Đau ốm & bài học
Theo các nhà hiền triết cổ đại thì bất cứ điều gì, bất cứ người nào ta gặp đều có thể dạy ta những bài học bổ ích.
Bài viết nhỏ này gợi ý một số bài học được rút ra từ những lần đau ốm.
Ngay từ cách đây gần 400 năm, thiên tài Molière (1622–1673) đã khẳng định: “Hầu hết mọi người đều chết vì thuốc chứ không phải vì bệnh” (Presque tous les hommes meurent de leurs remèdes et non de leurs maladies). Hàng trăm năm đã trôi qua, các viện nghiên cứu y khoa danh tiếng trên thế giới cũng đã xác nhận ý kiến của Molière là rất đáng được nghiên cứu, đáng học hỏi và đáng rút kinh nghiệm.
Con người bằng xương bằng thịt do cha mẹ sinh ra đều phải tuân theo 4 quy luật sau: Sinh (sinh ra, lớn lên) - Lão (trưởng thành, già đi) - Bệnh (có lúc đau ốm, trái nắng trở trời) - Tử (trở về với cát bụi).
Trước khi nêu lên các bài học cụ thể rút ra từ những lần đau ốm, cần làm rõ một số khái niệm về các định nghĩa (trong văn bản hành chính gọi là Phạm vi điều chỉnh).
- Bằng xương bằng thịt: tức là một cơ thể sống, do 4 chất cơ bản tạo nên (C, H, O, N) chứ không phải bằng sắt, thép, titan như người máy của thời đaị công nghệ 4.0.
- Do cha mẹ sinh ra: tức là được ra đời từ các bà mẹ ở nhà hộ sinh (cũng có khi ở ngoài đường) trong tay các bà đỡ, các nữ điều dưỡng... có giấy khai sinh được chính quyền xác nhận, chứ không phải được ra đời từ các nhà máy sản xuất người rô-bốt.
- Bệnh: tức là có lúc đau ốm, có khi cảm mạo, trái nắng trở trời. Có bệnh cấp tính, có bệnh mạn tính. Cũng có khi có bệnh vì lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn quá mức về một điều gì đó xảy ra trong cuộc sống. Có nhiều bệnh không cần chữa cũng khỏi (khoảng 50%), có bệnh phải có đủ điều kiện mới khỏi (chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng thuốc, dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý, chiếm khoảng 30%), có bệnh kéo dài thành mạn tính, cứ bị đi bị lại (khoảng 15%), có bệnh không thể chữa được (khoảng 5%).
Một số bài học thực tế được rút ra khi con người đau ốm:
- Bài học thứ nhất: Bài học này là quan trọng nhất và trùng hợp với ý kiến của Molière. Báo chí, đài, tivi đã từng đưa tin về những cái chết thương tâm do người bệnh mất bình tĩnh nên đã hoảng hốt khi biết mình bị bệnh, vì vậy đã “vái tứ phương”, không may gặp phải bọn lang băm, bịp bợm, vô lương tâm đã “chữa lợn lành thành lợn què”, dùng thuốc vô tội vạ, mất tiền và cũng mất mạng luôn. Ai cũng tưởng sau Molière 400 năm thì không còn những “người bệnh tưởng” (Malade imaginaire) nữa, ngờ đâu do việc chữa bệnh chưa được kiểm soát tốt nên vẫn còn nhiều người bệnh là nạn nhân của việc dùng thuốc vô tội vạ. Cần nhớ mãi lời dặn của bậc thầy Pubilius Syrus (thế kỷ thứ nhất sau công nguyên) là: “Có nhiều phương thuốc còn tệ hại hơn cả bệnh tật nữa” (nguyên văn Latin: Graviora quaedam sunt remedia periculis).
Bài học cần rút ra ở đây là: Tuyệt đối tuân thủ việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ và chỉ tuân theo các phác đồ điều trị y tế chính thống do Bộ Y tế quy định. Cần sớm loại bỏ bọn bịp bợm, chữa bệnh phản khoa học, làm hại cho nhân lực của xã hội.
- Bài học thứ hai: Đau ốm là ông thày thuốc giỏi nhất để dạy bảo con người từ bỏ những thói hư tật xấu.
+ Anh An là một người “nát rượu”. Anh có tài nhưng suốt đời không ai dám đề bạt, cất nhắc vì ở cơ quan cứ nói đến An là nói đến khả năng uống rượu như uống nước lã của anh. Một lần anh đi xe máy, say quá nên đâm vào cột điện, gẫy 3 cái răng, phải nằm viện một thời gian. Kinh khủng hơn nữa là qua xét nghiệm đã cho thấy gan của anh đã bị rượu “hỏi thăm”. Ra viện, An là người khác hẳn, ngửi thấy mùi bia rượu là anh thấy sợ. Dần dần, anh bỏ được tật xấu nghiện bia rượu và trở nên mạnh khỏe, minh mẫn hơn trước. An nói: “Trận nằm viện vừa qua đúng là một ông thầy đã dạy cho tôi một bài học nhớ đời, như một cái “tát” đau đớn để cải tạo lại con người, không thì đời tôi nguy mất”.
+ Cô Nga là một thiếu nữ xinh đẹp, con nhà giàu có, cặp kè với đủ các loại đại gia, có lúc vì tiền, có lúc muốn thỏa mãn sở thích mà cô gọi là “đỉnh cao của hạnh phúc con người”. Một lần Nga vào thăm một người bạn cũng là “dân chơi thứ thiệt” đang phải nằm viện, bạn ghé tai Nga nói nhỏ: “Tao dính HIV rồi, mày đi xét nghiệm ngay đi”. Thật là một thông tin sét đánh. Nga suýt ngất xỉu, vội vàng chạy đi xét nghiệm máu ngay. Để cẩn thận, Nga làm xét nghiệm HIV 2 lần ở 2 bệnh viện khác nhau. May quá, cả 2 tờ kết quả xét nghiệm đều được đóng dấu đỏ trong khung vuông: Negative (âm tính). Từ đó, nhờ được “thầy” HIV khuyên nhủ, Nga đã tu tỉnh lại, thôi không buông thả nữa, sống hướng thiện và chăm chỉ học hành hơn.
- Bài học thứ ba: Những lần đau ốm giúp ta điều chỉnh cách ăn uống, tập luyện, sinh hoạt hàng ngày.
+ Chị Na ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ giải thích: “Chính vì chị cho cháu mặc 3 cái áo len chui đầu, đến buổi trưa trời nóng quá, cháu không tự cởi áo ra được nên mồ hôi không thoát ra, làm nhiệt độ bị ủ lại trong người, khiến cho cháu bị viêm phế quản, sốt như thế này đây”.
+ Thanh là một kỹ sư năng động, tháo vát, nhưng độ này người cứ gầy sút nhanh, lúc nào miệng cũng khô, uống nước rất nhiều, đi tiểu rất nhiều. Vợ Thanh giục đi khám bệnh nhưng anh cậy mình có sức khỏe nên vẫn lao vào công việc mà không nghe lời vợ. Đến một hôm Thanh bị xỉu ở cơ quan, mồ hôi vã ra đầm đìa đến ướt cả quần áo, đồng nghiệp vội đưa anh đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm: Đường huyết là 18.0 mmol/L. Anh phải nhập viện ngay và được điều trị tích cực. Sau khi ra viện Thanh buồn bã vì phải chấp nhận mình là bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường thực sự, từ đó phải kiêng bia rượu, không dám ăn cơm trắng, kem, bánh kẹo... Nhưng anh cũng mừng thầm: “Thôi cũng còn may, biết bệnh mà điều trị và kiêng khem, chứ nếu chết vì biến chứng của bệnh đái tháo đường do chủ quan và thiếu hiểu biết thì vừa thiệt thân lại vừa xấu hổ”.
+ Chính khi đứa con mắc bệnh đã dạy cho người mẹ biết cách nuôi con khoa học hơn, thông minh hơn. Người mẹ căn cứ vào tình trạng con bị tiêu chảy hay táo bón, có đau bụng, có chướng bụng không mà điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày cho con. Người mẹ đông con thì có nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ con hơn những người có ít con hoặc không có con. Bác sĩ nhi khoa không có con chưa chắc đã thạo chăm sóc trẻ hơn một bà mẹ bình thường biết cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
+ Ông L có thói quen ăn uống vội vàng, ngay cả lúc thức ăn còn nóng. Sau lần viêm dạ dày cấp, bị bác sĩ tiêu hóa soi dạ dày bằng một ống cao su dài đưa từ miệng vào làm ông muốn ọe mà không ọe được, muốn nôn mà không nôn được, sau phải gây mê mới soi được, ông L sợ chết khiếp. Mỗi lần nhớ đến cái ống cao su to và dài thế bị luồn qua miệng xuống dạ dày, ông L thề bỏ hẳn cái tật ăn nóng, ăn nhanh, ăn vội như trước đây.
Qua các trường hợp nêu trên, ta thấy rõ khẩu hiệu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, “Phòng cháy hơn chữa cháy” đáng quý biết nhường nào. Tác giả cổ đại Erasmus cũng đã từng dạy bảo: “Việc phòng bệnh tốt hơn là việc chữa bệnh” (Prevention is better than cure).
- Bài học thứ tư:
Khi nằm viện ta mới có thì giờ bình tâm kiểm điểm lại bản thân mình, từ đó mới tỉnh ra, mới ngộ ra, mới hiểu ra được nhiều ý ăn ý ở, nhiều vấn đề mà trước đây ta chỉ ngờ ngợ, lờ mờ hiểu.
+ Nằm trong căn phòng thoáng mát ở một bệnh viện cao cấp nhưng cơn đau vẫn hành hạ như ở những nơi bình dân, ông N chợt cay đắng nhận ra như thế. Lúc tỉnh, lúc mê, cả ngày ông chỉ được gặp một ông bác sĩ mặt lạnh như tiền thăm khám, chỉ nhìn, sờ, gõ, nghe rồi lặng lẽ bỏ đi. Cô y tá mặt bịt kín bằng cái khẩu trang to đến tiêm và phát thuốc uống cũng rất kiệm lời. Ba đứa con và vợ ông đến thăm chốc lát rồi kiếm cớ vội vã về ngay. Các đệ tử “trung thành” trước đây, nay thấy ông không còn đường trở lại vị trí lãnh đạo nữa nên cũng “chân giò ngãng ra” dần dần. Bị bỏ rơi trong bệnh viện lại bị những cơn đau hành hạ, ông N mới ngộ ra cái tình người đen bạc, ông chợt thương xót bố mẹ già ốm đau ở quê nhà, chẳng có ai chăm nom, thuốc thang, phụng dưỡng, trò chuyện... Ông N ân hận quá, liệu ông có còn cơ hội để báo hiếu cho bố mẹ nữa không, bố mẹ ơi!
+ Chăm con bị bệnh tay chân miệng hơn 2 tuần nay ở khoa Nhi chật chội, không ăn không ngủ được nên chị N gầy rộc đi trông thấy. Đúng là có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Ngày xưa, lúc còn bé, N là một đứa trẻ còi cọc, ốm đau quặt quẹo, sài đẹn khốn khổ. Mẹ chị phải chạy từng đồng để nuôi con và chữa bệnh cho chị, mới hơn 40 tuổi bà đã ra đi. Bố chị thì đang sống vất vả nơi quê nhà. Càng nghĩ chị càng thấy mình có lỗi với bố mẹ, chị tự nhủ: “Đợt này về quê con nhất định phải có kế hoạch chăm sóc bố tốt hơn”.
Quả là những lúc trái gió, những lúc trở trời có khi lại là những cơ hội tốt, những dịp may để dạy cho con người ta nhiều bài học nhớ đời, không bao giờ dám quên.