Đoàn kết xây dựng, phát triển Thành Nam
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy dân chủ, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường đồng thuận góp phần xây dựng TP Nam Định xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, từng bước hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng... Đó là những mục tiêu chung được Đại hội đại biểu MTTQ TP Nam Định lần thứ 18 (nhiệm kỳ 2019-2024), tổ chức trong các ngày 22, 23/5 xác định.
Quang cảnh đại hội.
TP Nam Định có 25 phường, xã; trên 35 vạn dân. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền; hưởng ứng tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị, 5 năm qua, thành phố đã đạt thêm nhiều kết quả quan trọng trong phát triển KT-XH; giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn. Trong đó, đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt 77,7 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,3%; bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, văn minh; thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh về kết quả, chất lượng giáo dục-đào tạo.
Làm nên kết quả chung, MTTQ thành phố và các tổ chức thành viên được cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Thành Nam ghi nhận đã có nhiều đóng góp quan trọng. Trong đó, 5 năm qua, MTTQ thành phố và các tổ chức thành viên đã tập trung thực hiện hiệu quả 5 Chương trình phối hợp hành động. Nổi bật là đã tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trên cơ sở nội dung CVĐ, MTTQ và các tổ chức thành viên lại có cách làm sáng tạo, cụ thể hóa thành các phong trào thiết thực, ý nghĩa như: “Ngày chủ nhật sáng, xanh, sạch đẹp”, “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công”, “Tuổi cao gương sáng”, “Tuổi trẻ Thành Nam chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Liên kết phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “xây dựng Chùa tinh tiến”, “xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”..., thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố tham gia.
Đặc biệt, công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” luôn được MTTQ thành phố và các tổ chức thành viên quan tâm, duy trì thực hiện; bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như phát hành xổ số; vận động cán bộ, công nhân, viên chức; doanh nhân, nhà hảo tâm ủng hộ.
Kết quả, 5 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp của thành phố đã đã vận động được 4,44 tỷ đồng, qua đó ủng hộ, giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như sửa chữa, xây mới nhà ở; thăm hỏi, động viên trong các dịp lễ tết, khi gặp rủi ro...
Công tác Mặt trận tham gia giám sát, phản biện xã hội đã có chuyển biến rõ nét. Trong đó, cấp thành phố đã chủ trì giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp trong xây dựng nông thôn mới” và “Công tác vận động, quản lý thu chi các nguồn quỹ xã hội” trên địa bàn thành phố. Ở cấp xã, Mặt trận đã tổ chức 114 cuọc giám sát.
Qua công tác giám sát, MTTQ các cấp thành phố đã có nhiều kiến nghị, đề xuất góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của 25 Ban Thanh tra nhân dân, 118 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng của thành phố cũng tiếp tục được nâng lên. 5 năm qua, qua thanh tra đã phát hiện 72 sai phạm; qua giám sát 248 công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã đã phát hiện 37 vi phạm kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết...
Trên hết, kết quả hoạt động của công tác Mặt trận đã góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương. Mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân thành phố qua đó càng thêm mật thiết, gắn bó...
Tại đại hội, các đại biểu đã dân chủ thảo luận, làm rõ những kết quả cùng những mặt còn hạn chế của công tác Mặt trận, chỉ ra những nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm. Trong đó, khẳng định công tác Mặt trận phải thường xuyên quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện tốt các quy định về dân chủ, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; xây dựng và thực hiện tốt các quy chế phối hợp công tác; cán bộ Mặt trận phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, tu dưỡng đạo đức; lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; chú trọng công tác thi đua, khen thưởng.
Bám sát định hướng phát triển chung của TP Nam Định; bám sát mục tiêu xây dựng TP Nam Định xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, từng bước hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Đại hội đã thảo luận, thống nhất trong nhiệm kỳ mới, công tác Mặt trận của thành phố tập trung thực hiện tốt mục tiêu: “Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền,vận động, tập hợp để xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội; phòng chống tham nhũng, lãng phí; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tăng cường đồng thuận, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện nếp sống văn minh...”
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất trong 5 năm tiếp theo, MTTQ thành phố và các tổ chức thành viên sẽ tập trung phối hợp thực hiện 5 chương trình hành động, gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành phố; Vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, giữ vững QP-AN; Phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; giám sát và phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; Mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; Tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ các cấp. Mỗi chương trình hành động đều có mục tiêu, nội dung thực hiện cụ thể, đi kèm là các giải pháp...
Một số mục tiêu cụ thể được đại hội xác định là: có từ 60% khu dân cư trở lên đạt danh hiệu “Khu dân cư 5 không”; 90% trở lên số hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa”; 80% trở lên số tổ dân phố, làng, thôn, xóm có nếp sống văn hóa; 50% khu dân cư trở lên thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang; 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết hằng năm; mỗi năm MTTQ thành phố và các phường xã tổ chức 1 cuộc giám sát; 100% Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng được tập huấn nghiệp vụ, 80% trở lên được đánh giá hoạt động hiệu quả; 100% cán bộ Mặt trận được tập huấn nghiệp vụ; Hằng năm, có 80% trở lên Ủy ban MTTQ cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ, 95% số Ban Công tác mặt trận xếp loại tốt; 80% trở lên Ban công tác Mặt trận có Báo Đại Đoàn Kết để đọc...