Hà Nội: Công an phường, xã tham gia hỗ trợ cai nghiện ma túy
Ngày 23/5 Sở LĐTBXH Hà Nội đã chính thức ra mắt mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” hay còn gọi “Mô hình cảnh sát chuyển gửi” tại quận Nam Từ Liêm. Theo đó tại 3 phường Cầu Diễn, Mỹ Đình 1 và Xuân Phương, công an phường sẽ trực tiếp tham gia vào hỗ trợ cai nghiện ma túy. Đây là quận thứ 2 tại Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình này.
Báo cáo gần đây nhất của Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, hiện có 13.410 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 600 người so với cuối năm 2018), trong đó 57% (khoảng 7.650 người) sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá”.
Tại mô hình này, lực lượng thi hành pháp luật, cụ thể là công an các cấp phường, xã tham gia vào mô hình không chỉ dưới cương vị hành chính mà còn dưới vai trò là người hỗ trợ, giúp mô hình có điểm mới đó là sự thân thiện đối với người sử dụng, nghiện ma túy tại cộng đồng. Điều này được đánh giá là rất quan trọng trong việc khuyến khích họ tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và điều trị phù hợp với mong muốn, nhu cầu của từng cá nhân. Đồng thời sẽ góp phần tạo điều kiện hơn nữa để người sử dụng ma túy cũng như cộng đồng dân cư được tư vấn và tháo gỡ được các vấn đề liên quan đến sử dụng ma túy trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.
Đánh giá việc triển khai mô hình trên, ông Phùng Quang Thức - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Sẽ có 150 lượt người sử dụng ma túy tại các địa bàn thí điểm sẽ được thực hiện chuyển gửi, hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội. Ít nhất sẽ có 100 người sử dụng ma túy tại cộng đồng được hỗ trợ ít nhất một nhu cầu cắt cơn, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị thay thế, khám, xét nghiệm, điều trị viêm gan B, C, lao, HIV.
Cũng theo ông Phùng Quang Thức, mô hình này có nhiều ưu điểm về tính hiệu quả và khả thi. Sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong mô hình, vì họ là bộ phận tiếp xúc với người sử dụng, nghiện ma túy tại địa bàn nhiều nhất (bên cạnh các nhóm cộng đồng của người sử dụng ma túy) nên họ là “cánh cửa” đầu tiên để người sử dụng ma túy được tiếp xúc với những thông tin về hỗ trợ, tư vấn, điều trị nghiện... Sau đó, người sử dụng, hoặc nghiện ma túy được chuyển gửi đến các dịch vụ phù hợp với tình trạng và nhu cầu của họ như điều trị viêm gan B, C, HIV...