Phân luồng học sinh sau THCS: Xóa bỏ định kiến học nghề
Theo nhìn nhận từ giới chuyên gia, phụ huynh nên bỏ định kiến đi học nghề sau bậc trung học cơ sở là thấp kém, đừng lo con đường lên trung học phổ thông rồi lên đại học là duy nhất, vì hiện nay có rất nhiều con đường khác nữa mà vẫn đi đến đích nếu mong muốn đạt được học vấn cao hơn.
Đẩy mạnh phân luồng sau THCS để thu hút học sinh sau lớp 9 học nghề. Ảnh: Mạnh Dũng.
Câu chuyện tuyển sinh vào lớp 10 tại các thành phố lớn hiện đang là đề tài “nóng”. Bởi để có được một suất học ở trường THPT công lập, không chỉ học sinh, mà cả phụ huynh đều cùng vất vả trong cuộc chạy đua này. Tại Hà Nội, cho dù tỉ lệ “chọi” vào lớp 10 trường THPT công lập năm 2019 đang được dự báo là hạ nhiệt, thì áp lực ôn thi vẫn không hề giảm.
Theo các chuyên gia, vấn đề giảm áp lực cho học sinh sau THCS nói chung cần sớm được giải tỏa.
Giảm áp lực từ phía người lớn
Xung quanh sức “nóng” tuyển sinh lớp 10 THPT tại các thành phố lớn hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) phân tích, vài năm trở lại đây, có khoảng 30% học sinh THCS không học lên THPT mà chọn cho mình con đường khác như học nghề hoặc giáo dục thường xuyên. Đây là một xu hướng tốt trong phân luồng giáo dục phổ thông. Vì thực tế trong khung đào tạo của các trường nghề đều có phần kiến thức phổ thông bắt buộc, khi tốt nghiệp, nếu đáp ứng đủ điều kiện và kiến thức, học sinh có thể học lên CĐ... mà không nhất thiết vào học THPT.
Theo ông Thành, tâm lý chung của phụ huynh là luôn muốn con mình học hành tấn tới, muốn con mình đỗ cấp 3, ĐH hoặc cao hơn nữa. Nhưng rõ ràng phụ huynh phải nhìn nhận vào thực tế xem con/em mình có khả năng ở lĩnh vực gì, sở trường, hứng thú thế nào từ đó có đánh giá đúng về năng lực của con. Dứt khoát không nên áp đặt con phải học lên THPT, lên ĐH... như vậy vô hình chung sẽ gây ra áp lực cho con, dẫn tới việc định hướng sai, vừa mất thời gian, tiền bạc và phí sức lực của các em.
Còn theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan- Viện Khoa học Giáo dục (Bộ GDĐT), phụ huynh nên bỏ định kiến đi học nghề là thấp kém, đừng lo con đường lên THPT rồi lên ĐH là duy nhất, vì hiện nay có rất nhiều con đường khác nữa mà vẫn đi đến đích nếu mong muốn đạt được học vấn cao hơn. Bà Loan cho rằng, để định hướng tốt cho các con ngay từ khi chuẩn bị kết thúc bậc THCS, phụ huynh phải xem con mình có năng lực, sở trường thế nào rồi tìm hiểu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tư vấn cho con. Làm sao đưa ra được những lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện gia đình và nhu cầu của xã hội. Phụ huynh cần tỉnh táo, thận trọng và không nên theo đám đông, vì hiện nay con đường học tập rất mở, có nhiều lựa chọn.
Thu hút học sinh học hết lớp 9 học nghề
Nhằm góp phần thực hiện chính sách phân luồng sau THCS, thu hút học sinh lớp 9 vào học nghề, thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Các năm trước đó, mô hình đào tạo 9+ chỉ được thí điểm ở một số trường, nhưng năm học 2019- 2020, việc tuyển sinh trình độ CĐ nghề chính thức bổ sung thêm 2 đối tượng gồm: Học sinh tốt nghiệp THCS nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ (phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GDĐT và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp); người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp THPT, hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ GDĐT.
Theo chương trình đào tạo mô hình 9+, học sinh hết lớp 9 THCS được học chương trình kéo dài từ 3-5 năm tùy ngành nghề để nhận bằng CĐ, cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành.
Dẫu thế, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh- nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT): Để làm tốt công tác phân luồng, thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, cần phải có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Cùng với đó, cần phải quy hoạch lại cơ sở giáo dục đào tạo, đánh giá số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hoặc bỏ học ở THCS để có giải pháp hợp lý về phương diện quản lý nhà nước, kết hợp với hệ thống đánh giá năng lực học sinh chuẩn xác, từ đó đưa ra khuyến cáo. Đặc biệt, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải thật sự chất lượng, việc liên thông giữa các bậc học phải được thông thoáng, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo với nhà trường.