Gỡ khó cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực
TP Hồ Chí Minh có khu công nghệ cao, nơi tập trung các doanh nghiệp (DN) công nghiệp, công nghệ cao chủ lực. Thế nhưng, trên thực tế còn tới 95% các DN vừa và nhỏ với nhiều hạn chế về nguồn lực...
Theo GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) TP HCM, hiện nay dù đã hình thành đầy đủ các KCN, KCX, Khu công nghệ cao nhưng để phát triển các nhóm ngành công nghiệp chủ lực thì thành phố vẫn cần thêm nhà đầu tư. Lý do hiện còn đến 95% các DN trên địa bàn vẫn là các nhóm vừa và nhỏ, với hạn chế về nguồn lực. “Sự song hành giữa nhà đầu tư, các trường đào tạo, vụ, viện nghiên cứu, DN là rất cần thiết để giúp thương mại hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực” – GS Phùng chia sẻ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các trường đại học đào tạo chuyên ngành hiện còn mang nhiều tính kỹ thuật mà chưa chú ý khía cạnh thị trường, dẫn đến sản phẩm nghiên cứu ra tuy tốt nhưng giá thành còn quá cao, không được thị trường đón nhận. Từ đó, các kiến nghị cần xác lập rõ quyền lợi, nghĩa vụ mỗi bên (4 nhà, gồm trường ĐH, vụ/viện nghiên cứu, nhà đầu tư, DN, nhà quản lý) ngay từ khi bắt đầu dự án nghiên cứu.
Hiện UBND TP HCM đã ban hành danh mục Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP HCM giai đoạn đến 2020, với 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Các sản phẩm khá đa dạng, bao gồm kim loại đúc sẵn; thiết bị điện; nhựa, cao su; thực phẩm chế biến; đồ uống; điện tử - CNTT và sản phẩm trang phục may sẵn; thuốc, hóa dược và dược liệu. Trong số này, nhóm sản phẩm chủ lực về hóa dược, dược liệu được xác định là nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP HCM.
Ngoài liên kết 4 nhà, cùng các cơ chế hợp tác được khuyến nghị, chính quyền TPHCM đang mở ra nhiều chính sách hỗ trợ về nghiên cứu khoa học và công nghệ đối với các nhóm ngành công nghiệp chủ lực. Tham gia các gói hỗ trợ của TP HCM, DN sẽ được tư vấn, hỗ trợ về nâng cao năng lực về quản lý chất lượng, đổi mới sáng tạo; quản lý năng lượng, sở hữu trí tuệ. Thậm chí, các hỗ trợ còn can thiệp hỗ trợ giải quyết các tranh chấp và xác lập quyền nhãn hiệu cho nhóm các DN đầu tư vào các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Các Sở KH-CN và Sở Công thương TP HCM sẽ lắng nghe các hiến kế, kiến nghị này, như một phần trong các nỗ lực hỗ trợ và tìm đường ra cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố.
Ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công thương TP HCM khẳng định, thành phố cam kết sẽ hỗ trợ DN cả vấn đề kết nối với các ngân hàng trong việc vay vốn mở rộng sản xuất. Kể cả hỗ trợ giai đoạn DN đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, hay giới thiệu sản phẩm đến các thị trường nước ngoài, như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...