Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi trên 7,5 triệu m2 đất
Tiến hành kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011- 2017 tại 63 tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện nhiều nơi đất sau CHP không được đưa vào sử dụng, để hoang hoá, tranh chấp, lấn chiếm.
Khẳng định cơ bản các doanh nghiệp (DN) đã chấp hành phương án sử dụng đất (PASDĐ) sau khi CPH, song KTNN chỉ ra việc quản lý đất đai nhiều nơi chưa chặt chẽ, không đúng so với PASDĐ được duyệt khi CPH.
DN sử dụng đất không đúng mục đích theo quyết định giao đất, cho thuê đất, hợp đồng thuê đất; quản lý sử dụng đất không có trong PASDĐ được phê duyệt; cho thuê, sử dụng đất công cộng được giao quản lý không đúng, chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai… Tình trạng bàn giao đất cho DN khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép không đúng quy định cũng xảy ra.
Kết quả kiểm toán còn cho thấy tại nhiều địa phương có tình trạng đất sau CPH không hoặc chậm đưa vào sử dụng; thiếu quản lý dẫn đến hoang hóa, tranh chấp, lấn chiếm. Việc không quản lý được do vướng mắc trước CPH chưa được xử lý; không bàn giao đất bị thu hồi khi hết thời hạn sử dụng đất; chưa lập PASDĐ hoặc bàn giao về địa phương quản lý diễn ra ở nhiều nơi.
Đáng chú ý, một số DN không còn nhu cầu sử dụng đất hoặc không phù hợp với phương án sản xuất kinh doanh nhưng chưa rà soát để đề nghị trả lại đất. Có trường hợp đã đề nghị trả lại đất nhưng chưa được thu hồi; thu hồi không kịp thời, chưa thu hồi đất của DN song đã giao đất cho dân.
Tương tự, việc giao đất, cho thuê đất sau cổ phần hoá không qua đấu giá; giao đất với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất không phù hợp quy định xảy ra khá phổ biến. “Đất thuộc diện phải thuê nhưng thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất; chậm chuyển từ giao đất sang thuê đất theo quy định; giao đất không qua đấu thầu dự án gắn với quyền sử dụng đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất; cho thuê đất chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt; cho thuê đất rừng phòng hộ không đúng quy định” – KTNN liệt kê các sai phạm.
Bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng điều chỉnh quy hoạch theo dự án chuyển đổi. Quy trình ngược này được KTNN chỉ ra khi kiểm toán tại đô thị lớn. Theo cơ quan này, đa số dự án chuyển đổi không xuất phát từ quy hoạch xây dựng hay quy hoạch sử dụng đất đã duyệt mà ngược lại, làm căn cứ để điều chỉnh quy hoạch và cập nhật vào quy hoạch, đặc biệt là ở các giai đoạn trước khi quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và các quy hoạch phân khu đô thị được duyệt.
“Trong quá trình thực hiện, đa số dự án đều có sự điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc xây dựng (theo đề nghị của các chủ đầu tư và được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định) theo hướng tăng chiều cao tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng so với quy hoạch ban đầu, việc điều chỉnh này lại càng làm gia tăng dân số của dự án, gia tăng áp lực đến hạ tầng đô thị” – báo cáo nêu rõ.
Từ các sai phạm được phát hiện, KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương được kiểm toán và các bộ, ngành có liên quan xử lý kiến nghị của KTNN về tài chính 1.368,8 tỷ đồng. Con số này bao gồm các khoản tăng thu 577,6 tỷ đồng (tiền thuê đất 345,3 tỷ đồng; tiền sử dụng đất 224,2 tỷ đồng; các khoản thuế và thu khác 8,1 tỷ đồng). Xử lý tài chính khác là 791,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, KTNN cũng kiến nghị xem xét thu hồi đất nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật 7.591.427 m2 và 3 thửa đất (chưa xác định diện tích) trong các Báo cáo kiểm toán của KTNN tại từng địa phương. Cùng với đó là tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong các Báo cáo kiểm toán của KTNN tại từng địa phương.
* Riêng với UBND thành phố Đà Nẵng, KTNN đề nghị thanh tra làm rõ để xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan theo quy định của pháp luật đối với việc giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất ở đô thị có thời hạn sử dụng lâu dài cho DN không đúng các quy định.