Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: 'Đuối sức' tăng trưởng vì giao thông đứt đoạn
Được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng cũng như cả nước, thế nhưng thời gian gần đây vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam đang bộc lộ những tồn tại, yếu kém. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên là do giao thông “đứt đoạn”.
Giao thông tắc nghẽn là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sụt giảm tăng trưởng.
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, vùng KTTĐ phía Nam đang chiếm 45% GDP của cả nước, đóng góp trên 42% tổng thu ngân sách của cả nước, trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, xem xét kỹ sự tăng trưởng của vùng thấy rõ, vùng KTTĐ phía Nam đang bộc lộ những tồn tại kìm hãm sự phát triển đột phá.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng kinh tế của vùng KTTĐ phía Nam bắt đầu có xu hướng chậm dần. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 chỉ ngang mức bình quân cả nước. Trong khi đó, ở giai đoạn 2011 – 2015, tăng trưởng bình quân gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng chung cả nước.
Lý giải thêm về sự “hụt hơi” của vùng KTTĐ phía Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm, mấy năm gần đây, tỷ trọng hai ngành mũi nhọn của vùng giảm dần. Cụ thể, đối với ngành công nghiệp xây dựng, năm 2016 đạt 57,63%, đến năm 2018 còn 57,11%. Tương tự, ngành dịch vụ từ 49%/năm giảm còn 46,12%. Đáng chú ý, 135 sản phẩm chủ yếu của vùng có đến 28 sản phẩm truyền thống có giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ gia công cao. Riêng các sản phẩm cao cấp có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao như bản vi mạch điện tử, điện thoại di động, ô tô, dược phẩm, phần mềm,… chiếm tỷ lệ thấp so với cả vùng KTTĐ Bắc Bộ.
Từ thực tế phát triển vùng, các chuyên gia kinh tế chỉ rõ, vùng KTTĐ phía Nam đang tồn tại nhiều nhược điểm. Cụ thể, thiếu nhạc trưởng chỉ đạo phát triển, liên kết vùng còn lỏng lẻo, thiếu vốn đầu tư,… Đặc biệt, hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông “đứt đoạn” và chưa hoàn thiện làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn vùng. PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, 5 năm trở lại đây vùng KTTĐ phía Nam đang phát triển chậm lại do vướng mắc nhiều vấn đề. Các tỉnh chưa ngồi lại bàn luận với vai trò như anh em. Cứ tình trạng này chắc chắn không tạo ra động lực.
Bàn về những điểm yếu của vùng KTTĐ phía Nam, vấn đề chậm kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng được đề cập nhiều nhất. Theo đó, tất cả các đường cao tốc, đường vành đai vẫn chưa làm được so với các quy hoạch các cấp đã lập. Quy hoạch thể hiện, đường vành đai 2 của TP.HCM dài 64km nhưng chưa khép kín. Đường vành đai 3 dài 89km đang làm dang dở. Đường vành đai 4 dài 197km đang nằm trên giấy.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Cả nước hiện có 800 km đường cao tốc nhưng khu vực trọng điểm phía Nam mới chỉ có 91km, chiếm 11,5%. Đường xá nhỏ bé, chật hẹp trong khi mật độ dân số của vùng gấp 2,8 lần bình quân cả nước, vận chuyển hàng hóa ra thị trường gấp 2,5 lần. Lãnh đạo TP HCM rất lo ngại về bài toán giao thông. Tại TP HCM hiện cứ 10km2 mới chỉ có 2,1km đường. Muốn đạt chuẩn km đường trên km2, thành phố phải mất 50 năm nữa mới làm xong. “Nghẽn” giao thông phần nào đó đã giảm bớt vai trò là tỉnh – thành mang tính trụ cột thúc đẩy kinh tế vùng đi lên.
Lãnh đạo tỉnh Long An liệt kê, điểm kết nối giữa TP HCM với Long An tại các quốc lộ 1, quốc lộ 50 quá hẹp, trong khi lưu lượng lưu thông rất lớn dẫn đến tắc đường thường xuyên. Sông Soài Rạp, nơi có cụm cảng số 5 của quốc gia và cảng quốc tế Long An đi vào hoạt động với lượng tàu thuyền đi lại rất đông nhưng luồng lạch bị bồi lắng làm hạn chế các tàu có trọng tải lớn. Đường vành đai 3, vành đai 4 – TP HCM, đường sắt Sài Gòn – Cần Thơ quy hoạch lâu nhưng chưa có kế hoạch và nguồn vốn đầu tư.
TS. Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế nhận định, giao thông trở thành tiền đề để giải quyết 2 vấn đề lớn. Đó là liên kết phát triển kinh tế và phát triển chuỗi vùng đô thị. Phát triển đô thị mà giao thông không kết nối thì thất bại. Thế nhưng tất cả các đường vành đai, đường cao tốc tại TPHCM nói riêng và vùng KTTĐ phía Nam nói chung chưa làm được so với quy hoạch lập ra.
Để phát triển hạ tầng giao thông cho toàn vùng hiệu quả hơn, nhiều người nêu quan điểm, phần nào là giao thông quốc gia Bộ Giao thông Vận tải có lộ trình làm. Phần của vùng, các tỉnh ngồi lại tính toán phương án một cách cụ thể. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư, kinh doanh đối với vùng KTTĐ phía Nam. Song song đó, hỗ trợ các dự án trọng điểm và thúc đẩy liên kết vùng trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.