Giúp nông dân ổn định chăn nuôi
Theo bà Phạm Thị Hoàng Yến, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoa Lư (Ninh Bình), hiện huyện Hoa Lư đang tăng cường tuyên truyền cho bà con về tái đàn sau khi công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện; đồng thời tiến hành tiêm phòng tất cả các loại vắc xin cho đàn gia súc gia cầm, tăng cường khử trùng tiêu độc để phòng chống dịch đạt hiệu quả cao trên địa bàn huyện.
Người dân chưa nên lập tức tái đàn sau dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trạm cùng với các lực lượng, chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh thì báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.
Huyện Hoa Lư là địa phương đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Ninh Bình. Sau 30 ngày tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh, không để phát sinh thêm ổ dịch mới, ngày 8/4, UBND huyện Hoa Lư đã công bố hết dịch.
Theo UBND xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, sau khi phát hiện ổ dịch tại nhà ông Nguyễn Xuân Hải, thôn Bạch Cừ, UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức lực lượng kiểm đếm, phân loại đàn lợn và tiêu hủy toàn bộ 59 con lợn theo đúng quy trình, quy định; thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại xã để bao vây, ngăn chặn ổ dịch và dập dịch, không để lây lan sang diện rộng.
Hiện xã có khoảng 400 con lợn thuộc 40 hộ chăn nuôi; trong đó có 7 hộ chăn nuôi từ 70 đến 100 con lợn. Từ khi phát hiện ổ dịch ở xã Ninh Khang đầu tháng 3/2019, tại các chốt kiểm dịch cơ động đều tăng cường hoá chất và vôi bột và hướng dẫn người dân chăn nuôi trên địa bàn cùng phối hợp để phun sát trùng và rắc vôi bột xung quanh khu vực đang chăn nuôi gia súc, gia cầm. UBND xã cũng yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi chủ động khai báo khi có dịch bệnh trên đàn lợn và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn các xã, thị trấn; không giết mổ, không bán chạy lợn ốm, lợn chết.
Chủ tịch UBND xã Ninh Khang Đinh Vạn Nam cho biết, từ khi xảy ra dịch, hầu hết các hộ dân đều nâng cao ý thức trong việc chăn nuôi cụ thể như không lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, chủ động rải vôi bột tại khu vực chuồng trại. Hiện nay, UBND xã đã thông báo hết dịch tả lợn tại địa bàn xã cho người dân nắm được để chủ động ổn định chăn nuôi, yên tâm sản xuất.
Bà Phạm Thị Chuyên, xã Ninh Khang cho biết, gia đình duy trì đàn lợn từ 30 đến 40 con. Từ khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày nào gia đình bà cũng phun thuốc khử trùng, vãi vôi, rửa chuồng, phun thuốc. Nguồn thức ăn cho lợn trước đây gia đình tận dụng thức ăn thừa nhưng từ khi có dịch đã không cho lợn ăn loại thức ăn này nữa, do vậy đến nay đàn lợn của gia đình bà vẫn khỏe mạnh.
Toàn huyện Hoa Lư hiện có khoảng 7.300 con lợn thuộc 600 hộ chăn nuôi, không có hộ chăn nuôi tập trung với quy mô lớn; nhưng có trên chục gia trại chăn nuôi có quy mô từ 50 đến 180 con lợn, nằm rải rác ở nhiều xã; số còn lại chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình (từ 2-3 con).