Họa sĩ Nguyễn Đức Hùng: 'Từ tâm vô lượng, giác ngộ và giải thoát'

Việt Quỳnh (thực hiện) 26/05/2019 08:00

Họa sĩ Nguyễn Đức Hùng (sinh năm 1981 tại Thanh Hóa), đã đạt nhiều giải thưởng Mỹ thuật, trong đó có giải Nhì Cuộc thi Mỹ thuật Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp 2017. Anh tham gia gần 70 triển lãm trong nước, hơn 15 triển lãm quốc tế tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia… và gần đây nhất là triển lãm “Khám phá Việt Nam” tại Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (Vesak 2019, Hà Nam).

Họa sĩ Nguyễn Đức Hùng: 'Từ tâm vô lượng, giác ngộ và giải thoát'

Các tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Đức Hùng.

Chủ đề về Phật giáo xuyên suốt quá trình sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Đức Hùng và mang phong cách riêng biệt, gây rung động trực tiếp đến người thưởng lãm.

Lần đầu tiên xem tranh của Hùng cách đây khoảng 10 năm, đã thấy anh theo đuổi về đề tài Phật giáo rồi?

- Vào năm 2004 khi đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi có sáng tác một bức tranh với chất liệu tổng hợp có tựa đề là “Nguyện cầu”. Thời điểm đó tôi có mong muốn là tranh mình vẽ làm sao mà khi mọi người nhìn vào trông phải lạ, phải độc đáo về chủ đề Phật giáo. Lúc đó tôi chưa có chủ đích là mình phải vẽ đề tài này hay mình phải nghiên cứu sáng tác về tâm linh. Sau khi có những sự trải nghiệm và thăng trầm trong cuộc sống. Mãi sau này bẵng đi một thời gian, đến năm 2011 (tức 7 năm sau), tôi có nhân duyên biết được Phật pháp. Tự nhiên tôi mới nghĩ về đề tài đạo Phật, tôi mới thật sự chú tâm về chủ đề này.

Khi ấy anh còn rất trẻ, vì sao Phật giáo lại đi vào trong anh tự nhiên như thế?

- Giai đoạn đầu tôi cũng cố gắng đi tìm những đề tài mang tính thời sự, những đề tài khai thác về tiếng nói khát vọng của con người trong cuộc sống, tôi cũng có tiến trình như bao hoạ sĩ trẻ khác. Tôi cũng rất muốn được khẳng định mình nên tôi đầu tư về thời gian lẫn vật chất, nhưng những phấn đấu, những dự định, những khao khát ấy của tôi không thành công. Tôi bị hụt hẫng, bị thất bại. Từ đấy tôi mới tìm hiểu tại sao tôi rất cố gắng mà không được như ý muốn. Sau đó tôi có gặp những người tu theo Phật giáo. Họ đã chia sẻ và khuyến khích tôi thử tìm về đạo Phật để có thể phần nào trả lời được những nguyên nhân thất bại. Tôi cũng có cơ duyên là tôi hiểu và trả lời được rất nhiều câu hỏi về vô thường, nhân quả, nhân duyên, tại sao tôi thất bại. Từ đấy tôi đón nhận giáo lý nhà Phật và tôi đã học gieo duyên để được nhận, biết chia sẻ để nảy nở, biết nhân quả để tu thân. Và đề tài này như là được chỉ đường, như có ai mách bảo và cứ thế là tôi đi theo thôi.

Tuổi thơ của anh có gì gắn kết với tư tưởng đạo Phật không?

- Tôi sinh ra trong một gia đình thuần theo đạo Mẫu, thờ cúng tổ tiên nên từ bé hay được đi đền, chùa, điện, lăng tẩm, miếu mạo… Đó là những nơi lưu trữ nhiều nhất về văn hóa dân tộc, những hoa văn, họa tiết, hình ảnh… Những chạm khắc dân gian đã vô tình ngấm vào người tôi lúc nào không hay biết. Mãi về sau này khi sáng tác về Phật pháp, tôi đã dùng những hoa văn, vốn cổ dân tộc kết hợp với tư tưởng, giáo lý của Phật giáo và mong muốn những hình ảnh đó sẽ phần nào làm nổi bật được lên giá trị văn hóa, tư tưởng của con người Phương Đông.

Qua mỗi bức tranh thấy được việc anh muốn kể một câu chuyện hay gửi gắm ý niệm về tinh thần Phật đạo?

- Qua những bức tranh, tôi muốn gửi gắm những gì mình hiểu ra được, ngộ ra được, cảm nhận được. Trong đạo Phật có rất nhiều cảnh giới và có rất nhiều con đường tu hành và tùy theo căn cơ của từng người mà họ chứng ngộ ở một tầng khác nhau. Do đó tôi muốn truyền tải tư tưởng của Phật cho người xem tranh của tôi là từ tâm vô lượng, giác ngộ, giải thoát. Người ta sẽ phần nào cảm nhận được sự tôn nghiêm, huyền bí linh thiêng của thế giới tâm linh.

Họa sĩ Nguyễn Đức Hùng: 'Từ tâm vô lượng, giác ngộ và giải thoát' - 1

Họa sĩ Nguyễn Đức Hùng.

Thông qua các tác phẩm của mình, tôi muốn cho công chúng thấy được ý nghĩa nhân văn của đạo Phật ở giáo lý là “mọi chúng sinh đều có thể thành Phật”, khát vọng đi đến việc giáo hóa và thực hành dẫn đến sự giác ngộ cho muôn vàn chúng sinh, rồi từ đó họ sẽ đi đến sự giải thoát, đánh thức được “Phật tính” trong những hành động thường ngày, tiến đến góp phần cho cuộc sống tốt đẹp và văn minh hơn.

Màu sắc, chất liệu mà anh sử dụng so với 10 năm trước đây, tôi thấy tinh giản đi nhiều, nhưng đường nét kỹ thuật lại thấy được sự phức tạp. Anh chia sẻ sao về điều này?

- Giai đoạn đầu tôi vẽ bằng bút sắt. Bản thân bút sắt có nét thanh nét đậm, còn bút kim thì tất cả có tiết diện bằng nhau, không có sự thay đổi to nhỏ về nét. Do đó tôi chưa chú ý đến sự tinh tế, mà tôi còn vẽ nét, nét to nét nhỏ, nét thanh nét đậm và tôi đi viền hết hình của mình. Và sau đấy tôi tiến đến cách vẽ tinh xảo về không gian, tinh xảo về nét bằng bút kim thật chi tiết mà nhẹ nhàng và tinh tế. Tôi đã diễn đạt bằng mật độ mau thưa, dày mỏng của nét bút, với chất liệu bút kim trên giấy và tạo hiệu ứng đậm nhạt bằng cách dụng công đan xen hàng ngàn đường nét đanh mảnh với mong muốn tạo cảm giác ấn tượng, hiện thực phô bày bởi cái nhìn bên trong kết hợp với những cảm nhận bên ngoài gợi nhiều liên tưởng táo bạo, độc đáo đến người xem.

Với mỗi bức tranh anh có cảm giác bản thân được giải thoát không?

- Thật ra sau mỗi bức tranh, tôi vẫn muốn được làm hay hơn nữa. Khả năng của mình vẫn cần phải rèn luyện và trau dồi nhiều hơn nữa. Tôi rất mong muốn đi tìm chất liệu bền với thời gian hơn hoặc cho phép tôi biểu diễn sâu hơn, hoặc diễn đạt vẽ dưới nhiều dạng hình thức khác nhau hơn nữa. Đấy cũng còn là những trăn trở, là bài toán mà tôi còn phải đi tìm lời giải. Còn để hỏi bản thân có được giải thoát không thì thực sự là có. Những bức tranh tôi vẽ rồi sau đó tôi rất yêu nó. Sau khi vẽ xong một bức tranh mất khoảng hai đến ba tháng, tôi như trút được gánh nặng bởi trước đó mình đã lao tâm khổ tứ vì nó rất nhiều. Tôi như được giải thoát khỏi những ý tưởng, những mục tiêu mà mình đã đặt ra cũng như đã nghiên cứu xây dựng trong tác phẩm. Khi bức tranh đã hoàn thiện sẽ làm nổi bật lên giá trị nghệ thuật cùng với giá trị nội dung tư tưởng. Cả hai yếu tố đó được hòa quyện vào nhau tạo nên hiệu quả về thị giác cho người xem, thậm chí còn vượt xa ý nghĩ ban đầu của ý tưởng đặt ra. Đấy cũng là một trong những sự giải thoát tức thời sau những bức tranh để tôi có thêm nhiên liệu cho những cuộc hành trình tiếp theo.

Anh áp dụng tinh thần Phật đạo từ tranh tới cuộc sống của anh ra sao?

- Khi mà tôi hiểu về đạo Phật, hiểu về nhân duyên, về nhân quả, về vô thường... thì tôi đã học cách đón nhận. Có những sự việc đến mang theo sự mất mát làm mình hụt hẫng. Như gia đình tôi bản thân vợ chồng tôi cũng phải trả nghiệp. Khi biết Phật pháp, tôi biết chấp nhận bởi tôi hiểu rằng đã đến lúc mình phải trả nghiệp, đấy là quy luật thông thường của nhân quả. Mình gieo duyên tốt hoặc xấu thì mình sẽ gặp quả tốt hoặc xấu. Tôi nghĩ rằng mình và mọi người sống với nhau nó hay thì cũng là đạo rồi, là chân lý tốt đẹp rồi. Cuộc sống mà giúp đỡ được nhau thì đấy là cái thiện đó. Tôi thành công được như ngày hôm nay cũng là có rất nhiều người giúp đỡ, trợ duyên cho tôi. Tôi rất biết ơn từ thầy cô, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, học trò. Cho nên đấy cũng chính là các giáo lý tốt đẹp mà Đức Phật đã dạy trong tư tưởng giáo lý nhà Phật.

Dự định tới cho sáng tác của anh thì sao?

- Tôi vẫn đang cố gắng để từng ngày nâng cấp chính mình. Tôi cố gắng đi nhiều, đọc nhiều, nghiên cứu nhiều, vẽ nhiều, tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước nhất là các triển lãm Phật giáo, tôn giáo, văn hóa, tâm linh, các triển lãm mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền để tôi được giao thoa và học hỏi. Bản thân tôi phải luôn trau dồi liên tục. Không được thoả mãn với chính mình. Phải thay đổi mình để tiến tới sự thay đổi trong chính tác phẩm của mình.

Cố gắng đưa đến sáng tác của mình nhiều đề tài mới hoàn thiện và sự diễn đạt tinh xảo hơn trong các tác phẩm của mình sau này. Đưa đến nhiều cách nhìn mới mẻ, tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ cũng như sự cảm nhận của công chúng đối với tác phẩm của tôi. Tôi mong muốn tạo cảm giác ấn tượng hiện thực phô bày bởi cái nhìn bên trong kết hợp với những cảm nhận bên ngoài gợi nhiều liên tưởng táo bạo, độc đáo đến người xem.

Xin cảm ơn anh!

Việt Quỳnh (thực hiện)