Thất bại đề án phát triển cây cao su tại Thanh Hóa - Kỳ cuối: Lối thoát nào cho cây cao su?
Chỉ sau ít năm quy hoạch, khuyến khích người dân trồng cây cao su, đến năm 2014, diện tích trồng cao su trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt tới đỉnh điểm với khoảng gần 18 nghìn ha. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, giá mủ liên tục lao dốc khiến người dân lung lay niềm tin vào cây “vàng trắng”, thậm chí nhiều hộ còn sẵn sàng chấp nhận chịu nộp phạt để chặt bỏ. Vậy đâu là lối thoát cho cây cao su?
Mủ cao su mất giá, người nông dân gặp khó khăn.
Quá vội vàng trong phát triển cây cao su!
Xin được tiếp tục câu chuyện về cây cao su tại xứ Thanh với nhận định của một lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa về hiệu quả cũng như hệ lụy của cây cao su tại địa phương này: “Chúng ta đã quá vội vàng khi ồ ạt phát triển cây cao su”.
Trở lại thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, cây cao su được Thanh Hóa du nhập vào trồng với tính chất thử nghiệm trên quy mô đại điền tại các nông trường Vân Du, Lam Sơn, Thống Nhất, Bãi Trành và Yên Mỹ. Từ những hiệu quả về kinh tế, lợi ích về môi trường sinh thái mà cây cao su mang lại, tháng 9/1997, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chương trình phát triển 11.167 ha cây cao su đến năm 2002 tại địa bàn 6 huyện, 58 xã và 14 nông, lâm trường. Tiếp đó, tháng 1/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015. Chính sách này sẽ hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân được giao đất trồng mới và chăm sóc cây cao su, trong 2 năm đầu họ sẽ được hưởng 9 triệu đồng/ha.
Đến nay, cây cao su đã có mặt ở hầu hết các huyện trung du miền núi của tỉnh Thanh Hóa như: Như Thanh, Như Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Thạch Thành. Trong đó, Thạch Thành được đánh giá là một trong những huyện có tốc độ phát triển diện tích đất trồng cây cao su và chất lượng rừng cao su vào loại tốt nhất cả tỉnh. Chỉ trong vòng hơn 4 năm, huyện Thạch Thành đã quy hoạch trồng mới, nâng tổng diện tích đất trồng cây cao su lên hơn gấp đôi từ 1.500 ha năm 2010 lên tổng số gần 3 nghìn ha. Vào thời điểm các năm 2011, 2012; giá mủ khô đạt 80.000 đồng/kg, cây cao su được ví như “vàng trắng”. Mỗi ha trồng cao su cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Không ít hộ nông dân trồng cây cao su ở huyện Thạch Thành đã trở nên giàu có, sung túc.
Tuy nhiên, thời hoàng kim của cây cao su khá ngắn ngủi! Bắt đầu từ năm 2013, giá mủ cao su bắt đầu lao dốc nhanh chóng. Giá mủ cao su khô còn ở mức 33.000 – 35.000 đồng/kg và sang năm 2014, mức giá này tiếp tục giảm xuống ở mức đáy là 23.000 đồng/kg. Những năm tiếp đó, giá mủ cao su dao động ở mức 26.000 – 30.000 đồng/kg, thực trạng giá thu mua mủ cao su thấp khiến việc khai thác mủ không đủ bù chi phí thuê nhân công. Điều này khiến cho nhiều hộ gia đình trồng cây cao su không còn mặn mà khai thác, và có kế hoạch chuyển đổi cây trồng.
Báo cáo nhanh từ Sở NNPTNT Thanh Hóa cho thấy: Nếu như ở thời gian đỉnh điểm, toàn tỉnh Thanh Hóa có 18 nghìn ha cao su thì đến nay, diện tích này chỉ còn lại trên 14 nghìn ha. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, số lượng xuất khẩu mủ cao su tại Thanh Hóa là con số không. Trước đó, năm 2012 Thanh Hóa xuất khẩu khoảng 1.197 tấn mủ khô, trị giá đạt 3,229 triệu USD.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Viết Dương – Tổng Giám đốc Cty Cao su Thanh Hóa khẳng định: Mặc dù đây đang là thời điểm khó khăn với người trồng cây cao su tại Thanh Hóa nhưng chưa bao giờ phía Cty ngừng việc thu gom mủ cao su. Nguyên nhân của việc thu gom giảm xuống là do giá không đủ bù công cạo mủ và do một số hộ khai thác được nhưng không muốn bán để tránh trả nợ mà Cty Cao su Thanh Hoá đã đầu tư cho người trồng trước đó, phần còn lại do sức mua giảm, giá thu mua trên thị trường xuống thấp.
“Do những đặc điểm sinh trưởng của cây cao su như, thích hợp với tầng đất bazan dày, khí hậu 2 mùa mưa nắng rõ rệt, địa hình là bình nguyên thuận tiện cho việc chăm sóc và khai thác. Nếu đem áp các tiêu chí này vào với Thanh Hóa có thể khẳng định: Chúng ta đã quá vội vàng khi đưa vào quy hoạch và trồng cây cao su một cách ồ ạt tại Thanh Hóa. Khi giá cả cao, ổn định thì không sao, nhưng giá tụt sâu thì người trồng cao su gần như ngay lập tức phải gánh chịu hệ lụy là điều khó tránh khỏi. Và câu chuyện người trồng chán, quay lưng với cây cao su cũng là điều tất yếu!” – một lãnh đạo ngành nông nghiệp Thanh Hoá cho biết.
Nói thì dễ nhưng làm rất khó
Vậy đâu là lối thoát cho cây cao su tại Thanh Hóa? Nói về vấn đề này, ông Ngô Hoàng Kỳ - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, người từng có một thời gian dài gắn với ngành lâm nghiệp của tỉnh đưa ra giải pháp: Trước mắt, ngoài việc khuyến khích người trồng giữ lại diện tích đã có, chúng ta không nên tiếp tục trồng mới vì rõ ràng cây cao su không hợp với đồng đất Thanh Hóa. Đối với những diện tích kém hiệu quả, tỉnh có thể cho chủ trương chuyển đổi cây trồng, tận dụng hiệu quả đất rừng.
“Chúng ta phải tái cơ cấu lại cây cao su. Tái cơ cấu ở đây phải bắt đầu từ hộ dân. Tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh kinh tế hộ cá thể để có hướng hỗ trợ và định hướng thích hợp. Vì là cây công nghiệp dài ngày, phải sau từ 5 – 7 năm mới cho thu nhập nên phải tính trong khoảng thời trống người dân cũng cần có thu nhập, trồng gối các loại cây lâm nghiệp ngắn ngày khác và chăn nuôi để có cái ăn. Chỉ khi người dân có đủ ăn, chúng ta mới có thể tính đến chuyện phát triển cây cao su lâu dài”– ông Kỳ chia sẻ.
Cũng nói về giải pháp cho người trồng cây cao su, ông Hoàng Văn Hùng- Giám đốc Sở KHĐT Thanh Hóa cho rằng: Cần có chính sách hỗ người trồng cây cao su một cách thiết thực hơn nữa. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần có chiến lược lâu dài đối với cây cao su, từ đó đưa ra cơ cấu cây trồng một cách hợp lý. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách bình ổn giá thông qua việc thu mua, chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm này.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Đức Giang – Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa cho biết: Việc giá cả mủ cao su lên, xuống là theo cơ chế thị trường. Trong quá trình nuôi trồng, để có được cây cao su trưởng thành và cho khai thác mủ phải mất 7 - 8 năm chăm sóc. Vì vậy, không thể căn cứ vào một thời điểm nhất định mà chặt phá hay chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Việc trồng cây cao su, ngoài những hiệu quả kinh tế mang lại còn có nhiều chức năng hữu ích khác như: Vừa là cây công nông nghiệp, vừa là cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc và đặc biệt không tranh chấp với những cây trồng khác. Khi trồng cây cao su, người nông dân có thể trồng xen canh các loại cây ngắn hạn khác để lấy ngắn nuôi dài.
Có nhiều lý do được đưa ra để lý giải, biện minh cho sự kém hiệu quả. Nhưng có một sự thật không thể chối bỏ rằng: Cây cao su đang thất bại tại Thanh Hóa!