60 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại (19/5/1959 - 19/5/2019)
Bước vào thời kỳ mới, phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống của Trường Sơn anh hùng; cán bộ, hội viên Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (Hội Truyền thống Trường Sơn) đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, có nhiều hoạt động về phát huy truyền thống và tri ân tình nghĩa, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài cuối: Phát huy truyền thống của bộ đội Trường Sơn
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cùng các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
Bài 1: Sứ mệnh lịch sử của con đường và Bộ đội Trường Sơn
Bài 2: Mồ hôi và máu của người chiến sĩ Trường Sơn
Bài 3: Biểu tượng vĩ đại của tình hữu nghị Việt - Lào
Nhiều hoạt động của các cấp hội
Hơn 8 năm, kể từ ngày thành lập (13/5/2011), Hội đã tập hợp được hơn 300.000 hội viên trong cả nước vào sinh hoạt, với 114 tổ chức thành viên. Đến nay, có 40 tỉnh, thành phố; 2017 huyện; 1829 xã, phường được thành lập Hội theo Nghị định 45, và 8 tỉnh có Ban liên lạc truyền thống. Đồng thời, có 66 đơn vị truyền thống cấp cục, ngành, sư đoàn, binh trạm… được tổ chức Hội hoặc Ban liên lạc theo Điều lệ Hội Trường Sơn Việt Nam. Hội Trường Sơn Việt Nam, 20 Hội cấp tỉnh, 132 Hội cấp huyện, 695 Hội cấp xã đã được công nhận là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Tôn chỉ, mục đích của Hội là giữ gìn, phát huy truyền thống và tri ân tình nghĩa các đối tượng chính sách. Hội Trường Sơn Việt Nam đã phối hợp với Binh đoàn 12 nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị và được Chính phủ xếp hạng hệ thống đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thuộc 11 tỉnh từ Nghệ An đến Bình Phước là Di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 46 di tích tiêu biểu. Đồng thời Hội đã triển khai dự án xây dựng Bảo tàng đường Trường Sơn ngoài trời tại Đường 20 Quyết Thắng, dự án xây dựng bia di tích đường Trường Sơn tại 11 tỉnh; phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các cuộc thi viết về Ký ức Trường Sơn; đã xuất bản 125 đầu sách, làm hàng chục phim tài liệu, tổ chức 10 cuộc trưng bày kỷ vật chiến tranh, 3 cuộc triển lãm tranh về Trường Sơn. Trang tin điện tử Trường Sơn đã có 24 triệu lượt người truy cập. Các câu lạc bộ văn nghệ đã xây dựng 100 chương trình, biểu diễn 855 buổi phục vụ hàng vạn lượt người xem. Các cấp hội đã tổ chức 364 buổi giao lưu, kể chuyện truyền thống cho thanh niên, học sinh, sinh viên với 728 lượt người nghe; tổ chức cho 64.000 lượt hội viên về thăm chiến trường xưa, viếng nghĩa trang liệt sỹ, tri ân đồng đội và nhân dân trên tuyến đường chiến lược Trường Sơn.
Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn thời bình
Trở về với cuộc sống đời thường, các hội viên Hội Trường Sơn gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, nhưng với phẩm chất của người lính từ trong gian khó vươn lên, nhiều hội viên Trường Sơn đã thành danh trên thương trường và tích cực đóng góp vào các hoạt động từ thiện. Tiêu biểu như đồng chí Phan Văn Quý - nguyên chiến sĩ lái xe Trường Sơn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, đã tài trợ trên 100 tỷ đồng; hoặc như đồng chí Trần Thị Chung - nguyên chiến sĩ nuôi quân Trường Sơn, nay là Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh phát triển nhà và thương mại Hà Nội (Công ty gia đình), đã tài trợ cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa 23 tỷ đồng…
Mặc dù hội viên Trường Sơn phần đông tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút, nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội ở nơi cư trú. Hiện nay có 11.597 hội viên đang tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tại các địa phương, là lực lượng nòng cốt, tin cậy trong giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng hệ thống chính trị tại cơ sở. Đồng thời, cán bộ hội viên đã tích cực gương mẫu tham gia các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương, đã đóng góp, ủng hộ 131,5 tỷ đồng, 60.000 ngày công, hơn 135.000 m2 đất vào các công trình công ích.
Cùng với hoạt động giữ gìn, phát huy truyền thống; hoạt động tri ân tình nghĩa, giúp đỡ đồng đội, đã được các cấp hội coi trọng, vừa chú trọng vận động nguồn lực xã hội, vừa vận động nội lực của Hội để tri ân các đối tượng chính sách, vừa giúp đỡ hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Hội đã tham gia Ban Chỉ đạo do Báo Sài Gòn giải phóng chủ trì, vận động tài trợ xây dựng 3 đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Trường Sơn, bia tưởng niệm tại Lào, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Hưởng ứng phong trào hành quân đi tìm đồng đội, đã tìm kiếm, cất bốc 21 hài cốt liệt sỹ đưa về quê hương. Phối hợp với Binh đoàn 12 thẩm tra, xác nhận hồ sơ, đề nghị công nhận 8 trường hợp liệt sĩ. Các cấp hội đã giúp 5.381 hội viên hoàn thiện thủ tục giải quyết tồn đọng chính sách.
Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ tiền và hiện vật trị giá 168 tỷ đồng, xây dựng 2081 nhà tình nghĩa, tặng 3.357 sổ tiết kiệm, 5.781 suất học bổng, 1.150 chăn ấm, 83.628 xuất quà; vận động trợ cấp thường xuyên cho 216 chị em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt (mức 500.000đ/tháng), nuôi dưỡng suốt đời 14 chị em già yếu, cô đơn, không nơi nương tựa.
Thực hiện cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, đã có 3.075 hội viên được đồng đội cho vay 10 tỷ đồng không lấy lãi để sản xuất kinh doanh, 9.483 hội viên được hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; đến nay đã có 3.000 gia đình hội viên thoát nghèo, hơn 5.000 gia đình hội viên từ cận nghèo vươn lên mức sống trung bình.
Với những thành tích đạt được, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019) đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai cho tập thể Hội Trường Sơn Việt Nam và đồng chí Chủ tịch Hội; Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Trường Sơn tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Yên Bái và 3 cá nhân.