Phát triển bao trùm, bền vững

Nguyên Khánh 22/05/2019 08:00

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20/5/2019 về phát triển bền vững. Theo đó, rất nhiều giải pháp được đưa ra để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.

Có thể nói, xuyên suốt hơn 30 năm qua, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam từng bước được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm bền vững kinh tế, bền vững xã hội, bền vững môi trường, nhờ đó chúng ta đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Chẳng hạn, về kinh tế, năm 2010 Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và phấn đấu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao trong 2 thập niên tới.

Về xã hội, nhờ tăng trưởng kinh tế cao và chính sách phân phối hiệu quả, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã giành được nhiều thành quả ý nghĩa. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện đã giảm còn 5,35% vào cuối năm 2018. Tuổi thọ trung bình tăng lên đạt khoảng 73,5 tuổi – thuộc nhóm cao nhất của thế giới. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có Chỉ số Hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về môi trường, ngoài phát triển kinh tế và phát triển xã hội, từ lâu Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Thời gian qua Việt Nam cũng đã xử lý nghiêm khắc các sự cố gây ô nhiễm môi trường; thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi các ngành kinh tế thâm dụng tài nguyên, tiềm ẩn các nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường lớn sang các ngành kinh tế thân thiện với môi trường, thâm dụng công nghệ.

Dù đạt được những thành tích ấn tượng như vậy trong cả 3 trụ cột chính nhưng vì sao người đứng đầu Chính phủ-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại ban hành Chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển bền vững như vậy? Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ: “Nhận thức về phát triển bền vững của không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhiều người dân còn chưa đầy đủ, thống nhất; các chính sách kinh tế - xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh kinh tế và ổn định xã hội, mà chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường…”.

Như vậy, có thể thấy rằng, từ tăng trưởng kinh tế cho đến phát triển kinh tế, rồi phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà ẩn sau đó là cả những nội hàm rất sâu sắc xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức. Nói khác đi, để đi đến được khái niệm phát triển bền vững là một quá trình dài thay đổi tư duy và hiểu biết của chúng ta về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa thực sự của sự phát triển.

Tăng trưởng kinh tế, như cách hiểu truyền thống, chỉ sự gia tăng thu nhập quốc dân trên đầu người. Tuy nhiên, thước đo như trước đây về tăng trưởng kinh tế đã bị phê phán là có nhiều hạn chế. Chẳng hạn có những nước mức thu nhập bình quân đầu người như nhau, nhưng chất lượng sống của người dân những nước này rất khác nhau. Nhiều nước đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người khá cao, nhưng không phải nhóm người nào trong xã hội cũng được hưởng lợi thành quả từ tăng trưởng. Tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các nhóm người và giữa các vùng miền là mầm mống của sự bất mãn và căng thẳng xã hội. Tình trạng nhiều trẻ em không được học hành và suy dinh dưỡng, tình trạng phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc… tương phản hoàn toàn với chỉ số dự báo tăng trưởng kinh tế. Nếu phát triển kinh tế mà thiếu bền vững, xã hội bất ổn, môi trường ô nhiễm thì mọi sự phát triển sẽ trở thành vô nghĩa. Thế cho nên, phát triển bền vững, cân bằng cả ba trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường là điều cần phải nghiêm túc thực hiện.

Để khắc phục những tồn tại trong đường hướng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Theo đó UBND các tỉnh, thành phố phải lồng ghép hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại các cấp, các ngành và địa phương. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng dễ bị tổn thương khác, để không ai đứng bên lề sự phát triển của đất nước.

Để các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan Trung ương của các đoàn thể tăng cường giám sát các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện phát triển bền vững. Chú trọng phản biện các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm các yêu cầu phát triển bền vững; vận động, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, UBTƯ MTTQ Việt Nam thực hiện vai trò là cầu nối giữa Nhà nước với các tổ chức xã hội, ghi nhận và phản ánh tiếng nói, mong muốn, nguyện vọng của các tổ chức xã hội và nhân dân đối với việc thực hiện phát triển bền vững cũng như các vấn đề lớn trong phát triển đất nước.

Để đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ về sự phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng còn rất nhiều việc phải làm trên cả 3 trụ cột. Chẳng hạn, về kinh tế cần tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả; phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, tự do sáng tạo của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Đi đôi với phát triển kinh tế, cần bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội. Trong đó, trước tiên cần thay đổi vai trò của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công. Cần thực hiện cơ chế thị trường và đẩy mạnh xã hội hoá đối với cung cấp các dịch vụ công. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng và từ cấp kinh phí cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Cần đổi mới chính sách xã hội phù hợp với thay đổi cấu trúc dân số khi tỷ lệ người nghèo còn rất thấp, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và già hóa dân số. Đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Cần phát triển bền vững về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguyên Khánh