Triển khai khung trình độ quốc gia: Chọn các nhóm ngành ưu tiên

Thu Hương 20/05/2019 09:00

Bộ GDĐT đang dự thảo Quyết định Ban hành kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục ĐH theo 2 giai đoạn từ 2019-2020 và 2020-2025. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc gia về chuẩn đầu ra cho trình độ đại học (ĐH) và là công cụ cần thiết đối với cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, hiệp hội nghề nghiệp, đơn vị tuyển dụng, gia đình và người học.

Triển khai khung trình độ quốc gia: Chọn các nhóm ngành ưu tiên

Đào tạo gắn với thực tiễn là yêu cầu cần được quyết liệt triển khai hơn nữa.

Hai giai đoạn

Ngay sau khi được phê duyệt, quyết định đã có hiệu lực từ năm 2016, tuy nhiên đến nay tiến độ triển khai vẫn chưa có nhiều kết quả. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy (Bộ GDĐT) cho biết, do thiếu hụt nguồn lực để triển khai, sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan còn hạn chế. Chúng ta cũng chưa thực hiện việc công nhận kỹ năng lẫn nhau ở cấp quốc gia và chưa hình thành các cơ chế công nhận lẫn nhau ở cấp khu vực. Bên cạnh đó, kỹ thuật xây dựng chuẩn đầu ra và phát triển chương trình đào tạo trong GDĐH còn nhiều hạn chế, giữa đảm bảo chất lượng trong các cơ sở đào tạo và khung tham chiếu trình độ chưa hình thành được mối liên kết.

Chính vì vậy, hiện Bộ GDĐT đang dự thảo Quyết định Ban hành kế hoạch thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam trong lĩnh vực GDĐH theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2019-2020 với mục tiêu: Thí điểm thực hiện khung trình độ quốc gia đối với một số ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực ngành nghề được phép di chuyển trong Asean để hướng tới sự công nhận lẫn nhau về triển khai kỹ năng trong Asean. Ví dụ như kế toán, kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, du lịch, điều dưỡng và các ngành đào tạo giáo viên thực hiện chương trình sách giáo khoa mới (là lĩnh vực đặc thù cần ưu tiên của giáo dục). Giai đoạn 2 từ 2020-2025 sẽ triển khai khung trình độ quốc gia đối với các ngành đào tạo khác trong GDĐH và cập nhật đối với các ngành đã thí điểm trong giai đoạn 1.

Gắn đào tạo với thực tiễn

Góp ý vào dự thảo, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, từ năm 2010, Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo để các trường có cơ sở thực hiện. Theo đó, chuẩn đầu ra là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn; kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành đào tạo. Đây là một hình thức để các trường công khai với xã hội về năng lực đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng. Từ đó, người học, phụ huynh, nhà tuyển dụng biết và giám sát, thực hiện những cam kết của nhà trường với xã hội về chất lượng đào tạo...

Tuy nhiên, có một thực tế là chuẩn đầu ra giữa các trường hiện nay không giống nhau. Theo quy định, chuẩn đầu ra sẽ thông tin đầy đủ về các kiến thức sẽ được trang bị cho người học sau khi tốt nghiệp một chuyên ngành, một trình độ về chuẩn năng lực nghề nghiệp, về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức và giải quyết vấn đề, công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải mất nhiều thời gian và tài chính để đào tạo lại sinh viên do thiếu kỹ năng làm việc.

Riêng ngành công nghệ thông tin, số liệu thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo lại. “Chuẩn đầu ra của các trường rõ ràng chưa tiếp cận được với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hoặc chuẩn đầu ra mới là công bố cho có còn thực chất sinh viên sau thời gian học ĐH, CĐ, TC... có đạt được hay không thì lại là chuyện khác” – TS Lê Viết Khuyến nói.

Chính vì vậy, đào tạo gắn với thực tiễn là yêu cầu đặt ra lâu nay nhưng cần được các trường quyết liệt triển khai hơn nữa. Các trường thiết kế chương trình đào tạo suốt đời, thay đổi phương thức đào tạo, giảm bớt tính hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, “nhúng mình” vào các doanh nghiệp, công ty, nhà trường (đối với sinh viên sư phạm)... Đồng thời, cần tham khảo các trường cùng lĩnh vực trong khu vực và thế giới để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Việc triển khai khung trình độ quốc gia là cần thiết không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn trong thời gian tới. Trong đó, TS Khuyến đồng tình với dự thảo của Bộ GDĐT là trước tiên sẽ là chuẩn đầu ra của các ngành thuộc các lĩnh vực ngành nghề mà lao động được dịch chuyển tự do trong khối Asean như kế toán, du lịch, điều dưỡng, kiến trúc, xây dựng… và những ngành Việt Nam đang chú trọng như: Đào tạo giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, những ngành liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp công nghệ cao...

Chung quan điểm này, nhiều chuyên gia đến từ các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục ĐH và hiệp hội nghề nghiệp trong các hội thảo góp ý về dự thảo tổ chức mới đây đều cho rằng đó là những lĩnh vực quan trọng cần triển khai trong giai đoạn đầu.

Thu Hương