Ngành Thủy sản: Tự tin với mục tiêu xuất khẩu trên 10 tỷ USD
Là một trong những ngành xuất khẩu đạt kim ngạch lớn, song thời gian gần đây, ngành Thủy sản bắt đầu đối diện nhiều khó khăn. Nhiều rào cản đã được “giăng” ra ở các thị trường khó tính khiến cho ngành này khá lao đao. Mặc dù vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu 10,5 tỷ USD xuất khẩu năm 2019 vẫn ở trong tầm tay.
Hoa Kỳ là một thị trường xuất khẩu tiềm năng của ngành Thủy sản nước nhà với kim ngạch hàng năm khá cao. Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy hải sản (Vasep), trong vòng 3 năm trở lại đây, việc xuất khẩu hàng vào thị trường này ngày càng khó hơn, các DN ngày càng gặp nhiều rào cản. Một trong những rào cản đầu tiền phải kể đến việc thay đổi quy định về luật an toàn thực phẩm mới của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Theo đó, các DN nước ngoài muốn xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải có pháp nhân hoặc đại diện pháp nhân tại Mỹ và do Chính phủ Mỹ cấp. Theo Vasep, với quy định này, có tới khoảng 800 DN Việt đã có “thâm niên” xuất khẩu vào Hoa Kỳ có nguy cơ bị loại khỏi thị trường này.
Bên cạnh đó, những rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách bao bì và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm… cũng không còn “dễ thở” như trước mà thay vào bằng hàng loạt những quy định khắt khe hơn, gây khó khăn cho các DN Việt. Đơn cử, với quy định về truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của DN phải đảm bảo truy xuất được từ khâu nguyên liệu đầu vào, đến quá trình sơ chế, vận chuyển, nhập qua cửa khẩu và đến tận tay người tiêu dùng. Theo chia sẻ của một số DN xuất khẩu thủy sản, muốn đáp ứng được đầy đủ các quy chuẩn yêu cầu khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, DN phải đầu tư, nâng cấp, đổi mới dây chuyền sản xuất với số vốn có thể lên tới hàng triệu USD.
Chưa dừng lại ở đó, các DN xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ còn đối diện với hàng loạt vụ kiện phòng vệ thương mại. Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến thời điểm này, có tới gần150 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, tại thị trường Mỹ nhiều nhất với 27 vụ, chiếm khoảng 20% tổng số vụ kiện.
Dù đối diện với hàng loạt những khó khăn như vậy, song, theo các chuyên gia ngành Thủy sản, xuất khẩu thủy sản vẫn có nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới, bởi ngoài Hoa Kỳ, vẫn còn rất nhiều thị trường tiềm năng. Đơn cử, Trung Quốc là một trong những thị trường vẫn có nhu cầu nhập khẩu thủy sản rất lớn, và tăng trưởng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này vẫn lên theo từng năm với sản lượng hơn 3 triệu tấn.
Không chỉ triển vọng ở thị trường Trung Quốc, các thị trường được đánh giá có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản còn phải kể đến Canada, Úc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và các nước khu vực Á - Âu. Khi các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA được thực thi, cơ hội xuất khẩu sang các nước tham gia các FTA này là rất lớn.
Với những dữ liệu khả thi nói trên, Vasep cho rằng, mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để có thể “chạy dài hơi” và tiếp tục “giữ phong độ” trong những năm sau nữa, các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, DN cần chủ động cập nhật thông tin, nâng cấp dây chuyền sản xuất nhằm đáp ứng đồng bộ tiêu chuẩn toàn cầu, tận dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp thị, phân phối và quản trị doanh nghiệp.