Sáng mãi với thời gian
Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019) và ba năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ.
Muốn học và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách của Bác Hồ thì cách tốt nhất là tự mình trầm tư mà suy ngẫm, nỗ lực mà thực hành. Học và hành phải theo nhau mà thực hiện. Nói và làm phải cùng nhau mà phát triển.
Bác Hồ với bà con nông dân. Ảnh: TL.
***
... Khi Bác Hồ mới 5 tuổi theo cha vào kinh đô Huế, bà ngoại dặn cháu:
- Vào kinh đô nếu gặp Vua, con không được nhìn. Nhìn là mù đấy con ạ!
Học Bác và làm theo Bác trước hết cần phải hiểu Bác. Bác sinh năm 1890 dưới thời Pháp thuộc. Bác là con nhà nho nghèo. Con quan triều Nguyễn thanh liêm và yêu nước. Lúc ra đi tìm đường cứu nước Bác mới học lớp Nhì ở Quốc học Huế và lớp Nhất ở Quy Nhơn. Ở đâu và lúc nào Bác cũng tự học tự rèn.
Năm 1923 Bác học ở Đại học Phương Đông. Năm 1934 Bác học ở Đại học Quốc tế Lênin. Năm 1937 Bác học nghiên cứu sinh ở Học viện nghiên cứu Vấn đề Thuộc địa. Kết thúc khóa học nghiên cứu sinh, Bác không ở lại để nhận bằng Tiến sĩ. Nếu ở lại nhận bằng thì Bác sẽ phải tuân thủ theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản, mà Bác thì đang nóng lòng tìm đường cứu nước cứu dân, giành lại quyền độc lập tự do cho dân tộc.
Bác tự học thông đạt 13 thứ tiếng nước ngoài để có thể giao tiếp và đăng đàn ở mọi nơi, mọi lúc mà không cần phiên dịch. Bác tìm hiểu văn hóa cổ kim của cả Đông, Tây. Đặc biệt Bác tìm hiểu văn hóa Pháp để biết cách chống Pháp. Bác không chỉ học ở trường, ở lớp mà Bác còn học ở sách báo, Bác học ở những người Bác đã gặp, Bác học ở những vùng đất mà Bác đã đi qua. Mỗi ngày, cứ mỗi ngày Bác lại ngộ thêm ra lời dặn của bà ngoại “Chữ có mắt đấy con ạ”. Thật là thâm viễn!
Một hôm cậu bé Nguyễn Sinh Côn được vào trong triều nội cùng với cha, lúc đang chơi với Công Tôn Nữ Huệ Minh thì xe của vua đi tới. Bé Côn muốn nhìn ngắm xem vua thế nào nhưng nhớ lời bà dặn gặp Vua không được nhìn. Do tính ham hiểu biết, bé Côn muốn nhìn xem mặt Vua khác mặt người thường ở chỗ nào? Bé Côn tự nhủ: Ta nhắm một mắt, còn một mắt để nhìn, nếu có mù thì chỉ mù một mắt. Mắt trái nhìn ngắm vua mãi mà vẫn không thấy bị mù. Tối về bé Côn hỏi cha, Côn mới nhận ra vì sao bà ngoại lại dặn Côn như thế.
Đây là những bài học đầu đời để sau này (1946) khi cần phải sang Pháp, Bác đã giao quyền lãnh đạo quốc gia cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh lo lắng hỏi Bác về kế sách ứng xử khi Bác vắng nhà. Bác dặn cụ Huỳnh: Dĩ bất biến ứng vạn biến. Có được lời dặn đó cụ Huỳnh rất yên tâm.
***
Khi Bác Hồ dấn thân vì dân, vì nước, Bác luôn luôn lấy 2 chữ Liêm – Chính để tu thân tích đức, minh tâm kiến tính trước mọi thử thách. Bác lấy LIÊM để rèn luyện mình, rèn luyện cán bộ lãnh đạo và quần chúng cách mạng. Bác lấy Chính để điều hành công việc, để sử dụng người tài, để điều hành bộ máy, chọn người giao việc sao cho khả dụng. Bác không có gia đình riêng không phải vì Bác không muốn, mà đó là sự hy sinh lớn lao nhất của cá nhân Bác dành cho dân, cho nước.
Theo tôi được biết: ngày 2/9/1969 khi Bác nhập cõi vĩnh hằng có ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác cùng với các ông trong Ủy viên Bộ Chính trị như ông Lê Duẩn, ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng và nhiều ông khác nữa, ai cũng nghĩ không nhiều thì ít Bác cũng có một chút tiền, một vài chỉ vàng thì chắc là có. Khi cánh cửa tủ mở ra để kiểm kê và lập biên bản tài sản của Bác thì tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đều ôm mặt khóc. Nhiều người khóc nức nở thành tiếng. Phải sau hai ba phút mọi người mới kìm nén được nỗi xúc động. Có tiếng ai đó thốt lên: “Trời ơi tiền Bác không có một đồng, vàng Bác không có một ly, Bác chẳng có gì là của riêng mình ngoài mấy bộ quần áo mà Bác thường vẫn mặc.”
Tài sản tinh thần vô giá mà Bác để lại cho Đảng ta, Nhà nước ta, Nhân dân ta được vật chất hóa bằng ngôn từ trên trang sách, đó là bản Di chúc. Một tài sản vật chất khác cũng có thể coi là có giá trị, đó là bộ quần áo mới tinh mà Phi-đen Cu-ba tặng cho Bác nhưng Bác chưa mặc lần nào. Tôi cứ muốn hàng năm vào dịp giỗ Bác, Trung ương nên cho phát trên đài truyền hình VTV1 cuốn băng ghi lại các nhà lãnh đạo cấp cao kiểm kê tủ riêng của Bác để nhân dân cả nước hiểu rõ tính Liêm – Chính của Bác và để nhiều người học Bác và làm theo Bác.
***
Ông Tư Mù ở Đất Mũi chưa một lần nhìn thấy Bác, ông mới chỉ được ngắm nhìn Bác qua bức chân dung. Ấy vậy mà khi nghe tin Bác mất, ông đã khóc Bác nhiều ngày, nhiều tháng. Ông bốc bát hương và đề 2 chữ Nhật Nguyệt để thờ Bác. Một hôm tên đại úy cảnh sát ở Đất Mũi đến nhà ông. Hắn thấy nhà ông có bàn thờ, đèn đang thắp sáng, hương đang tỏa khói thơm bèn hất hàm hỏi ông:
- Ông thờ ai vậy?
Ông Tư Mù đáp:
- Tôi thờ mặt trời, mặt trăng.
Tên đại úy cảnh sát nhìn soi mói trong nhà, ra ngoài ngó sau, ngó trước rồi bỏ đi. Khoảng một tuần lễ sau tên đại úy lại mò tới. Hắn lại thấy đèn trên bàn thờ thắp sáng hương vẫn đang tỏa khói thơm. Hắn hỏi trống không:
- Thờ mặt trời, mặt trăng là cái cớ làm sao? Chẳng thấy ai thờ mà chỉ thấy có ông.
- Tôi ở nơi chân sóng ngày đón mặt trời lên, đêm đón vầng trăng mọc. Tôi bị mù nên tôi thờ mặt trời, mặt trăng để cầu xin đi không lạc đường, về không nhầm lối.
Tên cảnh sát hằn học hỏi ông:
- Tên cộng sản nào đã đến đây?
Ông Tư Mù thản nhiên đáp:
- Những người mà ông gọi là cộng sản tuyệt nhiên không có ai đến đây bao giờ. Còn những người thân cận đến đây thì ông biết cả rồi đấy!
Tên đại úy nói nhỏ nhưng hai hàm răng xiết chặt vào nhau:
- Ông tưởng lừa được tôi sao? Ông thờ hai chữ Nhật Nguyệt. Nếu ghép hai chữ đó lại thì là chữ Minh. Ông thờ ông Hồ Chí Minh. Bây giờ thì ông còn cãi nữa hay không?
Ông Tư Mù vẫn ung dung trả lời:
- Ông đã biết rõ việc làm của tôi thì tôi cũng chẳng cần phải giấu ông làm gì. Đúng là tôi thờ cụ Hồ Chí Minh – Người đã giành lại độc lập tự do cho dân, cho nước trong đó có cả tôi và ông. Nhưng ông lại đi theo Mỹ để phản lại.
Không để cho ông Tư Mù nói hết câu, tên đại úy cảnh sát đập mạnh vào vai ông Tư Mù nói như hét lên:
- Bây giờ tôi chém đầu ông thì ông nghĩ sao?
- Chém tôi hay không là quyền của ông, tôi quyết không kêu xin. Tôi đã già lại mù lòa, ông chém đầu tôi thì tôi lại càng sớm được về với cụ Hồ Chí Minh. Tôi chỉ xin trước khi chém tôi, ông hãy cho tôi nói với ông một điều và thắp thêm 1 tuần hương nữa lên ban thờ cụ Hồ Chí Minh.
Tên Đại úy giọng khô khốc:
- Tôi cho ông nói.
Ông Tư Mù thẳng thắn nói ngay:
- Thưa ngài đại úy cảnh sát! Tôi thành thật khuyên ông lập công chuộc tội để trở về với dân với nước. Nếu ông cho lời khuyên của tôi là đúng thì tôi sẽ có cách giúp ông và bảo vệ ông. Ông thử nghĩ mà xem một người già như tôi, lại ở nơi đầu sóng ngọn gió này mà vẫn một lòng yêu nước, một lòng tin yêu cụ Hồ Chí Minh thì các ông chống sao nổi. Ngày tận thế của các ông không còn xa nữa đâu.
Ông Tư Mù ngừng lời. Tên đại úy cũng không nói gì, hắn chỉ nhìn trân trân vào mắt của Tư Mù. Lúc này trong căn nhà nhỏ bé của ông Tư Mù hoàn toàn tĩnh lặng. Không gian bên ngoài chỉ có gió trời và sóng biển xôn xao. Khoảng 3 phút sau, tên cảnh sát ngụy bảo ông Tư Mù:
- Tôi tạm thời để cái đầu ông đó đã. Ba ngày sau tôi sẽ cho quân đến chém ông.
Nói xong, hắn bỏ đi luôn. Đến ngày thứ 3 như hắn đã hẹn, ông Tư Mù chờ từ sáng đến tối cũng không thấy hắn đến. Rồi tiếp những ngày sau vẫn không thấy hắn đến. Bất ngờ sang ngày thứ 7 hắn đột ngột xuất hiện vào lúc 10h đêm để cho ông biết hắn đã lập được công lớn để trở về với nhân dân Đất Mũi.
Trên đời không có gì bằng con người. Mỗi con người ai biết tự giáo dục mình để học và làm theo những điều Bác dạy thì đó là những viên ngọc sáng, sáng mãi với thời gian.