Diễn đàn: Sức mạnh mềm - nhân lên điều tốt: 'Khẩu chiến' trên mạng
Với sự ra đời của internet, trong những năm qua mạng xã hội đã trở thành công cụ để mọi người thể hiện quan điểm cá nhân. Nhưng “quyền lực” trên mạng cũng có thể trở thành công cụ tấn công của đám đông, vào một người, một vấn đề xã hội hoặc một sản phẩm cụ thể.
Tranh minh họa.
Mạng xã hội giống như một “bữa tiệc”. Trong “bữa tiệc” này ai cũng muốn lên tiếng, muốn được thể hiện cái tôi cá nhân, và họ sẵn sàng kéo tụt, thậm chí lăng mạ danh dự của người để mình cảm thấy được trở thành người quan trọng trên mạng xã hội. Theo bảng “xếp hạng” những điều tranh cãi nhiều nhất trong năm 2018 trên social media như kỳ thi đại học 2018, xử lý các vụ án tham nhũng, chiến thắng của đội tuyển Việt Nam… Có thể thấy, bên cạnh những chủ đề ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống cá nhân của mỗi người, những vấn đề xã hội thường được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội nhất. Điểm tích cực có thể nhìn thấy là nhiều người quan tâm hơn tới những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, nhưng đằng sau đó vấn đề đạo đức nằm ở cách mà người dùng tranh luận trên mạng xã hội.
Chính vì thế, với những cuộc tranh luận thông thường cùng với một chủ đề luôn có rất nhiều ý kiến bình luận trái chiều và đa dạng. Đặc biệt, trên mạng xã hội sự tranh luận luôn trong tình trạng lúc nào cũng có thể bùng nổ và thu hút sự tham gia lên tiếng của nhiều nhóm người khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề đáng được lưu tâm hơn là việc ngày càng có nhiều người sẵn sàng dùng nhiều câu từ sai lệch để hạ thấp người khác khi họ có quan điểm trái chiều với mình. Dĩ nhiên là có ở nhiều cấp độ từ châm chọc, hạ thấp, cho tới lăng mạ, phỉ báng. Đây không chỉ sai với nguyên tắc trong tranh biện, mà còn liên quan tới vấn đề đạo đức. Ngôn ngữ trên mạng xã hội trở nên phóng túng, không ít người dùng tung hê sự thỏa mãn cá nhân của mình và đồng thời hạ bệ người khác.
Dạo một vòng trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo… không thiếu những status có nội dung nói xấu, thóa mạ hay vu cáo nhau không phải là chuyện hiếm, kể cả nêu đích danh hoặc nói cạnh khóe. Thậm chí vì mục đích kinh doanh, nhiều người sẵn sàng chửi bới, tung những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Đơn cử như một vấn đề tưởng như là “vô hại” và mang nặng tính giải trí là bóng đá. Trong thời gian qua nhiều diễn đàn đã được lập trên Facebook nhằm kết nối các cổ động viên với nhau. Tuy nhiên, với quy mô là một diễn đàn mở với sự tham gia của hàng chục, hàng trăm nghìn người thì thường xuyên những màn khẩu chiến mang tính vùng miền xảy ra bởi những lý do hết sức “trời ơi”. Đáng buồn hơn, nhiều cổ động viên Việt Nam vì thích thể hiện “cái tôi” của mình sẵn sàng vào trang của bóng đá của nước ngoài thóa mạ, chửi bởi khi gặp một vấn đề bức xúc. Đây cũng chỉ là một trong nhiều trường hợp về việc người ta tranh cãi trên mạng xã hội thiếu ý thức, thiếu đạo đức.
TS Bùi Thu Hương, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng mạng xã hội ra đời và bùng như một sự kích thích “cái tôi”, ai cũng muốn lên tiếng, ai cũng ham mê thể hiện mình tốt, mình đúng. Những ngôn ngữ tranh cãi đó thể hiện văn hóa của một bộ phận người mà đa phần trong số đố là các bạn trẻ. Đáng lo hơn là tình trạng này không được kiểm soát, những thế hệ kế tiếp sẽ phải tiếp cận đạo đức mạng xã hội theo góc độ tiêu cực, và nếu chúng không thực sự biết chọn lọc để tiếp thu. Ở đó nếu như bị lây nhiễm căn bệnh thiếu văn hóa trong ứng xử trên mạng xã hội như thế thì có liều thuộc nào chữa trị nổi.
Thực tế đám đông chỉ cần một điểm khởi đầu, có thể bùng phát từ một cá nhân có tiếng nói trong xã hội hay một trang fanpage đông đảo lượt thích. Chỉ cần trở thành “con mồi” của dư luận, đám đông ngay lập tức sẽ thể hiện ra những đặc tính của họ, bao gồm cả sự phiến diện và thái quá. Chính những đặc tính này đã khiến cho đám đông không lưỡng lự hay nghi ngờ trước khi đi đến việc “kết tội” một cá nhân hay tổ chức. Trong nhiều hoàn cảnh, đám dông trở nên cực đoan, hẹp hòi và đưa ra những khẳng định độc đoán mà không dựa trên một lập luận nào. Ngày nay đám đông trên mạng xã hội giống như quan tòa, họ có thể phán xét và đưa ra những hình phạt khắc nghiệt mà không một tổ chức hay cá nhân nào có thể “kháng cáo”. Nếu có cũng chỉ là yếu ớt và vô vọng. Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy khi cá nhân hoặc tổ chức trở thành tâm điểm cho sự giận dữ và mãnh liệt của đám đông. Đơn cử như vụ tẩy chay nước mắm, hay vụ “vạ miệng” của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng…
Nhưng thật khó nếu như đánh đồng tất cả những cư dân trên mạng xã hội, vẫn còn đó những người lịch thiệp, cư xử chừng mực. Họ vẫn giữ cho mình những câu từ đạo đức trong tranh luận. Họ không tập trung vào việc đua tranh ai đúng, ai sai. Họ biết đặt cái tôi cá nhân xuống phía dưới mục đích cuộc tranh luận. Đặc biệt họ hạn chế phạm phải những lỗi “ngụy biện”. Những cá nhân với những kỹ năng và phẩm chất ấy đều thể hiện sự có văn hóa và đây là tiền đề để cho những cuộc tranh luận ở cả đời thực lẫn truyền thông xã hội hình thành những ứng xử đạo đức đúng mực.
Có thể thấy, ứng xử đạo đức trên mạng xã hội thực sự quan trọng. Giờ đây tất cả mọi thứ từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân hay tổ chức đều cần phải chỉn chu, thận trọng. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp lớn, việc bảo vệ thương hiệu càng cần phải đặt lên hàng đầu trong bối cảnh mạng xã hội bùng nổ, người người đều có quyền kết tội bằng cảm tính. Thực tế này đã tạo ra một quyền lực vô hình của người tiêu dùng, điều chỉnh và quy định những ứng xử của doanh nghiệp. Ở đó, theo TS Bùi Thu Hương thì hiểu được mạng xã hội quan trọng, các doanh nghiệp và tổ chức cần thường xuyên đào tạo và hoàn thiện bộ phận chăm sóc khách hàng, những phòng ban trực tiếp lo những công tác cộng đồng. Song song với việc này, nhiệm vụ lập ra một đội ngũ nòng cốt để lắng nghe ý kiến, sát sao phản hồi và xử lý kịp thời những quan điểm đa chiều trên mạng xã hội cũng là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần nghĩ đến trong quá trình xây dựng kế hoạch dự phòng xử lý vấn đề và xử lý khủng hoảng.