Cần xử lý triệt để vi phạm
Mặc dù nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản đã rất nỗ lực trong việc tháo gỡ thẻ vàng (IUU) về khai thác hải sản trái phép, tuy nhiên, số vụ vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế, theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam chưa cải thiện là bao. Đây là sự trăn trở lớn đối với nhà quản lý.
Chịu thẻ vàng của EC đã khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang châu Âu của Việt Nam bị chững lại.
Số vi phạm vẫn gia tăng
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc khắc phục thẻ vàng IUU. Câu hỏi đặt ra là: Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) thủy sản của Việt Nam đã thực thi ra sao để có thể loại bỏ tấm thẻ vàng, giành lại thẻ xanh khi Đoàn công tác của EC quay trở lại?
Song, câu trả lời không được như kỳ vọng. Trên thực tế, số vụ vi phạm vẫn tiếp diễn và tình hình không được cải thiện như mong muốn của nhà quản lý. Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2018 vẫn xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, con số này đã tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017, tập trung tại các nước gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia, Brunei. Đáng chú ý, từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp. Theo đó, chỉ trong vòng khoảng 4 tháng qua, đã xảy ra 16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm: Kiên Giang; Bà Rịa – Vũng Tàu; Bình Định; Bến Tre; Cà Mau; Bạc Liêu; Bình Thuận.
Nguyên nhân được lý giải là do các biện pháp xử phạt đối với chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài thực hiện chưa nghiêm, nhiều địa phương chưa xử phạt hoặc xử phạt không đáng kể so với số vụ việc vi phạm. Hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển do địa phương quản lý để xử lý các hành vi khai thác IUU trong nước chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến thực trạng khai thác IUU ở vùng biển ven bờ vẫn còn diễn ra.
Nếu đúng theo dự kiến, chỉ ít ngày nữa - cuối tháng 5 này, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trước đó, Đoàn kiểm tra của EU cũng đã sang Việt Nam 2 lần để kiểm tra về “sự chấp hành” khai thác có trách nhiệm của ngành thủy sản Việt Nam, thế nhưng kết quả đã không được như mong muốn. Chính vì vậy, EC đã kéo dài thời hạn để các DN Việt Nam tiếp tục có cơ hội khắc phục các điểm yếu nhằm giành lại thẻ xanh. Và nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”.
Song, với những con số thống kê mà Tổng cục Thủy sản đưa ra như ở trên, có thể thấy, những nỗ lực của nhà quản lý đối với việc khắc phục thẻ vàng dường như trở thành…công cốc, khi mà số vụ vi phạm vẫn ngày một gia tăng, thậm chí năm sau tăng hơn năm trước dù đã có hàng loạt các khuyến nghị từ phía EC.
Nâng chế tài mới đủ sức răn đe
Tại hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục thẻ vàng của EC đối với hải sản Việt Nam do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, đại diện Bộ NNPTNT thẳng thắn nêu quan điểm: Cần phải xây dựng ngay lập tức chế tài xử lý vi phạm mạnh đối với chủ tàu và địa phương để xảy ra sai phạm. Cụ thể, theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC vẫn chưa đạt yêu cầu. Công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo độ tin cậy. Bên cạnh đó, công tác thực thi pháp luật để đảm bảo việc ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả…
Với quyết tâm tháo gỡ thẻ vàng, giành lại thẻ xanh cho ngành hải sản nước nhà, ngày 16/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Theo đó, phạt tiền từ 300 – 500 triệu đồng đối với chủ tàu cá không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m theo quy định; phạt tiền từ 500 – 700 triệu đồng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, hoặc không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản... Phạt tiền từ 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng đối với chủ tàu sử dụng tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên, không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn…
Theo giới chuyên gia ngành thủy sản, việc siết chặt quản lý đối với tình trạng khai thác hải sản trái phép là việc cần làm và những chế tài được đưa ra như trên là hoàn toàn hợp lý. Bởi chỉ với chế tài răn đe rất cao chúng ta mới có thể điều tiết được hoạt động của các DN, từ đó góp phần “tái cơ cấu” lại ngành hải sản vốn trước đây đã có nhiều bất cập. Theo các chuyên gia, dù trước mắt thẻ vàng IUU gây ra những khó khăn cho ngành thủy hải sản nước nhà, song đây cũng chính là đòn bẩy để các DN trong ngành hoạt động kinh doanh khai thác hải sản có trách nhiệm hơn, phù hợp với xu thế hội nhập, từ đó có thể bảo vệ nguồn tài nguyên biển một cách bền vững.