Thủ tướng: Doanh nghiệp là chủ thể quyết định thành công của hợp tác Việt Nam-Na Uy
Sáng 24/5 (giờ địa phương), tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “các bạn chính là chủ thể quyết định thành công của hợp tác song phương, sẽ là cơ hội kết nối hợp tác mở ra các dự án, thỏa thuận hợp tác thành công trong tương lai. Việt Nam - một đất nước thanh bình, ổn định, hội nhập sâu rộng với quốc tế đang chờ đón các bạn Na Uy”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy. Ảnh: VGP.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước việc hai nước tổ chức diễn đàn doanh nghiệp để giới kinh doanh trao đổi trực tiếp, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư vì “mục đích cuối cùng của chúng ta là quan tâm đến người dân, đến tạo việc làm, đẩy mạnh kim ngạch thương mại hai chiều hiện còn thấp so với tiềm năng”.
Theo Thủ tướng, quan hệ chính trị Việt Nam-Na Uy rất tốt, luôn ủng hộ nhau trên các diễn đàn nhưng kinh tế chưa đạt đỉnh cao của sự hợp tác.
Giới thiệu với cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, Thủ tướng cho rằng những năm qua, quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam-Na Uy còn khiêm tốn nhưng có xu hướng tích cực, tiến bộ rõ nét.
Cụ thể là Na Uy đã có 47 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn 163 triệu USD, xếp thứ 41/130 nước và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 350 triệu USD và “qua con số này, chúng ta thấy tiềm năng, lợi thế của hai nước chưa được phát huy, còn có những điều có thể phối hợp, phát huy tốt”.
Đại diện của nhiều doanh nghiệp Na Uy dự Diễn đàn. Ảnh: VGP.
Theo Thủ tướng, quan hệ hai nước có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh có thể bổ sung lẫn nhau để mở rộng hợp tác hiệu quả và cùng có lợi, nhất là lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, thủy sản. Cụ thể, hai nước đều có đường bờ biển dài, có ngành công nghiệp thuỷ sản phát triển, Na Uy là nước xuất khẩu thủy sản thứ 2 trên thế giới, còn Việt Nam nằm trong TOP 5. Đây là điểm đồng hợp tác và là điểm thu hút các doanh nghiệp Na Uy trong hợp tác với Việt Nam phát triển ngành nuôi trồng, chế biến thuỷ sản xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế biển - hướng phát triển chiến lược của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) do Na Uy dẫn đầu, đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với những tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn sẽ tạo khuôn khổ thuận lợi cho phát triển hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên trong thời gian tới. “Đây là cơ hội thuận lợi mà doanh nghiệp hai nước cần tranh thủ, phát huy”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang nỗ lực duy trì đà tăng trưởng cao từ 6,5-7% trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục đổi mới thể chế pháp luật, cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy khu vực kinh tế tư nhân, tiếp tục mở cửa hội nhập quốc tế. Việt Nam tập trung thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển nhanh, bền vững với các lĩnh vực ưu tiên như phát triển hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, kinh tế biển xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong cách mạng công nghiệp 4.0… Vì vậy rất mong được các nhà đầu tư, doanh nghiệp Na Uy quan tâm, hợp tác, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Từ Diễn đàn hôm nay, tôi mong doanh nghiệp hai nước, các bạn chính là chủ thể quyết định thành công của hợp tác song phương, sẽ là cơ hội kết nối hợp tác mở ra các dự án, thỏa thuận hợp tác thành công trong tương lai. Một đất nước thanh bình, ổn định, hội nhập sâu rộng với quốc tế đang chờ đón các bạn Na Uy. Tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy tìm thời cơ hợp tác chân thành, kịp thời, hiệu quả, hai bên cùng có lợi. Chính phủ Việt Nam ủng hộ và đồng hành với các bạn. Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi, đóng góp vào mối quan hệ tốt đẹp giữa Na Uy và Việt Nam”.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP.
“Trước hết là phải hiểu nhau…”
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Torbjiorn Roe Isaken, Bộ trưởng Công Thương Na Uy chia sẻ, ông đến Việt Nam cách đây 16 năm, trong đoàn đại biểu Na Uy, trong chuyến thăm kéo dài 2 tuần “hết sức thú vị và hiệu quả”.
“Tôi nhớ nhiều người mà chúng tôi đã gặp trong chuyến thăm đó và rất tiếc, tại thời điểm đó, chúng ta chưa có đoàn doanh nghiệp đi cùng và chưa có cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa doanh nghiệp hai nước. Còn ngày hôm nay, chúng ta đã có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-Na Uy trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, ông Torbjiorn Roe Isaken nói và cho biết, năm 1999 đánh dấu năm đầu tiên trao đổi chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước.
Theo Bộ trưởng Torbjiorn Roe Isaken, Na Uy mong muốn đưa hợp tác kinh tế, thương mại vào chiều sâu để cộng đồng doanh nghiệp hai bên được học hỏi lẫn nhau. Đánh giá Việt Nam là một điểm sáng, câu chuyện thành công, là cơ sở để hai bên trao đổi, thúc đẩy các cơ hội kinh tế, thương mại, ông Torbjiorn Roe Isaken bày tỏ Na Uy mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam về kinh tế, thương mại và điều đó sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên nếu chúng ta làm đúng cách.
Bộ trưởng Torbjiorn Roe Isaken chia sẻ khi thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước, Na Uy luôn lưu ý đến lợi ích của phần còn lại của thế giới, luôn hướng quan hệ đối tác ra bên ngoài, đặc biệt là với quốc gia cùng có đường biển dài. Ngày nay chúng ta cùng chứng kiến xu hướng phụ thuộc lẫn nhau đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam có ý nghĩa quan trọng với Na Uy.
Thủ tướng chứng kiến doanh nghiệp hai nước ký kết một số thỏa thuận hợp tác. Ảnh: VGP.
Na Uy hoan nghênh các sáng kiến về phát triển kinh tế cũng như thúc đẩy kinh doanh giữa Việt Nam và Na Uy. Việt Nam đã mở ra những cơ hội cũng như tiềm năng to lớn cho các doanh nghiệp Na Uy. Quan hệ hợp tác cũng như sợi dây liên kết về thương mại giữa Việt Nam-Na Uy thời gian qua đã ngày càng thắt chặt thông qua các hoạt động đầu tư hiệu quả của các doanh nghiệp Na Uy tại Việt Nam.
“Trong chương trình nghị sự của Chính phủ Na Uy, chúng tôi tập trung đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư với các đối tác trong đó có Việt Nam, tạo thêm cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp hai bên. Khi chúng ta giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế thì trước hết chúng ta phải hiểu nhau đã”, Bộ trưởng Torbjiorn Roe Isaken nói.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã chứng kiến ký kết một số thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên.