Bảo tồn và phát triển
Nói về bảo tồn di sản, chỉ nói riêng ở Hà Nội thôi cũng đang có nhiều vấn đề cần bàn. Trước đây tôi cảm thấy thành phố phát triển đô thị không hài hòa với bảo tồn. Ngày nay chúng ta nhận diện tốt các di sản và đang đẩy mạnh công tác bảo tồn.
Việc bảo tồn di sản ở Hà Nội đang thiếu một lộ trình thích hợp.
Cụ thể, đến nay Hà Nội đã xác định danh mục gần 6000 di tích, trong đó hơn 1000 di tích xếp hạng quốc gia và di tích cấp thành phố. Hiếm địa phương nào có được di sản đồ sộ như thế.
Không thể phủ nhận, thời gian qua Hà Nội đã chủ động trong việc kết hợp giữa phát triển xây dựng mới với yêu cầu bảo tồn. Nhiều công trình vì bảo tồn phải điều chỉnh hoặc ngừng xây dựng mới. Đặc biệt, chúng ta đã giữ văn hóa chung của Hà Nội sau mở rộng, thể hiện qua cấu trúc chùm đô thị là giải pháp mới để có điều kiện thuận lợi bảo tồn các công trình kiến trúc…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của đô thị Hà Nội, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, chúng ta thấy còn nhiều tồn tại. Tồn tại lớn nhất là bảo đảm hài hòa giữa phát triển mới với việc bảo tồn các di sản. Tồn tại thứ hai là phát triển không gian vật thể chưa tương xứng với phát triển kết cấu hạ tầng. Thứ ba là phân bố dân cư, dù đã nhiều lần quy hoạch, Hà Nội hiện nay sau mở rộng năm 2008 đã có quy hoạch chung phê duyệt lần thứ bảy rồi nhưng kết cấu cơ sở hạ tầng, lựa chọn mô hình cấu trúc đô thị nào thích hợp thì còn là vấn đề tồn tại. Tồn tại nữa là ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo thành đô thị thân thiện, đô thị xanh, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu đang là vấn đề thách thức của toàn cầu, cũng đồng thời là thách thức của Hà Nội…
Có một thực tế, Hà Nội có quỹ di sản cực kỳ phong phú, song hiện thành phố chưa có lộ trình bảo tồn thích hợp và giải pháp cụ thể. Chúng ta chưa phát huy được vai trò cộng đồng trong bảo tồn các di sản, nhiều di tích người dân muốn trùng tu bảo tồn song không có chuyên môn. Còn nhiều công trình có chuyên gia tham gia thì không được đồng tình của cộng đồng. Ví dụ ở khu phố cổ, tồn tại nhiều hộ dân sống trong di tích làm phá vỡ không gian, cảnh quan. Đây là những thách thức lớn bởi bảo tồn di sản cần có các nhà chuyên môn tham gia và có sự đồng thuận của người dân.
Từ hơn 20 năm qua, Hà Nội đặt điều kiện tiên quyết để bảo tồn khu phố cổ là phải giảm mật độ dân số. Năm 1994-1995, thành phố đã phê duyệt dự án giãn dân phố cổ trị giá hơn 800 tỷ đồng, với mục tiêu đưa dân ra quận Long Biên. Nhưng mãi đến năm 2003, dự án mới tái khởi động. Nguyên nhân ở đây là chúng ta chưa xem xét đối tượng để giãn dân thích hợp, chính sách phải tương ứng với đối tượng, như những gia đình sống trong khu di tích thì phải có chính sách khác với những người tự nguyện di dời ra khỏi phố cổ. Họ ra đi để mang lợi ích cho quốc gia, mang lại diện mạo mới để thế giới trân trọng thì nơi đến phải có thuận lợi cho họ. Giãn dân không phải chỉ giải quyết nhà ở mà phải tạo ra cuộc sống mới vì người dân phố cố sống bằng buôn bán, nên nơi ở mới phải thuận lợi giao dịch thương mại. Ở phố cổ một m2 đất họ có thể kiếm tiền đủ sống. Nơi ở mới phải có hạ tầng xã hội, không gian xanh chất lượng cao, thì mới hấp dẫn người ta được. Mặt khác, cần nhận thức bảo tồn không có nghĩa trưng bày để mọi người nhìn ngắm mà bảo tồn không gian sống trong đó. Với các biệt thự, các nhà trong khu phố cổ là bảo tồn nếp nhà với dân cư 3-4 thế hệ sống trong đó thì mới trọn vẹn.
Nhìn chung, chúng ta đã nhìn nhận giá trị của công trình kiến trúc, song phải nhìn nhận tiêu chí công nhận và lộ trình để bảo tồn. Chúng ta có quỹ di sản phong phú thì phải xem xét mục tiêu khai thác sử dụng, phải xác định lộ trình, đặc biệt tìm mối tương quan giữa bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội. Ở các nước phát triển có cơ chế hỗ trợ người dân trong công tác bảo tồn, khu phố Hội An cũng như vậy. Tôi thấy Hà Nội mới đưa ra được định hướng chứ chưa có chính sách cụ thể. Trong thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh nhận diện giá trị của di sản, đã có định hướng là xã hội hóa cho công tác bảo tồn song chưa có giải pháp thích hợp. Trong đó, Hà Nội chưa có cơ chế cho các doanh nghiệp từ thiện, công ích hay tu bổ di tích có điều kiện, để thu hút xã hội hóa. Tôi thấy có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tu bổ từ thiện vào các chùa chiền. Hay những hồ nước, cây xanh đều có những doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư. Phải xác định là không nên trông chờ từ ngân sách nhà nước mà phải từ xã hội. Bảo tồn di sản là vấn đề rất được cộng đồng quan tâm song chúng ta chưa có cơ chế thích hợp thu hút cộng đồng đầu tư cho di sản.
Từ góc nhìn của một người đã từng làm công tác quản lý đô thị, tôi cho rằng để định hình lối sống đô thị chúng ta phải có giải pháp thích hợp để hướng dẫn, quản lý. Quản lý ở đây không phải là ra lệnh, hoặc là quy định cấm mà quản lý theo cách truyền bá thông tin, giới thiệu những điều tốt đẹp, những nét truyền thống và phân tích rõ ràng các yếu tố để người dân hiểu và lựa chọn. Phải biết gắn kết giữa truyền thống với quá trình phát triển, với các yếu tố hiện đại. Nếu không, chúng ta sẽ làm mất đi các bản sắc đặc thù.