Ngăn chặn nguồn nguy hại
Sinh vật ngoại lai nguy hiểm được hiểu là những loài động vật, thực vật du nhập từ một nơi khác vào vùng bản địa, có đặc tính sinh trưởng, phát triển rất nhanh, đe dọa nghiêm trọng đến hệ động thực vật bản địa và đa dạng sinh học; gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường và kinh tế nếu để phát triển rộng rãi.
Với các đặc tính, sự nguy hiểm trên, từ lâu những cái tên như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, sâu róm thông... đã bị cơ quan quản lý nhà nước “điểm danh”, đưa vào danh mục cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam...
Ảnh minh họa.
Nói đến hậu quả của việc để sinh vật ngoại lai nguy hiểm xâm nhập vào nội địa, nhiều người, nhất là bà con nông dân hẳn chưa quên “đại dịch ốc bươu vàng” xảy ra cách đây chưa quá lâu. Khi đó, do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết nên chúng ta đã để loài ốc xuất xứ từ Nam Mỹ này xuất hiện trên đồng ruộng Việt Nam. Với đặc tính sinh trưởng, phát triển với tốc độ chóng mặt, lại có “sở thích” ăn lúa, ăn rau, trong một thời gian dài, ốc bươu vàng đã thi nhau tàn phá, trở thành một “thảm họa” của đồng ruộng. Phải mất rất nhiều thời gian, với nhiều phong trào, chiến dịch cùng với nhiều chi phí nhân công, tiền bạc...cả nước mới có thể tiêu diệt sạch được ốc bươu vàng, trả lại bình yên cho đồng ruộng.
Sở dĩ phải nhắc lại thảm họa này là bởi thời gian qua, con tôm càng đỏ (còn được gọi là tôm hùm đất, có tên khoa học là cherax quadricarinatus)-một “đồng bọn” của con ốc bươu vàng-dưới hình thức thực phẩm tươi sống nhập khẩu cũng đang đồng hành cùng với những kẻ buôn lậu tìm mọi cách để vượt biên giới phía Bắc, xâm nhập vào nội địa nước ta. Hơn thế, chúng còn đang rất sốt trên thị trường, được rao bán công khai trên mạng. Trong khi đó, theo cơ quan chức năng, tôm càng đỏ là loài thủy sinh ngoại lai rất nguy hiểm, có đặc tính ăn tạp, thích nghi cao với môi trường, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, phá hoại lúa, bờ kè, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, là nguồn gây bệnh cho tôm bản địa và các loài sinh vật khác; nằm trong danh mục cấm nhập khẩu, không được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam...
Trước nguy cơ tôm càng đỏ xâm nhập nội địa, việc mới đây Bộ NNPTNT có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành trên cả nước, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm này là rất cần thiết. Theo đó, khẳng định việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản, Bộ NNPTNT yêu cầu các tỉnh, thành; Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường...tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm. Khi phát hiện có phát tán tôm càng đỏ ra môi trường, cơ quan chức năng phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt theo quy định. Ngay sau động thái của Bộ NNPTNT, Tổng cục Quản lý thị trường đã khẩn trương ra văn bản chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng tôm càng đỏ; đặc biệt ở những địa bàn giáp biên với Trung Quốc, các nhà hàng, quán ăn có tiêu thụ sản phẩm này...
Sự vào cuộc của cơ quan chức năng như trên là cần thiết, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, như đã thấy, với bất cứ cuộc ngăn chặn nào, nếu chỉ có lực lượng của các cơ quan chức năng mà thiếu đi sự hợp tác của người dân và toàn xã hội thì sẽ không thực sự hiệu quả. Theo đó, việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán tôm càng đỏ hay động thái tẩy chay, không tiêu dùng mặt hàng này của người tiêu dùng sẽ có ý nghĩa như hành động giúp cho môi trường, cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản nước nhà tránh được một thảm họa. Và, để người dân, toàn xã hội có đủ thông tin, hiểu biết về sự nguy hiểm của loài tôm càng đỏ nói riêng, các loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm nói chung, qua đó cùng chung tay ngăn chặn, tiêu diệt thì không thể thiếu một chiến dịch truyền thông đủ mạnh, hiệu quả. Có như vậy, một thảm họa tượng tự như “thảm họa ốc bươu vàng” mới không có cơ hội xảy ra...