Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Chưa lấy lợi ích của người dân làm cốt lõi

H.Vũ 24/05/2019 07:00

Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự thất vọng về dự án luật khi bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên Internet.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Chưa lấy lợi ích của người dân làm cốt lõi

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): Việc dễ tiếp cận những đồ uống có cồn sẽ ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: Quang Vinh.

Tranh luận bỏ quy định cấm bán rượu, bia trên internet

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp trước một số ĐB đề nghị cân nhắc quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử; tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp, làm mất quyền được thông tin của người tiêu dùng. Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý theo hướng, Dự luật không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán theo hình thức thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên; cấm khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và cấm sử dụng rượu từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức. Tổ chức, cá nhân khuyến mại rượu, bia dưới 15 độ cồn phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan; truyền hình không được quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn từ 19h đến 20h hằng ngày.

Tuy nhiên vấn đề trên đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều ĐBQH. Theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chỉ có thể giảm tác hại rượu bia thông qua việc giảm sử dụng, bởi khi đặt mình vào từng gia cảnh, thân phận con người đang đối mặt với mất mát đau thương, kể cả những người vì rượu bia vướng vào vòng lao lý thì sẽ hiểu được nỗi đau và bản án lương tâm mà họ phải gánh chịu. Nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ, trở thành nạn nhân, thậm chí là tội phạm.

Đưa ra dẫn chứng: Qua khảo sát nhóm trẻ em từ 12 đến 16 tuổi về các loại thức uống các em dùng thì có 83% ý kiến liệt kê nhiều đồ uống có cồn; 87,6% ý kiến không nhận biết được đồ uống có cồn từ 4,5 độ cồn trở lên. Khi hỏi về cảm giác sau khi uống các em đều trả lời rằng uống có cảm giác lâng lâng, chóng mặt, tim đập nhanh; và gần 80% trẻ lựa chọn sử dụng vì quảng cáo là nước hoa quả có gas, nước lên men, bà Hiền cho rằng, đồ uống có cồn không được đưa vào Dự thảo luật là “căn cứ khá yếu về mặt pháp lý”, vô tình xem nhẹ sức khỏe con người.

“Tôi cảm thấy Dự thảo này không phục vụ cho mục tiêu phòng chống tác hại rượu bia, lấy lợi ích của người dân làm cốt lõi, cho các nhóm quyền của trẻ em”-bà Hiền nói đồng thời chỉ rõ việc quy định truyền hình không được quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn từ 19h đến 20h hằng ngày là không thực tế vì từ 19h đến 20h hằng ngày là thời gian của chương trình thời sự.

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), việc cho phép bán rượu bia trên Internet nhưng lại không thể kiểm soát cho thấy sự mâu thuẫn, thiếu sót đầy ngụ ý về lập pháp và đây là “khoảng trống” trong quản lý nhà nước. Ông Nhân nói: “Thời gian gần đây có nhiều ý kiến về sự xuống cấp đạo đức, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do tác hại của rượu bia. Việc dễ tiếp cận những đồ uống có cồn sẽ ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe người dân”.

Phải tăng chế tài xử phạt

Điều được dư luận cũng như các ĐBQH kỳ vọng chính là làm sao luật có những chế tài tăng nặng để xử lý tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Liên quan đến việc một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia thống nhất với Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa cũng như quy định nhằm phát huy trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý Khoản 8 Điều 5 về hành vi bị nghiêm cấm và Điều 21 về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, trong đó quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông, người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải và Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó Dự thảo luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở kinh doanh, chủ phương tiện thực hiện các biện pháp để tài xế không sử dụng rượu, bia khi lái xe.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, những ngày qua cả nước “nóng” về tình trạng lái xe uống rượu bia gây tai nạn làm tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Rượu bia là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, xơ gan, ung thư nếu không có giải pháp phòng chống sẽ đe dọa trực tiếp đến người sử dụng. Do đó cần đánh thuế đối với rượu bia ở mức cao hơn, theo tỷ lệ % như đối với thuốc lá.

Theo ông Phương, cán bộ công chức nhà nước nếu vi phạm ngoài xử lý hành chính thì cần có các hình thức phê bình, nhắc nhở cho đến cho thôi việc. Người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông nếu vi phạm cần thu hồi bằng lái xe từ 1-5 năm, hoặc thu hồi bằng vĩnh viễn và phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với trường hợp uống rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng.

* Các địa điểm không được uống rượu, bia

Trước ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng quy định không được uống rượu, bia tại: cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí; cơ sở cai nghiện, cơ sở tạm giữ, cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, trụ sở các cơ quan hành chính, cơ quan nhà nước; một số địa điểm công cộng có nhiều người qua lại như bến tàu, bến xe, nhà ga, sân bay, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu và để đảm bảo tính khả thi, Dự thảo luật đã bổ sung một số địa điểm không được uống rượu, bia tại Điều 10. Theo đó, Điều 10 quy định địa điểm không uống rượu, bia gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở hoặc khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; cơ sở bảo trợ xã hội; trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

H.Vũ