Công nhân chật vật tìm phòng trọ
Do thiếu quỹ đất phân bổ cho xây dựng nhà lưu trú, TP HCM hiện có hàng ngàn công nhân ở các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đang phải chật vật tìm chỗ ở…
Quy định về đầu tư xây nhà lưu trú của TP HCM vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Hồng Phúc.
Vướng mắc quy định nhà lưu trú
Theo ông Trần Công Khanh – Trưởng Phòng Quản lý các KCX và KCN TP HCM (HEPZA) hiện trên toàn địa bàn TP HCM có khoảng 285.000 công nhân đang làm việc trong các KCX-KCN. Nhu cầu về nhà ở của công nhân được khảo sát ở tỷ lệ 65%. Và, mặc dù tại nhiều nơi có xây dựng khu lưu trú cho công nhân, nhưng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhà trọ cho thuê tự phát từ các khu dân cư. Đa phần các nhà trọ này chưa đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cơ bản cho công nhân.
Hiện TP HCM có 12 nhà lưu trú cho công nhân đã được xây dựng từ việc huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đáp ứng cho khoảng 15.000 công nhân. Thế nhưng, ông Khanh cho rằng, con số này chưa thấm tháp gì so với nhu cầu của hàng vạn công nhân, với vấn đề chính vẫn là thiếu quỹ đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú nên chưa thể xây dựng thêm. Vướng mắc ở chỗ là quy định quỹ đất cho xây nhà lưu trú cho công nhân phải nằm ngoài ranh KCN. Nhưng, bản thân các ranh nằm ngoài KCN hay KCX hiện nay là rất khan hiếm, đòi hỏi quy hoạch của thành phố phải có chiến lược xây dựng quỹ đất trong thời gian tới. Lãnh đạo HEPZA cũng kiến nghị thành phố cần có sự hỗ trợ về vốn, thủ tục cho các nhà đầu tư xây dựng nhà lưu trú.
Cũng trăn trở về vấn đề nhà lưu trú cho công nhân, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM cho biết, các khảo sát của Liên đoàn lao động TP cũng nhìn nhận nhu cầu nhà ở cho công nhân là rất cấp thiết, để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho họ. Thế nhưng phần lớn công nhân, người lao động vẫn phải ở các khu nhà trọ tự phát, với điều kiện phòng ốc ọp ẹp, cùng các vấn đề không đảm bảo về vệ sinh và an ninh trật tự. Ông Tâm cũng kiến nghị với các cấp ngành chức năng của TPHCM cần nghiên cứu để có quy định phù hợp về phân bổ quỹ đất cho xây dựng nhà lưu trú cho công nhân.
Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền xây nhà lưu trú
Đại diện nhiều DN cho biết, sẵn sàng bỏ tiền đầu tư vào xây dựng các khu lưu trú cho công nhân, nhưng TP HCM phải có cơ chế minh bạch, cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, trách nhiệm xây nhà lưu trú cho công nhân ở cả hai phía nhà nước và doanh nghiệp. Vì vậy, khi kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này, nhà nước cần hỗ trợ về cơ chế. Bởi vì, tiêu chí về nhà giá rẻ hiện nay chưa rõ ràng, chưa kể các thủ tục nhà giá rẻ và nhà thương mại na ná như nhau, vì vậy chưa thu hút được nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Đực cũng cho biết, các ràng buộc đối với chủ đầu tư xây nhà giá rẻ nếu không tháo gỡ ngay thì sẽ rất khó khuyến khích được nhà đầu tư. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, mô hình doanh nghiệp đầu tư 30% còn lại phải hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, TP HCM sẽ hút được doanh nghiệp đầu tư vào nhà lưu trú cho công nhân.
Về vấn đề trên, ông Trần Quốc Đạt, Phó phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng TP HCM) cho biết, thành phố đã cấp phép cho 15 dự án nhà giá rẻ trên địa bàn, với quy mô 47ha, nhưng còn 6 dự án chưa xong đền bù giải tỏa do vướng mắc. Còn những vấn đề doanh nghiệp phản ánh, thành phố sẽ tìm giải pháp để tháo gỡ. Theo ông Đạt, các dự án nhà lưu trú cho công nhân của TP HCM khi hoàn thiện sẽ giải quyết 95.000 chỗ ở.
Hiện nay TP HCM đang tháo gỡ từng bước trong việc vận động xã hội hoá xây dựng nhà lưu trú công nhân từ các dự án của doanh nghiệp và các cá nhân đầu tư. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, sẽ được yêu cầu cung cấp nhiều tiện ích hơn cho công nhân lao động để đảm bảo các tiện nghi sinh hoạt, thoải mái giờ giấc. Các cơ quan chuyên môn của TP HCM cũng đã đặt ra các tiêu chuẩn xây dựng phù hợp hơn đối với nhà ở thấp tầng, nhà trọ trong khu dân cư để phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân ở các KCN, CCN và KCX trên địa bàn thành phố.