Biết bơi thôi, chưa đủ
Mới đầu hè, nhưng đã có không ít tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra với trẻ em. Mới đây nhất, vụ đuối nước cướp đi sinh mạng 4 học sinh tại Khánh Hòa (trong đó có hai chị em ruột) khi các em còn chưa kịp dự buổi tổng kết năm học, đã để lại những nỗi đau xé lòng với người thân và bạn bè.
Đưa môn bơi vào giảng dạy chính, còn tùy thuộc điều kiện từng trường.
Một lần nữa, vấn đề dạy bơi cho trẻ lại tiếp tục trở thành câu chuyện cần được lưu tâm. Trước đó ít ngày tại Hà Nội, trong Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, từng bước giảm tai nạn đuối nước. Theo kế hoạch, sau Lễ phát động nói trên, tùy điều kiện thực tế, các tỉnh, thành phố sẽ tổ chức lễ phát động hưởng ứng chương trình tại các địa phương.
Tính từ đầu năm 2019 đến nay, số vụ tai nạn đuối nước ở học sinh đã ở mức báo động. Thậm chí trong số đó, có không ít trẻ em sinh sống ở các vùng nông thôn, vùng sông nước, mà theo lẽ tự nhiên, trẻ em ở những vùng này đã phải biết bơi như một kỹ năng sống tối thiểu. Một câu hỏi lớn đang được đặt ra, nhưng thật khó có câu trả lời thỏa đáng: Trẻ em đuối nước lỗi tại ai? Đề án dạy bơi trong trường học lâu nay có đạt kết quả hay không?
Ở khu vực thành phố, điều kiện để bơi lội không nhiều nên các bậc phụ huynh trông chờ vào Đề án dạy bơi được triển khai trong các nhà trường. Thế nhưng những năm qua, kết quả của Đề án này đã không được như mong đợi bởi nhiều nguyên nhân. Đơn cử ngay tại Khánh Hòa- nơi vừa xảy ra vụ việc đuối nước thương tâm, đại diện Sở GDĐT tỉnh cho hay: Về công tác dạy bơi cho học sinh tại địa phương, từ năm 2018 UBND tỉnh đã có đề án xây dựng 16 hồ bơi, đến nay đã trang bị được 10 hồ bơi. Tuy nhiên, để học sinh có kỹ năng bơi lội vẫn còn có những khó khăn như với số lượng bể bơi hiện có, thì chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu phổ cập bơi cho học sinh tại địa phương; cùng với đó là việc thiếu giáo viên dạy bơi.
Những tồn tại về hoạt động dạy bơi cho học sinh tại Hà Nội cũng đã được chỉ ra. Hiện khó khăn lớn nhất là các trường thiếu bể bơi. Đối với các trường có hồ bơi, bể bơi thì lại thiếu kinh phí phổ cập bơi cho học sinh. Theo số liệu của Sở GDĐT Hà Nội, năm 2017, toàn thành phố đã đưa vào sử dụng trên 100 bể bơi mini, bể bơi thông minh trong các nhà trường, cùng gần 100 bể bơi ở các địa bàn quận, huyện có hợp đồng phổ cập bơi cho học sinh. Khoảng gần 104 ngàn học sinh đã được dạy bơi và tỉ lệ biết bơi trong số này là 90%. Trong năm 2018 có khoảng 232 bể bơi phục vụ và số học sinh tham gia phổ cập bơi là gần 109,8 ngàn em. Dẫu thế, nếu so với con số thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, với tổng số hơn 1,1 triệu học sinh các bậc tiểu học và THCS toàn địa bàn, hiện đang còn một lượng lớn học sinh chưa biết bơi và cần được dạy trong thời gian tới. Bởi Hà Nội có diện tích rộng, nhiều sông, ao, hồ và các công trình đang xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cao đối với học sinh. Điều này không thể xem nhẹ…
Vậy là đã rõ, hiện có vô vàn những cái khó được chỉ ra trong quá trình triển khai Đề án dạy bơi trong nhà trường: Có nơi thiếu quỹ đất xây bể bơi; trường học có quỹ đất để xây bể bơi thì lại không có kinh phí vận hành, không có giáo viên dạy bơi chuyên nghiệp…Thành thử việc dạy và học bơi trong nhà trường phổ thông lâu nay mới chỉ là một phong trào mạnh đâu nấy làm, chưa - thậm chí rất khó - để trở thành một môn học bắt buộc. Trong vô vàn cái khó ấy, đã có những đề xuất xã hội hóa việc dạy bơi cho trẻ em, huy động sự tham gia từ cộng đồng. Song giải pháp này ở các vùng nông thôn, nơi đời sống người dân còn khó khăn, thì việc huy động xã hội hóa để xây dựng bể bơi trong trường học là khó khả thi. Các bể bơi tư nhân cũng không có nhiều và nếu có, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con đi học bơi.
Trước những ý kiến đề xuất đưa bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường tới đây, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh- sinh viên (Bộ GDĐT) cho rằng, căn cứ trên thực tế hiện nay, nếu áp dụng môn bơi vào giảng dạy chính sẽ phải tùy thuộc điều kiện từng trường.
Tuy nhiên, để phòng tránh tai nạn thương tích từ đuối nước thì ngoài việc dạy trẻ biết bơi, cần học cả các kỹ năng khác nữa. Bởi từ thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở cả người lớn và trẻ em mà trong đó nạn nhân cũng biết bơi. Do tâm lý chủ quan và kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nạn chưa tốt, chưa đủ bình tĩnh nên xảy ra sự cố đáng tiếc. Vì thế, ngay cả với những người biết bơi cũng không nên có tâm lý chủ quan, bởi trước miệng Hà Bá, mỗi người bỗng trở nên thật nhỏ bé…
Tại Lễ phát động toàn dân phòng chống đuối nước vừa rồi, một thông điệp cũng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chỉ biết bơi thì chưa đủ, mà mỗi người phải được trang bị kỹ năng ứng phó, xử lý để cứu người bị đuối nước. Cùng với đó, cần làm tốt công tác cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước như vực xoáy, sụt cát, nước sâu; hạn chế rủi ro thiên tai bằng các biện pháp như giữ rừng, cấm hút cát ven sông…