Giới trẻ có nguy cơ cao vướng bệnh trầm cảm do nghiện Facebook
Tình trạng “nghiện Facebook” đang là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm cho người dùng, đặc biệt là giới trẻ.
Facebook ngày càng phổ biến và gắn liền với cuộc sống của giới trẻ. Hình ảnh luôn cúi đầu nhìn vào điện thoại lúc đang ngồi cafe hay lúc đang đi đường đang là lo ngai về vấn nạn “nghiện Facebook”. Thậm chí gần đây còn có nhiều người bị mắc bệnh trầm cảm và phải điều trị tại bệnh viện tâm thần do “nghiện Facebook”.
Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: "nghiện Facebook" là dành quá nhiều thời gian sử dụng Facebook, làm ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống như làm việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ thật với bạn bè, gia đình và người xung quanh. Lứa tuổi "nghiện Facebook" thường ở lứa tuổi trẻ như học sinh, sinh viên.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu về thuốc đặc trị hiệu quả đối với "nghiện Facebook". Các bệnh nhân chỉ có thể dùng thuốc khi có các bệnh đồng diễn, hậu quả của nghiện Facebook gây nên như mất ngủ, trầm cảm...
Khi "nghiện Facebook", bệnh nhân có thể mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật do sống ảo; hiệu suất công việc, học tập giảm; có thể dẫn đến sử dụng ma túy, chất kích thích...
Theo bác sỹ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Hà Nội), gần đây ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại, trò chơi game đến mức phải nhập viện.
Người bệnh chỉ thích tập trung vào điện thoại, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nếu để lâu trên 6 tháng thì sẽ chuyển sang mãn tính và thời gian điều trị có thể kéo dài 3-5 năm…
Dành cho bạn đọc chưa biết về bệnh trầm cảm, đây là tình trạng buồn chán, giảm hoặc mất hứng thú ít nhất 2 tuần, kèm theo mệt mỏi, hay hồi hộp, ăn ngủ không ngon làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động.
Trong trường hợp xấu nhất, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử. Có 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đó là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước sinh và sau sinh, người cao tuổi.
Các nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác và trên 50% số ca tự tử có rối loạn trầm cảm.
Chính vì thế, các gia đình cần quan tâm, chú ý đến con em hơn nữa để phát hiện sớm, can thiệp kịp thời.
Theo các bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, trầm cảm không phải bệnh nan y; có thể điều trị khỏi và giảm nguy cơ tái phát.
Điều trị bệnh chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý và dùng thuốc. Bệnh có thể được điều trị tại cộng đồng, nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể gây mãn tính, bệnh nặng hơn dẫn đến suy kiệt, bệnh nhân có ý định tự sát.
Mới đây, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra đối với 1.286.567 học sinh lớp 4, lớp 7 và lớp 10 cho thấy có 206.102 em (chiếm 16%) có nguy cơ bị phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại thông minh hoặc Internet.
Cụ thể, có 154.407 em được xác định là dễ bị nghiện Internet trong khi có 123.607 em có nguy cơ nghiện điện thoại thông minh. Và có tới 71.912 em có nguy cơ phụ thuộc quá nhiều vào cả điện thoại thông minh và Internet.
Các bác sỹ cũng có khuyến cáo rằng, hiện chưa có con số đo lường cụ thể về mốc thời gian, tần suất sử dụng Facebook của cộng đồng. Tuy nhiên, khi một người có các dấu hiệu như: sử dụng Facebook hàng ngày, khi không có mạng để vào Facebook hoặc bị ngăn cản, cấm vào Facebook sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu; vào Facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, học tập; việc sử dụng Facebook làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập... thì đó là dấu hiệu của "nghiện Facebook". Đây là lúc cảnh báo người dùng nên ngừng sử dụng Facebook nếu không muốn gặp phải những hệ lụy lớn hơn.