Cẩn trọng với dịch bệnh truyền nhiễm
Thời tiết thay đổi bất thường tại miền Bắc đang là nguy cơ để nhiều dịch bệnh mùa hè lây lan.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến ngày 20/5, Hà Nội đã ghi nhận 243 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Bệnh nhân mắc rải rác tại 139 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã.
Theo các chuyên gia y tế, SXH là bệnh lưu hành thường xuyên tại Hà Nội. Hiện nay, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố ở mức thấp nhưng các yếu tố nguy cơ để SXH phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn tồn tại. Điển hình là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ...
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận 1.274 trường hợp mắc sởi nhưng chưa ghi nhận ổ dịch lớn, tập trung và chưa có ca bệnh nặng dẫn đến tử vong. Bệnh nhân mắc sởi rải rác ở 387/584 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Người mắc bệnh ở nhiều lứa tuổi nhưng chiếm tỉ lệ lớn là chưa được tiêm chủng (dưới 9 tháng và trên 16 tuổi). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, mặc dù tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ, vắc xin sởi luôn đạt so với tỉ lệ chung của quốc gia (95-97%), nhưng hằng năm vẫn còn khoảng 3-5%, tương đương 5.000-8.000 trẻ không được tiêm vắc xin sởi- là đối tượng dễ mắc bệnh sởi.
Cũng theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 13/5 - 19/5, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm não Nhật Bản trong năm 2019. Trường hợp này là một bệnh nhi 4 tuổi ở xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật…
Bệnh nhân được điều trị tại BV Nhi Trung ương và hiện sức khoẻ đã có tiến triển khả quan (giảm sốt, hết co giật).
Khuyến cáo người dân phòng ngừa dịch bệnh mùa hè, ông Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, các quận, huyện cần thực hiện nghiêm việc rà soát, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95%, nhất là đối với các bệnh như sởi, ho gà, bạch hầu, viêm não.
Cũng theo ông Cảm, hiện Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, phương tiện, hoá chất và thuốc nhằm kịp thời ứng phó với tình huống dịch bệnh lớn hoặc các tình huống có nguy cơ về y tế cộng đồng. Theo đó, người dân nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để phòng các dịch bệnh nguy hiểm như sởi, quai bị, rubella, viêm màng não…