Quy hoạch, quản lý đất đai: Không để nhà đầu tư chi phối
Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Sự buông lỏng trong quản lý, quy hoạch bị băm nát, điều chỉnh liên tục theo “sự chi phối của doanh nghiệp” đẩy người dân vào khó khăn là vấn đề được nhiều đại biểu chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên thảo luận.
Điều chỉnh quy hoạch liên tục, còn chạy theo nhà đầu tư
Thay mặt Chính phủ, phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, công tác sử dụng đất đai, quản lý phát triển đô thị còn nhiều thiếu sót và cần giải pháp để khắc phục. Hiện mới chú ý phát triển nhà ở cho người có thu nhập, còn nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân ít được quan tâm. Ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, sử dụng đất đai còn thất thoát lãng phí làm thiệt hại nền kinh tế và bức xúc trong xã hội, bồi thường tái định cư còn nhiều bất cập và là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện.
Nguyên nhân theo Phó Thủ tướng là do hệ thống pháp luật còn khoảng trống, chồng chéo, khó thực hiện. Điều chỉnh bổ sung quy hoạch chậm được thực hiện, điều chỉnh quy hoạch liên tục, còn chạy theo nhà đầu tư như tăng chiều cao, diện tích mật độ xây dựng tạo ra khu đô thị chật chội không an toàn về cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích người dân cần phải khắc phục trong thời gian tới. “Các bộ, ngành địa phương cần tăng cường kiểm soát, khắc phục quy hoạch treo, dự án treo. Bồi thường tái định cư phải đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, nhất là cuộc sống người dân sau bồi thường, đồng thời xử lý nghiêm các cán bộ sai phạm, tiếp tay cho sai phạm. ”-Phó Thủ tướng nêu rõ.
Giá đất bồi thường không sát với thị trường
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, về giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất hiện nay rất bất cập không sát với thị trường làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện, thất thu ngân sách. Do đó theo ông Hàm, Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường.
Ông Hàm cũng cho rằng, chính sách để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT còn nhiều bất cập. Hầu hết các dự án BT thực hiện chỉ định thầu hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất là những kẽ hở gây thất thoát lãng phí. Chỉ rõ “hiện chưa có Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Chính phủ cũng chưa ban hành được Nghị định hướng dẫn việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT”, ông Hàm cho rằng việc thiếu hụt chính sách như vậy dẫn đến khó quản lý và ảnh hưởng đến kêu gọi đầu tư cho nên cần phải nghiên cứu hoàn thiện ngay, đồng thời phải xóa bỏ bằng được tình trạng quy hoạch treo.
Cùng chung quan điểm, ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) nhìn nhận, tình trạng dự án treo đang gây bức xúc trong nhân dân, làm hạn chế quyền sử dụng đất của người dân, trong khi chế tài xử lý lại nhẹ. Nhắc đến việc bồi thường thiệt hại cho người dân khi không triển khai dự án là không rõ ràng, theo ông Đỉnh cần quy định rõ thời gian hoàn thành dự án trong khu đô thị, cũng như trách nhiệm bồi thường do dự án chậm gây ra. “Hết thời gian quy hoạch mà không thi công cần xóa quy hoạch, bồi thường và cấp giấy chứng nhận cho người dân”-ông Đỉnh cho hay.
Khu đô thị Thủ Thiêm, một trong những dự án nhiều sai phạm.
Quy hoạch điều chỉnh theo nhà đầu tư?
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhìn nhận như vậy khi nói về các dự án mà quy hoạch bị điều chỉnh, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Có những quy hoạch được điều chỉnh theo nhà đầu tư, nâng từ 20 tầng lên 48 tầng. Đặc biệt theo ông Nhân, việc các trụ sở cũ bị di dời thay vào đó các là căn hộ nhà liền kề, chung cư cao tầng đang phá vỡ quy hoạch, giao thông bị quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng sống của nhân dân. Hay như số phận của 15 ngàn con người bị treo lơ lửng bởi những dự án quy hoạch treo trên cả nước nhưng chưa thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, do sự quản lý thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành nên công tác quy hoạch trong đô thị chưa cao, thiếu đồng bộ, nhiều quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần. Ông Phương nói: Nhiều dự án đã phê duyệt rồi nhưng lãnh đạo tỉnh bị doanh nghiệp chi phối, đi theo lợi ích doanh nghiệp để điều chỉnh theo ý của họ khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Phương đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết đề nghị Chính phủ, các bộ ngành rà soát về tình hình sử dụng đất, đất cho thuê, tạo hành lang pháp lý thống nhất để thực hiện việc đấu thầu đất công khai minh bạch.
“Dân có quyền khởi kiện chính quyền vì quy hoạch treo”
Đó là vấn đề được ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) kiến nghị khi đưa ra giải pháp để xử lý tình trạng quy hoạch treo. Bởi theo ông Vượt hiện đang xảy ra tình trạng chính quyền bị nhà đầu tư chi phối thay đổi quy hoach, làm nát quy hoạch gây ra nhiều hệ lụy. “Theo thống kê, cả nước có 1.390 dự án bị chỉnh từ 1-6 lần, tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tiện ích cho người dân nhưng tăng mật độ xây dựng, tầng số tầng, giảm diện tích cây xanh làm nát quy hoạch, gây ra những hệ lụy, tổn thất kinh tế, và bức xúc của người dân”-ông Vượt đưa ra phân tích đồng thời đề nghị các trụ sở cũ của các cơ quan nhà nước sau khi di dời phải trở thành vườn hoa chứ không phải những tòa nhà chung cư cao ngất trời của các đại gia như thách thức dư luận.
Đưa ra dẫn chứng về tình trạng phá vỡ quy hoạch, quy hoạch treo còn phổ biến trong khi dân thiếu đất ở, đất sản xuất, quyền lợi của người dân trong thu hồi đất, chính quyền đứng ra thu hồi đất để xây dựng các dự án công cộng sau đó chuyển đổi thành đất thương mại, tạo điều kiện đầu cơ đất đai cho doanh nghiệp gây bức xúc trong dư luận, ĐB Chu Lê Chinh (Lai Châu) đề nghị cần xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm. Để ngăn chặn các sai phạm về đất đai theo ông Chinh, cần thực hiện công khai quy hoạch, tạo cơ chế để người dân giám sát trong việc thực hiện quy hoạch về đất đai, tăng cường thanh tra kiểm tra để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
* Công khai, minh bạch quy hoạch để nhân dân giám sát: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, quy hoạch đất đai cần tầm nhìn dài hạn, mang tính chiến lược cho nên cần phải công khai, minh bạch các quy hoạch để nhân dân giám sát. Để giải bài toán này cần tìm cách định ra cơ sở dữ liệu về đất đai, theo dõi toàn bộ các sàn giao dịch, đưa ra các định chế yêu cầu xử lý nếu giá giao dịch không đúng với giá đất thị trường. Khi có mạng lưới dữ liệu đó, qua 5 năm, 10 năm sẽ hình thành giá trị trung bình của thị trường. Khi đó Nhà nước sẽ hình thành khung giá đất cũng như giá đất thị trường, định giá đất đai sẽ minh bạch hơn, có cơ sở khoa học hơn, đúng phương pháp luận hơn.