Đảo nhỏ hứng chịu 414 triệu mảnh rác thải nhựa

Duy Long 26/05/2019 08:00

Tại các bãi biển ở Quần đảo Cocos (Keeling), một trong những nơi xa xôi nhất trên Trái Đất và được mệnh danh là thiên đường hoang sơ của Australia, đã được tìm thấy 414 triệu mảnh nhựa trong đó có 977.000 đôi giầy và 373.000 chiếc bàn chải đánh răng.

Đảo nhỏ hứng chịu 414 triệu mảnh rác thải nhựa

Lượng rác thải nhựa tìm thấy trên đảo Cocos (Keeling). Nguồn: CNN.

Đây là kết quả của một cuộc khảo sát toàn diện về lượng rác thải của nhóm các nhà khoa học biển, do nhà nghiên cứu độc học sinh thái Jennifer Lavers đến từ Viện Nghiên cứu Hàng hải và Nghiên cứu Nam Cực của Đại học Tasmania đứng đầu, đăng trên tạp chí “Nature”. Báo cáo này chỉ ra rằng, dù dân số chỉ có khoảng 500 người, nhưng khối lượng rác thải tìm thấy ở 27 đảo ở quần đảo này ước tính 238 tấn. Phần lớn rác thải là các vật dụng dùng một lần như nắp chai, ống hút, giày và dép…

Bà Jennifer Lavers cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa đang có mặt ở khắp các đại dương và những hòn đảo hoang sơ như thế này là nơi lý tưởng để chúng ta có cái nhìn khách quan về khối lượng rác thải nhựa đang tồn tại ở các đại dương. Đây thực sự là lời cảnh báo đối với con người để chúng ta có những biện pháp giải quyết vấn đề này.

Nghiên cứu cũng đưa ra một con số gây ngạc nhiên rằng khoảng 93% (383 triệu mảnh) lượng rác thải ở Quần đảo Cocos (Keeling) bị chôn sâu tới 10cm so với bề mặt. Các nhà khoa học cũng cho rằng các cuộc điều tra trước đây có lẽ đã chưa đánh giá đầy đủ lượng rác thải ở các điểm nóng về ô nhiễm khi chỉ mới ước lượng được rác bề mặt mà thôi.

Năm 2017, một nghiên cứu khác của Lavers chỉ ra hòn đảo Henderson ở Nam Thái Bình Dương có mật độ rác thải cao nhất so với các hòn đảo khác trên thế giới và các mảnh vụn tìm thấy trên đảo này chủ yếu liên quan đến hoạt động đánh bắt. Lavers cho biết, mật độ rác thải ở Quần đảo Cocos thấp hơn nhưng khối lượng lại lớn hơn nhiều so với đảo Henderson (38 triệu mảnh nhựa, nặng 17 tấn) và rác thải là các vật dụng dùng một lần như chai, dao kéo nhựa, túi nilon, và ống hút.

Ông Annett Finger từ Đại học Victoria, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, chỉ riêng năm 2010, khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa thải ra các đại dương. Nguyên nhân là do sự gia tăng về nhu cầu đối với các loại sản phẩm nhựa dùng một lần. Theo ước tính, hiện có khoảng 5.250.000.000 tỷ mảnh nhựa thải trong các đại dương. “Ô nhiễm rác thải nhựa được chứng minh là một mối đe dọa đối với động vật hoang dã và tác động tiềm tàng tới sức khỏe con người, - Finger cho biết và khẳng định: - Giải pháp khả thi duy nhất để ngăn chặn vật dụng bằng nhựa xâm nhập vào đại dương là giảm sản xuất và tiêu thụ các loại vật liệu này, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý chất thải”.

Duy Long