Nhà văn Nguyễn Trí: Không chết được thì phải sống sót!
Nguyễn Trí kể chuyện rất hấp dẫn. Sự hấp dẫn không phải là câu chuyện từ bãi vàng trầm hương đá quý, cái đó ông mang gần hết vào tác phẩm của mình. Sự hấp dẫn khiến mấy nhà văn trẻ trong trại viết nằn nì ông kể tiếp là ông thánh nào đó trong tác phẩm văn chương ông vừa đọc.
Đọc Nguyễn Trí tôi hình dung ra một con người cao lớn râu ria để đến khi gặp ngoài đời tôi tự bật cười về sự hình dung do ảnh hưởng Hollywood. Nguyễn Trí thấp, chân đi luỳnh khuỳnh, tay vung tất tả, làn da mỏng nhẵn và đen đều. Nguyễn Trí kể chuyện rất hấp dẫn. Sự hấp dẫn không phải là câu chuyện từ bãi vàng trầm hương đá quý, cái đó ông mang gần hết vào tác phẩm của mình. Sự hấp dẫn khiến mấy nhà văn trẻ trong trại viết nằn nì ông kể tiếp là ông thánh nào đó trong tác phẩm văn chương ông vừa đọc. Ông đọc say mê và nhớ tường tận từng chi tiết.
Không thể chết
Câu chuyện giữa tôi và ông là con đường từ một anh phu đào vàng đến một nhà văn hót hòn họt trên văn đàn. Ông kể chuyện đều đều không lên trầm xuống bổng, không cười cợt cũng không có giọt nước mắt nào. Dường như cuộc đời ông nó vốn là thế, chả có gì đáng ngạc nhiên. Vì thế mà tôi cũng chẳng thể chen vào được câu nào, ông kể ra sao thì ghi thế nấy. Đầu tiên ông kể cho tôi nghe về cha mình, một người đàn ông rất mê đếm tiền.
- Cha tôi có một thú vui là đếm tiền, buổi tối tôi thấy ông bê cái hòm đựng tiền để dưới gậm giường trong phòng ngủ của ông đổ tiền lên giường đếm. Đếm xong cột cọc nào vào với cọc đó. Rồi ông xếp gọn vào hòm để về chỗ cũ. Gần sáng tôi tỉnh giấc dậy đi tiểu đã thấy ông bê cái hòm để lên giường rồi ngồi đếm. Ông là lính, gia đình tôi theo ông đồn trú ở các nơi. Mẹ tôi làm nghề cầm đồ để kiếm gạo nuôi một bầy con. Bà có tính thương người. Những người đến cầm đồ cũng là vợ lính. Hết tháng cha tôi bắt chị em tôi ngồi hạch toán sổ sách. Số tiền thực tế không khớp với sổ sách ông chì chiết mẹ tôi dữ lắm. Rồi tháng sau vẫn thế, mẹ tôi sao nỡ không cho vợ lính vừa chết trận vay thêm tiền để làm đám tang chồng kia chứ. Ngày 30/4/1975, trong cái hòm đựng tiền của nhà tôi chỉ còn 1 triệu đồng và những cuốn sổ lĩnh lương, sổ trợ cấp thương tật... mà người ta đã đặt để vay tiền.
Theo cha đi khắp chiến trường này sang chiến trường khác, có khi phải bỏ học giữa chừng, rồi năm sau học lại nên khi đó tôi mới học lớp 10, nghiện xì ke. Không có thuốc nó vật, tôi chỉ mong được chết đi. Tôi bèn vơ một vốc kí ninh bỏ vào mồm rồi lấy nước ực cho trôi xuống ruột. Khi có cảm giác khát khô bỏng họng tôi bèn bò ra giếng nước, múc nước giếng tu cho đã khát, rồi tỉnh dần. Tôi không chết, chỉ bất tỉnh hai ngày hai đêm và cũng hết cả nghiện xì ke.
Sau đó nhà tôi chuyển từ Bình Định ra Qui Nhơn, khó khăn quá nên đi kinh tế mới. Khu kinh tế mới toàn cát là cát, giồng cấy nổi cây gì. Ngày ấy tôi yêu một cô, gia đình cô ấy quyết không gả cho một gã lêu lổng như tôi. Họ biết cứ để chúng tôi ở gần nhau thì không có cách gì ngăn cản. Họ mang cô ấy đi biệt tích. Người là vợ tôi bây giờ vì yêu tôi mà bỏ cả gia đình, cô ấy đi theo tôi. Chúng tôi có 4 người con với nhau, hai trai hai gái.
Khi tôi đi theo bãi vàng thì ở nhà lần lượt những người thân yêu của tôi ra đi. Cha, anh trai rồi mẹ, tôi đều không có mặt ở bên cạnh để chào họ lần cuối. Không phải tôi không muốn về bên họ mà chỉ là không thể. Vì sao, tôi đã viết trong tự truyện rồi
Năm 2009 định mệnh để Nguyễn Trí trở thành nhà văn
Năm 2009 con gái của Nguyễn Trí 21 tuổi, xinh đẹp hiền thục hiếu đễ. Cô đi làm công nhân, gom từng đồng đưa cho cha mẹ sửa cái nhà dột. Hôm ấy cô chỉ là người đứng xem một đám đánh ghen, lưỡi dao oan nghiệt đâm trượt tình địch nhưng lại trúng ngực cô gái trẻ. Con gái mất, con trai ngoài giá thú mất vì tai nạn giao thông, con trai cả nghiện xì ke bị công an bắt. Ba nỗi đau quá lớn khiến trái tim người cha gục ngã. Ông vùi đầu vào những cơn say để quên đi nỗi đau.
- Tôi uống rượu hết một cái nhà. Đã nghèo càng quẫn hơn. Một ngày tôi bỗng nghĩ ra, vợ mình cô ấy khổ quá. Tôi không uống rượu nữa. Tôi ngồi vào bàn và tôi viết. Thời còn đi học tôi đã từng viết bài đăng trên tập san. Tôi viết liền một mạch hết 20 cuốn vở. Tôi đánh máy rồi gửi cho các báo. Rồi tôi chờ. Không báo nào phản hồi. Tôi không cam chịu, tôi xin được địa chỉ email của nhà văn Hồ Anh Thái. Tôi gửi cho ông mấy cái truyện của tôi. Ông hồi âm ngay cho tôi, sẽ in trên báo Đại biểu nhân dân. Nhưng rồi ông lại gửi cho Tuổi trẻ cuối tuần. Năm 2011 truyện ngắn đầu tiên của tôi đã được in như vậy đấy.
Chiến trường văn chương và lữ hành cô độc
Đến nay Nguyễn Trí đã xuất bản 13 đầu sách. Cuốn nào ra cũng hót. Nguyễn Trí kể về việc viết của mình.
- Ở cạnh nhà tôi có cái rừng cao su, đấy chính là nơi tôi vật vờ sáng tạo chữ nghĩa. Tôi cứ đi lang thang trong đó rồi chữ nghĩa nó nhảy vô đầu. Rồi tôi viết. Tôi viết nhiều thì người ta đặt cho tôi là Trí khùng.
- Nói vui vậy chớ, văn chương của mình viết ra không mong ai đọc rồi thay đổi nọ kia, thì sao mong thay đổi được xã hội. Nhưng văn chương cũng không phải là trò chơi. Tôi làm việc nghiêm túc với văn chương. Mỗi sáng thức giấc tầm ba giờ sáng, tôi ngồi vào máy tính và viết. Bắt buộc phải viết 1000 từ, có khi viết rồi lại xóa đi. Rồi ăn sáng, phụ giúp bà xã dọn hàng, rồi uống li cà phê. Sau đó thì tôi đi loăng quăng trong lô cao su, để nghĩ.
- Ông tự đánh giá văn chương của mình có gì đặc sắc? - tôi hỏi ông
- Tôi chỉ là người kể chuyện.
- Vậy ông đã kể hết bãi vàng, trầm hương, đá quý chưa?
- Tôi vừa hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết trinh thám cho Nhà xuất bản Công an. Và tôi đang dự định viết tiểu thuyết về các đề tài khác.
- Ông có biết rằng ông là người kể chuyện rất duyên không?
- Tôi biết chứ, hồi tôi đi đào vàng, mỗi lần về nhà tôi thường cõng lên một ba lô sách, tôi đọc mê mải, không có sách tôi buồn lắm. Tôi đọc xong thì kể lại cho các bạn phu vàng nghe.
- Theo ông trong chiến trường văn chương của chúng ta có bạn đồng hành không?
- Trước đây tôi cũng hay nhờ bạn văn chương đọc các tác phẩm tôi mới sáng tác, họ cũng chân thành góp ý cho tôi. Sau này khi tôi có giải thưởng các cuộc ra mắt sách của tôi không có nhà văn nào. Mà cũng đúng thôi, nhà văn là kẻ lữ hành cô độc, trên đời có ai dạy được ai viết văn đâu.
Câu chuyện văn chương với nhà văn Nguyễn Trí chỉ ngắn gọn thế vì có sao ông nói vậy chẳng màu mè thêm bớt cho tăng vẻ long trọng. Tôi biết chính cái sự thật thà có sao nói vậy của ông đã khiến nhiều kẻ đạo đức giả không ưa ông. Nhưng có hề chi vì cái sự viết của Nguyễn Trí chính là cuộc đời phải trả nợ cho ông. Cuộc đời nợ con người ông, kiếp sống của ông vì đã trót nện cho ông các đòn chí mạng.
Cuộc sống của ông bây giờ khá ổn, con cái ông có công ăn việc làm ổn định, có hiếu có đễ với cha mẹ. Thằng con cả nghiện xì ke đã cai được thuốc. Hành trình ông đưa con đi cai nghiện phải dành để kể trong một câu chuyện khác. Tiền bạc cũng rủng rỉnh. Ông ra sách liên tục, nhuận bút cao. Một hãng phim đã mua bản quyền Bãi vàng, Trầm hương, Đá quý với giá 200 triệu.
Nhưng tôi biết người chiến binh này lại chuyển qua một cơn bĩ cực khác, vật lộn với con chữ đôi khi còn khốn nạn hơn một phu đào vàng…