Khi sự hài lòng của dân là thước đo
Cuối tuần qua 2 chỉ số quan trọng phản ánh những nỗ lực của quá trình cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, ngành, địa phương năm 2018 là Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đã được công bố. Nhìn vào bảng xếp hạng đối với các bộ ngành, địa phương cho thấy, khi các bộ, ngành nỗ lực CCHC thì sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của nền hành chính đã được nâng lên rõ rệt.
Ngân hàng Nhà nước và Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính 2018 - VnExpress.
Ông Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đao CCHC của Chính phủ cho biết: Kết quả PAR INDEX 2018 của các bộ và các cơ quan ngang bộ chỉ rõ: Có 14 bộ đạt Chỉ số PAR INDEX trên 80% gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, các bộ Tài chính, Tư pháp, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Ngoại giao, Khoa học và công nghệ, Nội vụ, Tài nguyên và môi trường, Lao động, thương binh và xã hội, Giáo dục và đào tạo, Văn hóa, thể thao và du lịch, Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch và đầu tư. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dẫn đầu về Chỉ số PAR INDEX. Đối với các địa phương, Quảng Ninh tiếp tục giữ ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với PAR INDEX đạt 89,06% cao hơn 5,08% so với đơn vị đứng thứ hai là TP Hà Nội đạt 83,98%. Tỉnh Đồng Tháp đã có những cải thiện đáng kể về PAR INDEX đạt 83,71% đã giành vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, còn Phú Yên là tỉnh có Chỉ số PAR INDEX thấp nhất đạt 69,53%.
Nói rõ vì sao NHNN lại dẫn đầu về Chỉ số PAR INDEX năm thứ tư liên tiếp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Mục tiêu xuyên suốt của ngành Ngân hàng trong suốt thời gian qua là đẩy mạnh 6 lĩnh vực CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.
Vậy với tỉnh giữ vị trí số 1 hai năm liên tiếp về Chỉ số PAR INDEX thì sao? Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc chia sẻ, để đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về CCHC, cùng với cấp Trung ương, Quảng Ninh đã chủ động để các địa phương “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu của mọi sự phục vụ.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đều cần phải rà soát, kiểm tra, đánh giá lại tất cả những việc đã làm, nhìn nhận thẳng thắn những vấn đề còn tồn tại và nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, đề ra phương hướng giải quyết. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến những vấn đề, như: Gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân; gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí quy định; việc trả kết quả không đúng hạn; vấn đề nhận lỗi, xin lỗi; và đặc biệt là văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức hành chính...Có như vậy tỉnh này mới vươn lên chiếm giữ thứ hạng cao nhiều năm liên tiếp như vậy.
Nhìn vào sự phục vụ của các cơ quan đơn vị dẫn đầu trong bản tổng sắp về CCHC cho thấy điểm chung của các đơn vị này chính là: Lấy sự hài lòng của nhân dân, tổ chức là đích đến của mọi sự phục vụ, không vội hài lòng với những kết quả tốt đã đạt được mà phải phấn đấu làm tốt hơn nữa. Cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác CCHC, đặc biệt là công tác giải quyết các TTHC... để thực sự xây dựng được một nền hành chính phục vụ, hướng tới mục tiêu cao nhất là sự tin tưởng, hài lòng của người dân, doanh nghiệp, để cho thấy cơ quan nào muốn vươn lên dẫn đầu thì việc làm đầu tiên của họ chính là nỗ lực, nỗ lực phục vụ người dân tốt hơn nữa.
Tại Hội nghị công bố Chỉ số PAR INDEX, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ rõ: Công tác CCHC thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Cải cách TTHC vẫn còn tình trạng bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định TTHC trái thẩm quyền; vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; một số bộ, ngành công bố, công khai thủ tục hành chính còn chậm, chưa đúng quy định; việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn còn chưa nghiêm, chưa đầy đủ; tỷ lệ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, mang tính hình thức; việc xem xét, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đúng thời hạn, nhiều trường hợp xử lý còn chưa thấu đáo… Tất cả những sự chậm trễ, giải quyết việc dân chưa thấu tình đạt lý này đã được người dân, doanh nghiệp “chấm điểm” một cách công tâm khiến họ đứng ở vị trí sau trong bảng xếp hạng.
Và nhìn vào thực tế này, các đơn vị đó cần nỗ lực nhiều để không chỉ nâng cao thứ hạng trong bảng tổng sắp mà cái chính là phục vụ dân và đẩy mạnh cải cách sẽ tạo sức bật, thúc đẩy phát triển kinh tế của chính đơn vị mình. Ngay chính tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phải sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 và Chỉ số PAR INDEX trong chỉ đạo điều hành CCHC tại bộ, ngành, địa phương và có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Như vậy, không còn cách nào khác, các bộ ngành, địa phương nỗ lực cải cách để vượt qua chính mình nếu không muốn bị “bỏ lại phía sau”.