Vì sao tiền điện sinh hoạt tăng cao trong tháng 4/2019?

A.T. 21/05/2019 20:35

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; Tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; Kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày.

Vì sao tiền điện sinh hoạt tăng cao trong tháng 4/2019?

Đo chỉ số công tơ điện. Ảnh: TTXVN.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, khi có thông tin từ khách hàng về giá điện tăng cao đột xuất trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019.

Bộ Công Thương đang phối hợp tích cực với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài Chính và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, để sớm có kết luận cụ thể, công bố công khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Tuy nhiên, trước phản ánh của một số khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 4/2019, ngày 2/5, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1114/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Cụ thể, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Tài chính; Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, EVN và thực hiện kiểm tra từ ngày 8 đến ngày 10/5 tại 5 Tổng Công ty Điện lực và một số khách hàng sử dụng điện trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trong tháng 4/2019, nhiệt độ trung bình toàn quốc tăng 16% so với tháng 3 năm dẫn đến nhu cầu phụ tải điện toàn quốc và ở cả 3 miền trong tháng 4/2019 tăng cao hơn so với tháng 3/2019 và cùng kỳ 2018. Theo báo cáo của EVN, trong tháng 4/2019 tổng điện năng thương phẩm tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2018 và 14,23% so với tháng 3/2019.Trong đó phụ tải quản lý, tiêu dùng (bao gồm sinh hoạt) tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 21,03% so với tháng 3/2019.

Theo số liệu từ phần mềm Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) của EVN, so sánh riêng số liệu thống kê của tháng 4/2019 so với bình quân năm 2018 cho thấy số lượng khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng giảm trong khi số lượng khách hàng dùng trên 200 kWh/tháng tăng.

Tuy nhiên phần lớn khách hàng sinh hoạt trên cả nước ngay trong tháng 4 nắng nóng cũng chỉ sử dụng điện dưới 200kWh/tháng. Cụ thể tháng 4/2019 số lượng khách hàng sinh hoạt dưới 200kWh/tháng chiếm tỷ lệ 68,15%, trong đó với mức sử dụng điện dưới 100kWh/tháng chiếm tỷ lệ 31,6%. Trong khi đó số lượng khách hàng sử dụng điện trên 200kWh/tháng chỉ chiếm tỷ lệ 31,85%.

Trước ý kiến của một số khách hàng thắc mắc về hoá đơn tiền điện tháng 4 năm 2019 tăng cao, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, công tác ghi chỉ số công tơ, công tác chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện.

Kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định số 648/QĐ-BCTđã được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá, đảm bảo thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời.

Công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiệnđúng quy trình kinh doanh của EVN, tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện và Thông tư số 16/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; Tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; Kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019.

Phần lớn các khách hàng sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh đã nghiên cứu và chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh như: Thay thế, sử dụng đèn tiết kiệm điện; sử dụng điều hòa nhiệt độ ở nhiệt độ phù hợp; cải tiến thay thế các thiết bị điện tiêu hao sử dụng nhiều điện; bố trí lại và tối ưu hoá quá trình sản xuất để nâng cao hiệu suất sử dụng điện.

Còn theo thống kêcủa EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng,từ ngày 20/3 đến ngày 4/5,toàn ngành điệntiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện. Trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm tỷ lệ gần 20% thắc mắc về chỉ số công tơ điện, hoá đơn tiền điện.Các thắc mắc của khách hàng đã được trả lời100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.

Số liệu thống kê cũng cho thấy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kWh/tháng) cao hơn bình quân cả nước và hoá đơn tiền điện cao hơn nhưng số lượng kiến nghị về chỉ số, hóa đơn ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, thành phố còn lại. Thay vào đó, số lượng khách hàng chủ động truy cập vào các trang web của các Trung tâm Chăm sóc khách hàng để tìm hiểu các thông tin về quy định giá điện, tra cứu chỉ số công tơ trong kỳ thay đổi giá điện tăng lên nhiều.

Vì sao tiền điện sinh hoạt tăng cao trong tháng 4/2019? - 1

A.T.