Khép lại Diễn đàn 'Sức mạnh mềm - khơi lên điều tốt': Hiểu đúng về quyền lực trên mạng xã hội
Mạng xã hội đã kéo cộng đồng đến gần hơn trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin, nhưng nó cũng có những tác động đến việc “ứng xử” và “điều tiết hành vi” của mỗi người. Do đó, mỗi cá nhân cần biết sử dụng mạng xã hội một cách khoa học để nó trở thành công cụ hữu ích trong cuộc sống.
Mạng xã hội đang là một công cụ hữu hiệu để gắn kết cộng đồng. Ảnh minh họa.
Điều đầu tiên có thể khẳng định trong những năm qua mạng xã hội đã có những ảnh hưởng rất lớn đến lối sống giới trẻ hiện nay. Trong đó, mặt tích cực của mạng xã hội là thông qua những tiện ích đã mang lại cho cộng đồng được sử dụng trong học tập, giao tiếp và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Những thành viên trong các mạng xã hội liên kết hợp tác với nhau thành các nhóm người có cùng sở thích, cùng sự quan tâm, cùng ý nguyện có thể gặp gỡ, trao đổi trên mạng rồi tiến tới sinh hoạt offline, nhiều nhóm cộng đồng có tính chất tích cực từ “mạng ảo” đã xuất hiện trong “đời thực”...
Ở đó, rất nhiều người trẻ đã biết cách sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả nhất. Họ sử dụng mạng xã hội là nơi để cung cấp thêm cho mình nguồn tri thức, nâng cao giá trị bản thân, là nơi để gắn kết cộng đồng, là nơi để sẻ chia những bất hạnh, niềm vui của những người có cùng trái tim biết thông cảm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh đáng thương, cần sự trợ giúp của xã hội. Trên cơ sở đó nhiều bạn trẻ đã lập ra các trang web là nơi để kêu gọi đóng góp tiền, gạo, thậm chí là hiến máu nhân đạo giúp cho người nghèo, người bệnh… Hay nhóm các bà mẹ trẻ trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái.
Đặc biệt hơn, mạng xã hội đang tạo ra những cộng đồng cùng chung những sở thích như các nhóm chia sẻ việc du lịch kết hợp việc làm từ thiện ở vùng cao biên giới hẻo lánh; những nhóm quan tâm đến các vấn đề lịch sử văn hoá Việt Nam đã lập diễn đàn trao đổi tranh luận, những nhóm tìm về các giá trị văn hoá cổ xưa như đồ cổ sách cũ… Thậm chí thông qua mạng xã hội nhiều nhà văn, nhà thơ đã có điều kiện đưa tác phẩm đến với bạn đọc, qua sự tương tác với bạn đọc để hoàn chỉnh tác phẩm của mình… Đặc biệt, nhiều cuộc trao đổi tranh luận quanh các vấn đề xã hội cũng đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về nhiều mặt.
Mới đây, hàng loạt chiến dịch ý nghĩa đã được ra đời thông qua công cụ mạng xã hội. Như chiến dịch vẽ hoa hướng dương ủng hộ bệnh nhi ung thư cho Ngày hội Hoa Hướng dương. Hay chiến dịch kêu gọi mọi người sống vì môi trường đang diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gây đây như chiến dịch #NoStrawChallenge (thử thách không dùng ống hút nhựa) là một trong những trào lưu nhận được sự tham gia đông đảo. Thay vì mỗi ngày dùng ống hút nhựa, những người tham gia thử thách này sẽ chọn các loại ống hút làm từ tre, inox, giấy để thay thế…
Nhìn nhận về hiệu quả của mạng xã hội, PGS.TS Trịnh Hòa Bình- Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, mạng xã hội là môi trường đa văn hóa của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt với giới trẻ. Ở chừng mực nào đó, giới trẻ đồng nghĩa với sự chưa chín chắn, các chuẩn mực hay mức độ chính xác trong đánh giá, chính kiến, thái độ còn phải xem xét. Trong bối cảnh đó, khi cư dân mạng đưa thông tin, hình ảnh lên, sẽ có nhiều bình luận nhiều chiều, thậm chí tùy tiện, vô lối, khiến bức tranh chính kiến thiếu tổ chức và nhiều trường hợp cái tôi lệch lạc. Mạng xã hội gắn liền với ưu điểm nhanh, bùng nổ, do đó nếu những quan điểm, đánh giá mang tính tích cực thì sự bùng nổ đưa lại tác dụng cổ vũ, xây dựng cái đúng, cái đẹp trong xã hội. Nhưng do thiếu tổ chức, cách tiếp cận mang tính chất cá nhân nên nhiều thông tin trên mạng xã hội thành một bức tranh phức hợp, dễ dẫn đến những hậu quả khó lường.
Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, bên cạnh những hiệu quả khi tương tác với nhau trên mạng, khi thực hiện các giao thương, giao tiếp cá nhân trong cộng đồng mạng, chúng ta cần có sự tỉnh táo nhất định để tiếp nhận được thông tin, phân tích được các thông tin đó là bịa đặt, những hình ảnh quá sự thật, đi đến những hành vi trái pháp luật. Giới trẻ của chúng ta phải được trang bị, chuẩn bị sẵn trong ý thức, tình cảm, thái độ khi tiếp nhận các thông tin. Chúng ta cần dẹp bỏ trạng thái đón chờ, xem, nghe, nhìn và làm theo những điều không hay, không phải, những điều kệch cỡm đi ngược lại những giá trị chân, thiện, mỹ trong đời sống.
Có thể thấy, mạng xã hội đang từng ngày, từng giờ tác động đến cuộc sống mỗi người. Như con dao hai lưỡi, mạng xã hội có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng cũng có thể hủy hoại con người nếu như sử dụng không đúng cách. Vì vậy mỗi người dùng hãy sử dụng mạng xã hội một cách thông minh. Hãy tự quản lý thời gian sử dụng, ứng xử đúng mực, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng xã hội, sáng suốt kiểm chứng tính xác thực của những thông tin mà mình quan tâm. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Có như vậy, mạng xã hội mới thực sự trở thành công cụ đắc lực để lan tỏa những điều tốt đẹp trong không gian mạng và trong cuộc sống.