Sử dụng rượu bia: Nguy cơ mắc ung thư cao
Theo các chuyên gia y tế, rượu, bia là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phớt lờ cảnh báo về tác hại của bia, rượu.
Chất cồn (ethanol) trong rượu, bia là chất gây hại, tác động bất lợi trực tiếp đến hệ thần kinh và nhiều bộ phận trong cơ thể người uống…
Uống ít cũng có nguy cơ mắc bệnh
Th.S Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, rượu, bia là chất gây ung thư đối với con người, dù uống ở mức độ nào cũng có thể gây ung thư và uống càng nhiều thì nguy cơ gây ung thư càng tăng. Sự phát triển của ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống rượu, bia từ 2 năm trở đi, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu.
Theo PGS.TS Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường ĐH Y tế Công cộng), sử dụng rượu bia dù ít (12,5g cồn nguyên chất/ngày tức là dưới 1 lon bia 330ml) vẫn có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư và có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác. Trong đó, các bệnh ung thư phải kể đến đó là: ung thư vú, ung thư vòm họng, ung thư gan, ung thư dạ dày, đại tràng, trực tràng,…; ung thư tuỵ, máu, tế bào bạch hầu…
Được biết, chất cồn (ethanol) trong rượu, bia là chất gây hại, tác động bất lợi trực tiếp đến hệ thần kinh và nhiều bộ phận trong cơ thể người uống, làm tổn thương tế bào và các mô dẫn đến mắc các bệnh cấp và mạn tính, gây nhiễm độc, tác động lên hệ thần kinh trung ương làm rối loạn và mất khả năng điều khiển hành vi và nhận thức. Từ đó, gây nghiện và gây lệ thuộc dẫn đến rối loạn thần kinh và các rối loạn cơ thể khác.
Ngoài ra, sử dụng rượu, bia còn có thể gây rối loạn chuyển hoá là nguyên nhân của bệnh đái tháo đường, mỡ máu và tăng huyết áp… Uống rượu bia dù ít cũng vẫn làm chậm khả năng xử lý khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông và vận hành máy móc. Không dừng lại ở đó, sử dụng rượu, bia còn gây hậu quả nghiêm trọng đối với vị thành niên và thanh niên dưới 25 tuổi…
Không nên cho trẻ tiếp xúc với rượu, bia sớm
Theo các chuyên gia y tế, nếu để trẻ tiếp xúc với đồ uống có cồn sớm sẽ làm gia tăng tỉ lệ thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia qua các năm. Việc vị thành niên, thanh niên sử dụng rượu, bia từ sớm sẽ gia tăng nguy cơ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bởi khi tiếp xúc với rượu, bia quá sớm trong tương lai sẽ dễ trở thành người nghiện rượu, sử dụng các chất gây nghiện…
Theo Th.S Trần Quốc Bảo, thực tế đã xảy ra những vụ việc hết sức đau lòng liên quan đến người trẻ khi sử dụng rượu, bia. Lý giải nguyên nhân nhiều người trẻ hiện nay dễ dàng có thể tiếp cận với rượu, bia và tỉ lệ thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia gia tăng theo từng năm, ông Bảo cho rằng, hiện quy định về kiểm soát tuổi được phép mua và uống rượu, bia vẫn chưa được thực thi. Ngoài ra, môi trường và quan niệm xã hội sai lệch về rượu, bia cũng là một nguyên nhân khiến tỉ lệ thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia gia tăng. Không ít người cho rằng đàn ông thì phải biết uống rượu thì mới thể hiện được bản lĩnh. Khi một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình có bố mẹ thường xuyên uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức và suy nghĩ của trẻ sau này.
Để giảm những tác hại do rượu, bia gây ra, PGS.TS Phạm Việt Cường cho rằng cần sớm ban hành Luật Phòng chống tác hại rượu bia tập trung vào các nội dung chủ yếu: kiểm soát quảng cáo rượu bia đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển và chưa được kiểm soát hiệu quả; kiểm soát tiếp cận với rượu, bia; kiểm soát sử dụng rượu, bia ở trẻ em; phòng chống uống rượu bia khi lái xe, quản lý rượu tự nấu, rượu thủ công…