệnh thần thánh hóa Bác Hồ là không đúng đâu, mà phải nhìn nhận Bác như một con người bình thường, gắn với cuộc đời bình thường thì học Bác mới thấm thía được.
Còn nguyên nhân về hoàn cảnh đã khác cũng đúng, thực tế có điều đó. Vì thế, nên học Bác phải sáng tạo. Bác giản dị chứ không giản đơn. Học Bác là học cái tâm, cái đức của Bác, chứ không phải học theo kiểu máy móc hay bắt chước Bác, vì những cái ấy nếu áp dụng máy móc sẽ không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại nữa.

Học cách dùng người của Bác sẽ có đội ngũ toàn tâm, toàn ý với nước, với dân

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp không chỉ trong toàn Đảng mà toàn xã hội, tuy nhiên việc học tập và làm theo gương Bác sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nếu những “công bộc” của dân thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác và học tập, làm theo tấm gương của Người. Muốn thực hiện được điều này trước mắt phải tìm ra những cán bộ tốt.

Sinh thời Bác Hồ luôn luôn coi cán bộ là công việc gốc của Đảng, quyết định tất cả. Bác nói: “Cán bộ tốt, cán bộ giỏi thì cách mạng phát triển thuận lợi và thắng lợi, như thế chúng ta có lãi. Còn cán bộ yếu kém, hư hỏng, cách mạng thất bại thì chúng ta lỗ vốn”. Tức là Bác coi đầu tư vào con người và cán bộ là đầu tư vào nguồn lực, coi vốn người là tài sản lớn nhất. Đây là tư duy rất hiện đại.

Trong vấn đề cán bộ, chúng ta phải học Bác. Bác không câu nệ giữa cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, bởi Người có bản lĩnh dùng tất cả những người tài đức, bất kể có phải là đảng viên hay không, vì thế mà Chính phủ thời Bác, có cả Bộ trưởng là người ngoài Đảng. Bác lấy tiêu chí phục vụ dân làm gốc, ai phụ trách tốt nhất, ai tài đức nhất, ai phục vụ dân tốt nhất và được dân tín nhiệm nhất thì Bác bổ nhiệm chứ không căn cứ vào tiêu chí có phải đảng viên hay không, dù với Đảng cầm quyền, tiêu chí đảng viên cũng rất quan trọng.

Đặc biệt, Bác rất chú trọng đến những nhân tố điển hình trong việc lựa chọn cán bộ, không căn cứ theo tuổi, cấp bậc hay quy trình như chúng ta dùng hiện nay, mà cứ giỏi, cứ tốt thì Bác sử dụng, kể cả cán bộ trẻ. Người chú trọng đến hiệu quả công việc chứ không căn cứ vào lời nói, đồng thời đưa ra các tiêu chí “dĩ công vi thượng”, “quang minh chính đại” và đặt cán bộ trong tầm kiểm soát của dân, dân đánh giá cán bộ và T.Ư lắng nghe ý kiến của dân để điều chỉnh chính sách của mình. Nếu làm được như vậy ta sẽ có đội ngũ cán bộ toàn tâm, toàn ý vì dân, vì nước, theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cán bộ gương mẫu để dân tin

Vậy cần làm gì để thực hiện Chỉ thị 05 một cách hiệu quả. Muốn thực hiện được điều này tất cả những đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao phải nêu gương. Để thực hiện điều này, những năm qua Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, những văn bản, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngay 19 điều đảng viên không được làm đã là những điều cấm. Nhưng quả thật hiệu quả thực hiện chưa cao, chưa đến nơi đến chốn, nhất là sự gương mẫu trong công tác, trong sinh hoạt, trong đời sống, làm cho người dân mất lòng tin.

Vậy phải làm gì để thực hiện những quy định này thực sự hiệu quả? Vấn đề quan trọng chính là khâu giám sát và kiểm tra. Nhưng ai sẽ giám sát? Trước tiên phải là nội bộ Đảng giám sát nhau. Đây là chỗ mà chúng ta còn yếu bởi thực tế, hầu hết những chuyện tiêu cực, tham nhũng vừa qua là do báo chí và người dân phát hiện, nội bộ Đảng còn yếu, chưa phát hiện được. Yếu là bởi còn chưa đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nể nang, che chắn cho nhau, chín bỏ làm mười. Đấy là chưa nói đến lợi ích nhóm, vụ lợi, mặc cả, móc ngoặc với nhau, chỉ vì lợi ích riêng của cá nhân hay lợi ích nhóm.

Do đó, phải chữa ngay từ trong nội bộ Đảng bằng cách đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, siết chặt kỷ luật kỷ cương. Phải coi Điều lệ Đảng như là bộ luật của Đảng và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới cần phải sửa điều lệ để bổ sung vấn đề giám sát, xử lý kỷ luật, nhất là phải quy định một hệ thống các chế tài. Không có chế tài chỉ có răn đe suông về đạo lý là không có hiệu quả, phải xử lý nghiêm minh, trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật và Điều lệ Đảng.

Giám sát trong nội bộ Đảng mới là 1 kênh. Kênh thứ 2 là dư luận xã hội, gắn liền với chủ thể là nhân dân. Phải tạo nên dư luận xã hội lành mạnh, thống nhất, đồng thuận để lên án những cái xấu, cái ác, suy thoái, thoái hóa của bất kỳ ai, nhất là cán bộ, đảng viên. Bác Hồ từng nói: dựa vào dân mà xây dựng Đảng. Dựa vào dân mà giám sát cán bộ, đảng viên bằng cách tạo dư luận để nhân dân phê phán. Cần có cơ chế chính sách quy định để dân được giám sát cán bộ, đảng viên và tiếng nói của người dân phải được coi trọng, đấu tranh chống tiêu cực của người dân phải được bảo vệ. Những kẻ hãm hại, lợi dụng quyền chức để trù dập những người chân chính phải được xử lý nghiêm khắc.

Lục Bình (ghi)