Kỷ niệm 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Tối 25/5, tại đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra lễ kỷ niệm 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cũng là dịp kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới.
Quang cảnh buổi lễ.
Theo đó, Cù Lao Chàm – Hội An đã được Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, vào ngày 26/5/2009.
Danh hiệu Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là sự ghi nhận về những nỗ lực vượt bậc trong thời gian dài của người dân, các tầng lớp xã hội, các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, giáo dục và các cấp chính quyền thành phố Hội An trong công tác bảo tồn và phát triển những tài sản, giá trị của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu.
UNESCO đã nhận định rằng, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên à con người, đúng như sứ mệnh và tên gọi Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO. Nơi đây cũng đã Viện Hải Dương Học xác định có 10 loài cá trong tổng số 18 loài có mối quan hệ giữa vùng cửa sông và Cù Lao Chàm.
Tiết mục múa Chăm tại buổi lễ kỷ niệm.
Cù Lao Chàm - Hội An có những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay, đó là: Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; Rừng ngập mặn với đặc trưng là Hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; Rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; Hệ thống rừng phòng hộ ven biển; Các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử...
Cù Lao Chàm là một điểm sáng trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ môi trường với những mô hình thành công đầu tiên của cả nước như: Nói không với túi ni lông, Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương, mô hình phục hồi san hô,...
Nếu năm 2009, Cù Lao Chàm đón hơn 15 nghìn lượt khách đến tham quan viếng cảnh thì năm 2014 Cù Lao Chàm đón hơn 232 nghìn lượt khách thì năm 2018 đã đón hơn 415 nghìn khách tăng gần 30 lần so với 10 năm trước đó. Hiện xã đảo không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 42 triệu đồng/năm.
Một góc Cù Lao Chàm - khu sinh quyển thế giới.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: Trong suốt quá trình 10 năm hoạt động, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đang dần khẳng định vị thế trong lòng du khách trong và ngoài nước, tạo được niềm tin, sự yêu mến của du khách và bạn bè quốc tế. Điều này đã tạo thêm động lực cho người dân cũng như chính quyền thành phố quyết tâm hơn trong việc xây dựng Cù Lao Chàm đẹp cả về cảnh quan tự nhiên và con người, giàu có về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, tương xứng với tầm vóc của một khu vực được công nhận cấp quốc tế...
Nhằm tri ân những cá nhân, tổ chức đã đóng góp cho công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu sinh quyển, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ miễn phí vé tham quan cho du khách vào ngày 26/5.