Luật sư Phan Anh: Kẻ sĩ từ tâm
Luật sư Phan Anh (1/3/1912 – 28/6/1990) sinh tại làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê có tiếng là “địa linh nhân kiệt” và rất giàu truyền thống trung quân ái quốc. Ông sớm tham gia vào các hoạt động xã hội yêu nước và sau cách mạng Tháng Tám đã được mời vào tham gia chính phủ Liên hiệp quốc gia trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Sau năm 1954, luật sư Phan Anh đã đảm nhận cương vị Bộ trưởng trong các bộ khác nhau và đã từng là Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ
Luật sư Phan Anh có hai đời vợ. Người vợ đầu đã sinh cho ông ba con trai, đặt tên Long – Vân – Hội. Sau khi bà mất, ông tục huyền. Người vợ thứ hai, bà Đỗ Thị Hồng Chỉnh, cũng sinh cho ông ba con trai, đặt tên Tùng – Dương – Thạch.Tuổi thơ gian khó
Cha ông là cụ Phan Điện (1987-1945), một nhà nho yêu nước, nhưng rất lận đận trên đường khoa cử, một nhà thơ trào phúng có tiếng hồi đầu thế kỷ XX. Cụ Phan Điện hay chữ, tính khí cương cường, thậm chí nganh ngạnh. Thời trẻ, cụ nhiều lần đi thi Hương, nhưng chẳng đỗ đạt bao giờ vì khoa thi nào cũng phạm trường quy. Cám cảnh bút nghiên vô ích, cụ bỏ đi hành nghề gõ đầu trẻ. Cụ bà là Võ Thị Cưu (1878-1921), có nghề dệt vải. Hai cụ sinh hạ 4 con trai, 3 con gái. Người con trai đầu tên là Phan Văn Hoán mất lúc 18 tuổi, một con trai cũng chết yểu. Hai trai còn lại là Phan Anh (cậu Sáu) và Phan Mỹ (cậu Bảy), về sau đều là những người thành danh trong chế độ mới.
Theo lời kể của bà Đỗ Thị Hồng Chỉnh, goá phụ của luật sư Phan Anh, trong cuốn tự truyện viết về chồng mình, cuộc sống của gia đình họ Phan ở quê Tùng Ảnh rất túng quẫn, nên cụ Phan Điện đã phải một mình đi “tha phương cầu thực”. Đến khi Phan Anh lên 9 tuổi và Phan Mỹ lên 6 tuổi, người mẹ thấy cần phải cho các con học hành một cách nghiêm túc, nên đã đưa hai anh em ra Bắc tìm bố, lúc đó trọ và dạy học ở làng Vân Đình. Nhà chủ của cụ Phan Điện (đang làm gia sư) có cho mượn một căn nhà bỏ trống, để vợ con thày đồ ở. Bà Đỗ Thị Hồng Chỉnh kể: “Nhiều người ghé tai mách bảo thày đồ rằng: Căn nhà đó có ma! Thày làm ngay một đôi câu đối và đem dán ngoài cửa:
+ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba Học.
+Trên giời, dưới đất, ở giữa Ta.
Chẳng may, mấy tháng sau, mẹ mất tại đó, tại làng Vân Đình, thọ 44 tuổi. Đó là ngày 8 tháng 6 âm lịch (1921)… Họa vô đơn chí, do không chịu chiều theo ý muốn vô lý của nhà chủ nên ba cha con thầy đồ đã bị đuổi đi…”
Theo lời kể của luật sư Phan Anh sau này với vợ, sau khi mẹ ông mất đột ngột, gánh nặng nuôi con đã rơi cả vào đôi vai của người cha. Và thế là:
“Bị nhà chủ đuổi, ba cha con dắt díu nhau đi tìm chỗ ở mới. Anh nhớ rằng: đang đi trên đê, thuộc xã Đại Từ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, anh thì im lặng, Mỹ thì hỏi: “Tối nay, ta ăn cơm ở đâu, ngủ ở đâu, hở thày?”. Không trả lời được, ba cha con đang ủ rũ, thì gặp một bà chủ khác ở làng bên. Bà này lên tiếng hỏi một cách vô tâm: “Hai chú đi đâu mà thất thểu trông giống như kẻ ăn mày thế kia?”. Từ đó, Thày lại cho ra bài thơ “Hai chú”:
Hai Chú đi đâu giống kẻ mày,
Vì chưng dân nước gặp hồi Tây.
Mắt trần nào kẻ người không biết,
Óc trẻ còn mong học mọi hay,
Trời đất Năm Châu dầu sóng gió.
Anh em một bụng giữ tin ngay.
Ai ơi, chớ vội khinh hai chú.
Xoay xoả non sông cũng một tay.
Anh Phan kể rằng:
- Đến thị trấn phủ Ứng Hoà, thày để anh ở tạm nhà bà Phán Chí, và tiếp tục dắt Phan Mỹ lên đường đi tìm chỗ dạy học. Bà Phán cho anh ở trọ tại một chái lợp gianh. Nhà đun rơm. Anh để lửa cháy to. Bà Phán sợ cháy nhà, nên anh bị mắng. Bị mắng, anh liền bỏ ra đi tìm bố, mặc dầu không biết tìm ở đâu. May mắn đến, anh gặp được anh Xây, học trò của thày và làm nghề kéo xe tay. Gặp con, thày lại tiếp tục đưa anh ra Thanh Oai, vào ở nhà bà Thông Hiên để chăn trâu… Công việc hàng ngày của anh là vừa chăn trâu, vừa chuẩn bị rau lợn, vừa rửa những xảo bát đũa cơm thợ ở cầu ao. Đổi lại, anh được ăn, được ở, tối đến được học chữ quốc ngữ với phán Quế, là con bà chủ nhà. Trong khi đó, thày vẫn tìm chỗ học ổn định hơn cho anh. Cuối cùng, thày chọn nhà ông Mười ở thị xã Hà Đông. Đến nơi ở mới này, anh có nhiệm vụ thực hiện những lời sai vặt của nhà chủ và phục vụ trực tiếp gia sư của chủ nhà là ông giáo Viễn. Đổi lại, anh được học với ông giáo Viễn, học cùng con cháu ông Mười và được ngủ ở nhà ông Mười, mùa hè thì nằm trên ghế băng học trò, mùa đông thì nằm trên giường và đắp chiếu. Công việc nặng nhọc nhất lúc đó là việc giặt quần áo cho thày, vì đôi tay còn bé, mà mớ quần áo của thày lại quá lớn. Tuy vậy, anh vẫn cố gắng để giặt cho sạch… Anh và thày ăn ở nhà bà cả Vàng làm nghề bán hàng cơm. Có lẽ thấy anh nghèo, nhưng chững chạc, cô gái út của bà cả Vàng tên là Đường, người bé nhỏ lại dịu dàng, hai người lại học cùng lớp ba, một ở trường Nam, một ở trường Nữ, và bà Cả Vàng và ông Phan Điện thường nói đến chuyện “ghép đôi”. Sau này, khi anh làm luật sư, thì cô Đường dạy học. Nhà cô có cửa hàng gỗ ở phố Lò Sũ, anh thường đưa cô Thao (về sau trở thành người vợ đầu tiên của ông Phan Anh) đến để mua sắm. Toàn quốc kháng chiến, bà Cả và cô Đường ở lại Hà Nội. Đến năm 1954, khi về tiếp quản Thủ đô, anh có đến thăm bà Cả và cô gái đó ở phố Hồ Xuân Hương”.
Cũng theo lời kể của luật sư Phan Anh, khi đi học tư, ông đã may mắn được gặp ông giáo Cán dạy lớp ba trường thị xã Hà Đông: “Ông giáo Cán thấy anh thông minh lại ham học, nên đã cho anh vào học ở lớp chính mình đang phụ trách. Sau này, khi anh đã trở thành luật sư, ông giáo Cán đã nhờ anh làm luật sư bào chữa cho mình bị can về tội bán Ganédan lậu. Công việc kiện tụng này ngẫu nhiên được chấm dứt, do có đảo chính Nhật… Trên một chuyến sà-lúp, từ Hải Phòng về Kiến An trong đó không chỉ có Sư Tổ mà còn có Sư Thày. Sư Tổ đưa Sư Thày về trụ trì tại chùa Lũng Tiên. Sư Tổ bị đau bụng. Thày không những biết nghề thuốc, mà trong người lúc nào cũng trữ sẵn một số vị thuốc thông dụng. Thày cho Sư Tổ ăn một miếng quế, nên khỏi bệnh. Sư Thày là một nữ tu, nhận với thày ta cho anh và Phan Mỹ vào ăn ở trong chùa… Với cơ sở đó, năm học 1923-1924 và 1924-1925 anh được ổn định để theo học lớp Nhì và lớp Nhất tại trường tiểu học ở thị xã Kiến An…- Kỳ thi hết cấp tiểu học năm 1924-1925 ở Hải Phòng, riêng thị xã Kiến An có 43 người dự thi, thì chỉ có ba người đậu, trong đó có anh”...
Năm 1925 đã đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc sống của luật sư Phan Anh. Sau khi nhận bằng certificat ở Hải Phòng, chàng trai thông minh sáng dạ lại được người cha đưa về Hà Đông để thi vào trường Sư phạm Hà Nội. Đây là một học đường mà học sinh theo học sẽ được học bổng toàn phần, nên thi rất khó. Và cậu học trò Phan Anh đã không trúng tuyển trong lần thi đầu, nên đã phải học tư một năm ở trường Trí -Tri, để chờ đến tháng 9 năm 1926, thi vào trường Bưởi. Luật sư Phan Anh kể: “Việc tuyển sinh của trường Bưởi không gay gắt bằng trường Sư phạm vì chỉ tiêu tuyển chọn là 160 trên 800 thí sinh. Đến ngày công bố kết quả, không chỉ có thí sinh, mà nhiều ông cha, bà mẹ cũng tới cổng trường ngóng đợi tin con mình. Anh còn nhớ thái độ bình tĩnh của thày: Đứng ở cổng trường ngóng đợi tin con, thày gặp một bà vợ goá của một ông Cử cũng ngóng đợi tin con mình là Đào Xuân Bích. Khi thấy đám thí sinh ra khỏi cổng trường mà không có con mình, bà Cử bộc lộ nỗi lo lắng. Thày an ủi: “Con tôi cũng chưa thấy ra, như thế có lẽ là may đấy bà ạ”. Đúng vậy, việc vào học trường Bưởi đã mở đầu cho Anh một bước tiến mới, vì với học bổng được cấp, Anh đã vào sống nội trú, ở luôn bốn năm trong trường”...
Giác ngộ tin yêu
Bốn năm sống trong nội trú đối với cậu học trò Phan Anh là “bốn năm sống trong kỷ luật sắt”. Về sau ông nhớ lại: “Đặc biệt là khi có Tổng giám thị người Pháp, ông Tô-ma, “Tô-ma hắc búa” thì kỷ luật nội trú lúc đó lại càng khắt khe hơn. Do đó, không khí trường học luôn luôn căng thẳng. Trong những năm học, từ 1926-1930, tinh thần chống thực dân Pháp lên rất cao. Và, cuộc sống kỷ luật sắt trong Nhà trường lại càng nung nấu tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Tên nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc được học sinh thầm thì nhắc đến. Khoảng đầu năm 1930, anh đã là một học sinh nội trú năm thứ tư ở trường Bưởi, trường Trung học Bảo hộ. Báo chí, cố nhiên là không có để cho học sinh lưu trú đọc, còn sách, thì học sinh chỉ được mượn đọc những sách của thư viện Nhà trường. Nghĩa là, thứ sách đã lọc qua nhiều lớp kiểm duyệt, kiểm duyệt của Sở kiểm duyệt sách báo Đông Dương, kiểm duyệt: của Nha học chính, kiểm duyệt của nhà trường. Ngoài những sách đó, nếu học sinh đọc một cuốn nào khác thì sẽ bị phạt, nhẹ hay nặng tuỳ từng cuốn, nếu là sách chính trị thì người cầm cuốn sách đó có thể bị đuổi ra khỏi trường. Giờ đọc sách, cũng nhất định chỉ được đọc trong các phòng học, không được đọc ở ngoài sân trong giờ chơi và tuyệt đối cấm mang sách lên buồng ngủ. Nhưng, không khí chính trị lúc đó rất sôi nổi, kỷ luật sắt của nhà trường không cản nổi làn sóng tư tưởng yêu nước tràn vào đầu óc của học sinh. Có một cuốn sách mà ai cũng biết tên, nhưng ít người đã được đọc, một cuốn sách cấm đã lọt vào trong trường, đó là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Mọi người đều trông đợi, nhưng rồi cũng đến lượt anh. Với kỷ luật nhà trường, muốn được đọc, phải vào giường trùm chăn giả ngủ, chỉ để hở vừa đủ ánh đèn ngoài rọi vào trang sách. Anh còn nhớ đêm đó “Tô-ma hắc búa” khát “công-xi” (consigne là lối bắt phạt học sinh phải làm việc cả những ngày nghỉ, không cho ra khỏi lớp học) đi tuần khuya, mãi đến gần sáng, anh mới tranh thủ đọc được mấy trang ở chương cuối cùng nói về Cách mạng Nga với các dân tộc thuộc địa. Sáng hôm sau đã phải trả sách. Anh bạn hẹn sẽ cho mượn lại. Sau đó ít lâu, một đêm rét, anh đã vào giường nằm ngủ, chắc lại có anh bạn nào đó đang trùm chăn đọc cuốn sách của Nguyễn Ái Quốc, thì bỗng nghe một loạt đại bác nổ trong thành. Tiếp ngay đó, nghe tiếng xe ô tô của Hiệu trưởng, Tổng giám thị, Quản trị trưởng. Nghĩa là, tất cả các nhân viên, công chức người Pháp cùng gia đình họ hấp tấp đưa nhau đi đâu không biết. Sáng ra mới biết, tiếng súng đó là tiếng súng báo động tập trung người Pháp vào Thành trong tình hình khẩn trương do cuộc khởi nghĩa Yên Bái và cuộc đánh bom ở Hà Nội gây ra. Từ đó, kỷ luật nhà trường đã nghiêm khắc lại càng thêm nghiêm khắc. Và, chế độ thực dân ở Việt Nam đã hà khắc lại càng thêm hà khắc. Anh không còn hy vọng được mượn lại cuốn sách cấm kia nữa, nhưng cuốn sách cũng đã để lại cho anh một ấn tượng rất sâu sắc và cả một niềm hy vọng”…
Chính trong những năm ở trường Bưởi, cậu học trò Phan Anh đã nổi tiếng khắp Bắc Kỳ về tài dùi mài kinh sử, mặc dầu là con nhà nghèo nên lúc nào cũng phải lo tới chuyện đi dạy tư trong các kỳ nghỉ để có thêm phương tiện sinh nhai. Sau khi tốt nghiệp Tú tài, Phan Anh theo học ngành Luật tại Trường Đại học Đông Dương. Cũng trong thời gian là sinh viên luật, ông đã tích cực tham gia hoạt động xã hội và là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên rồi gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Ngay từ khi còn là sinh viên, Phan Anh đã đi dạy học ở trường Gia Long và trường Thăng Long.
Năm 1937, Phan Anh tốt nghiệp cử nhân luật tại Trường Đại học Đông Dương với vị trí thứ hai, chỉ sau một người Pháp, không phải vì kém tài học mà chỉ vì đơn giản ông là dân bản xứ! Năm 1938, luật sư Phan Anh sang Pháp du học nhưng do chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông đã không kịp bảo vệ học vị Tiến sĩ Luật học. Tuy nhiên, ông cũng không ở lại Pháp để hành nghề như nhiều người bạn Pháp khuyên mà đã trở về Việt Nam với ý thức phụng sự xã hội một cách đúng đắn và đường hoàng theo tinh thần kẻ sĩ truyền thống.
Luật sư Phan Anh và người vợ Đỗ Thị Hồng Chỉnh khi mới cưới.
Đau đáu với nhân gian
Trở về nước, ông Phan Anh đã không cam chịu hành nghề chỉ để làm giàu, mà công khai bộc lộ quan điểm ái quốc thương nòi, cố gắng làm mọi việc có thể làm được để góp phần vào cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc. Chính ông đã cùng ông Vũ Đình Hoè và ông Vũ Văn Hiền lập ra tạp chí Thanh Nghị năm 1941, thoạt đầu ra hàng tháng rồi ra hàng tuần, để bộc bạch tâm nguyện kẻ sĩ chân chính của đất Việt: “Người ấy phải vì lợi ích dân chúng, là người quan sát không thiên vị và phải thường xuyên có liên hệ với nhân dân. Vì vậy, kẻ sĩ có thể ảnh hưởng đến nhân dân và góp phần làm biến đổi xã hội”. Tạp chí Thanh Nghị tồn tại cho tới năm 1945, tập trung nhiều cây bút trí thức tâm huyết với dân, với nước lừng lẫy một thời.
Luật sư Phan Anh cũng từng tham gia bào chữa cho nhiều chiến sĩ hoạt động cách mạng không may bị sa vào tay chính quyền thực dân phong kiến. Tất nhiên, do cơ chế thời thuộc địa nên những nỗ lực và thiện ý của luật sư Phan Anh không thể mang lại kết quả như mong muốn, nhưng ít ra thì ông cũng đã bộc bạch được lòng dũng cảm và trượng nghĩa của mình.
Uy tín đạo đức và chuyên môn cao của luật sư Phan Anh đã khiến học giả Lê thần Trần Trọng Kim tháng 4-1945 mời ông vào Huế làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên khi đứng ra lập nội các sau khi Nhật Pháp bắn nhau và quân Pháp bị thất thế, đành để cho quân Nhật nắm lấy vai trò điều khiển vua Bảo Đại. GS-NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong bài viết “Nội các Trần Trọng Kim với Trường Thanh niên Tiền tuyến tại Huế năm 1945” (đăng trên tạp chí “Huế: Xưa và Nay” số tháng 7-8 năm 2005) đã nhận định rằng, “nội các Trần Trọng Kim với thành phần là những trí thức có tên tuổi – trong số đó phải kể tới một số nhân vật tiêu biểu của nước ta trước năm 1945, có uy tín đối với nhân dân, như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Đình Thảo, Phan Anh… họ đều là giáo sư, luật gia, nhà báo, chưa hề dính líu với bộ máy quan trường, trước đó lại có nhiều hoạt động thể hiện có tư tưởng yêu nước, có tinh thần dân tộc nên được nhiều người ngưỡng mộ”… Trong hồi ký của mình, Lê thần Trần Trọng Kim cũng nhớ lại rằng, khi biết được danh sách nội các mới, chính đại diện của Nhật cũng phải thốt lên: “Tôi chúc mừng cụ đã chọn được người rất đứng đắn”…
Không phải luật sư Phan Anh không suy tư trước khi nhận lời tham gia vào nội các mà, trong con mắt của đa số người dân Việt Nam lúc ấy, không thể nào không bị mang tiếng là thân Nhật. Cũng theo bài viết của GS Đinh Xuân Lâm, “những người tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim hồi đó, dù cho nhận thức về thời cuộc có thể chưa thật giống nhau, nhưng đều là những người có tinh thần yêu nước, muốn tranh thủ một thời cơ mà họ cho là thuận lợi để làm một việc gì lợi cho đất nước, cho dân tộc”. Bản thân luật sư Phan Anh sau này cũng bộc bạch: những thành viên nội các Trần Trọng Kim như ông “tuyệt đối không ai có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia Chính phủ là để phụng sự”…
Việc làm trước hết của Bộ trưởng Bộ Thanh niên Phan Anh là quyết định lập ra trường Thanh niên Tiền tuyến, về sau đã được các cơ sở Việt Minh ở Huế, như sách lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên - Huế nhận định, “hướng thanh niên theo Mặt trận Việt Minh”. Không ít học viên của cơ sở này về sau đã trở thành những cán bộ cao cấp của Quân đội và Nhà nước ta…
Thực tế cho thấy, trong mọi hoạt động của mình, thái độ nhập thế của luật sư Phan Anh luôn chỉ thể hiện ham muốn phụng sự dân tộc và đất nước. Ông thức thời chứ không bao giờ xu thời, không bao giờ nhằm vào mục đích vinh thân phì gia. Chính vì thế nên sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, luật sư Phan Anh đã rất nhẹ nhàng từ chức cùng nội các Trần Trọng Kim và đã rất vui vẻ nhận nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho là thành lập và giữ chức Chủ tịch “Hội đồng Kiến thiết Quốc gia” tập hợp hầu hết các trí thức tiến bộ ở Hà Nội thời ấy. Sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, luật sư Phan Anh đã được mời làm Bộ trưởng Quốc phòng trong thành phần Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến (thành lập ngày 2/3/1946). Như vậy là luật sư Phan Anh là vị Bộ trưởng Quốc phòng thứ 2 sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (người đầu tiên giữ chức này là ông Chu Văn Tấn, trong thành phần Chính phủ lâm thời ngày 2/9/1945 và Chính phủ Liên hiệp lâm thời thành lập ngày 1/1/1946). Tới ngày 3/11/1946, khi Chính phủ mới được thành lập, vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới được giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp… Với Bộ trưởng Phan Anh, lực lượng vũ trang ta thời bình minh cách mạng đã lựa chọn được nhiều trí thức yêu nước, tuổi trẻ tài cao vào các vị trí quan trọng: Hoàng Đạo Thuý – Chính trị Cục trưởng; Phan Tử Lăng – Quân chính Cục trưởng; Vũ Văn Cẩn – Quân y Cục trưởng; Vũ Anh – Chế tạo Cục trưởng; Phan Văn Phúc – Quân huấn Cục trưởng; Lê Văn Chất – Quân pháp Cục trưởng… Tất cả những nhân vật này khi mới gia nhập quân đội đều chưa là đảng viên nhưng đã mang sẵn trong mình bầu máu nóng phụng sự chính nghĩa, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Công Thương, Luật sư Phan Anh
trong thời gian dự Hội nghị Giơnevơ (1954).
Trọn đời vì dân
Trong kháng chiến chống Pháp cũng như sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, cho tới lúc qua đời ở tuổi ngót 80 (năm 1990), trên bất cứ một cương vị nào, luật sư Phan Anh cũng luôn luôn được mọi người kính trọng, quý mến không chỉ vì trí lực xuất chúng mà còn vì nếp sống chân thành, liêm khiết của một người trí thức đích thực. Ông đối xử với mọi người theo đúng tinh thần mà thân phụ mình đã dạy: “Nhân nhượng hưng quốc gia”. Quen biết với những người con và cháu ruột của ông hiện nay, tôi có thể nó rằng, tinh thần ấy cũng đang được những thế hệ sau của dòng họ Phan làng Tùng Ảnh cố gắng nối tiếp, dẫu những điều kiện sống hiện nay đã khác trước rất nhiều.
* Bà quả phụ Đỗ Thị Hồng Chỉnh đã đứng ra chủ trương thành lập và là đại diện theo luật pháp cho Quỹ từ thiện mang tên luật sư Phan Anh. Quỹ từ thiện luật sư Phan Anh hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích khuyến khích động viên khen thưởng những tấm gương học tập xuất sắc, những công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu trong ngành Luật, những gương điển hình trong hoạt động bảo vệ pháp luật, hỗ trợ những đối tượng yếu thế cần trợ giúp pháp lý, góp phần xây dựngđất nước dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển… Ngày 19/4/2019, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 324/QĐ-BNV cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ Quỹ.