Công chức vẫn gợi ý nộp thêm ‘tiền ngoài’
“Tỷ lệ người dân, tổ chức phản ánh công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công ở một số tỉnh lại tăng lên, chỉ số cao nhất năm 2017 là 4,30%, trong khi đó năm 2018 là 5,01%”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.
Đó là thông tin tại Hội nghị công bố Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS) diễn ra chiều nay 24/5.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh, TP trên cả nước.
Công chức vẫn gây phiền hà, nhũng nhiễu
Báo cáo kết quả Chương trình phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam với Bộ Nội vụ trong triển khai thực hiện chỉ số SIPAS 2018, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 82,99%; tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ nằm trong khoảng 69,98% - 97,88%.
Một nửa số tỉnh trong cả nước có chỉ số hài lòng nằm trong khoảng 81,92% - 97,88%, một nửa số tỉnh còn lại có chỉ số hài lòng nằm trong khoảng 69,98% - 81,92%, do đó có thể thấy gần một nửa số tỉnh, thành phố trong cả nước cần nỗ lực để đảm bảo mục tiêu của CCHC là trên 80% người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, 5 yếu tố cơ bản của quá trình và kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công được đánh giá trong khuôn khổ Chỉ số SIPAS 2018 gồm: Tiếp cận dịch vụ; TTHC; công chức; kết quả dịch vụ; việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức nói chung trong cả nước lần lượt là: 80,62%; 86,40%; 85,10%; 88,13% và 74,07%. Trong số 8 lĩnh vực, lĩnh vực Giao thông, vận tải nhận được sự hài lòng cao nhất và lĩnh vực đất đai, môi trường nhận được sự hài lòng thấp nhất.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trò chuyện với các đại biểu.
Tuy nhiên, báo cáo SIPAS 2018 cũng cho biết, tỷ lệ người dân, tổ chức không hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 tăng từ 1,96% lên 2,08% so với năm 2017; Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của cơ quan hành chính nhà nước năm 2018 thấp hơn so với năm 2017 (74,07% so với 75,34%). 21/63 tỉnh, thành phố có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính giảm từ 1 - 12%.
Số người được hỏi phản ánh công chức gây phiền hà, sách nhiễu ở 63 tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 0,00 - 6,21% với giá trị trung vị là 2,08%; trong đó một nửa số tỉnh có từ 2,08 - 6,21% số người dân, tổ chức bị phiền hà, sách nhiễu. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân, tổ chức phản ánh công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công ở một số tỉnh lại tăng lên, chỉ số cao nhất năm 2017 là 4,30%, trong khi đó năm 2018 là 5,01%.
Quảng Ninh, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dẫn đầu
Ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đao CCHC của Chính phủ cho biết: Kết quả PAR INDEX 2018 của các cơ quan ngang bộ chia thành 2 nhóm: Nhóm đạt chỉ số PAR INDEX trên 80% gồm 14 bộ, cơ quan ngang bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài Chính, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Ngoại giao, Khoa học - Công nghệ, Nội vụ, Tài nguyên - Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch - Đầu tư. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dẫn đầu về chỉ số PAR INDEX.
Nhóm thứ 2 đạt kết quả chỉ số PAR INDEX từ trên 70% - 80% gồm 4 bộ: Xây dựng, Thông tin - Truyền thông, Y tế, Giao thông Vận tải.
Đối với các địa phương Quảng Ninh tiếp tục giữ ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với PAR INDEX đạt 89,06% cao hơn 5,08% so với đơn vị đứng thứ hai là TP Hà Nội 83,98%. Tỉnh Đồng Tháp đã có những cải thiện đáng kể về Par INDEX đạt 83,71% để giành vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, còn Phú Yên là tỉnh có chỉ số PAR INDEX thấp nhất đạt 69,53%.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu điều hành Hội nghị.
Nói về lý do vì sao chỉ số PAR INDEX của Quảng Ninh lại đạt thành tích cao như vậy, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin, trong CCHC Quảng Ninh chọn nội dung có tính đột phá để thực hiện, vì trong CCHC có một số lĩnh vực khó làm. Quảng Ninh đẩy mạnh ứng dụng CNTT thông suốt từ cấp Chính phủ đến cấp xã để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc. Việc giải quyết TTHC của công dân, tổ chức theo phương châm 4 tại chỗ và gần như giải quyết ngay TTHC tại các Trung tâm hành chính công. Nhờ vậy đã giảm tới 50% thởi gian giải quyết TTHC.
Để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn đại diện tỉnh Quảng Ninh đề nghị, các dịch vụ công mà người dân quan tâm trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, điện nước… cần tiếp tục nâng chất lượng. Trong khi đó các TTHC phải tiếp tục đơn giản đi, rút ngắn thời gian giải quyết. Đặc biệt thái độ phục vụ của cán bộ cần được nâng cao hơn nữa, nếu cán bộ làm chưa đúng phải xin lỗi cá nhân, tổ chức và sự xin lỗi này phải trở thành thói quen.
Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để đạt kết quả tích cực trong công cuộc cải cách, tuy nhiên, công tác CCHC thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Cải cách TTHC vẫn còn tình trạng bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định TTHC trái thẩm quyền; vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; một số bộ, ngành công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa đúng quy định; việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn còn chưa nghiêm, chưa đầy đủ; tỷ lệ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, mang tính hình thức; việc xem xét, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đúng thời hạn, nhiều trường hợp xử lý còn chưa thấu đáo…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại bộ, ngành, địa phương và có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, thể chế về quản lý công chức, viên chức, về tổ chức bộ máy; khẩn trương hoàn thành việc thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
Tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương qua đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn.
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.
Quang cảnh Hội nghị.