Danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn: Cơ quan nào sẽ quyết định?

H.Vũ 29/05/2019 07:30

Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Vấn đề thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn đã nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB khi đang có 2 luồng ý kiến trái chiều.

Danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn: Cơ quan nào sẽ quyết định?

ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình): Nâng tiêu chí từ 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng là không cần thiết, chưa phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng

Đó là vấn đề được nhiều ĐB kiến nghị khi cho ý kiến về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C. Theo ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, tại Điều 11 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công. Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc.

“Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội. Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, xin giữ quy định của luật hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án A, B, C”-ông Hải cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng nên giữ nguyên các tiêu chí như quy định của luật hiện hành vì nâng cao tiêu chí từ 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng là không cần thiết, chưa phù hợp với giai đoạn hiện nay. Phân tích thêm, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng: Mức vốn 10.000 tỷ đồng không bất cập, Quốc hội khóa XIII, khóa XIV chỉ có 2 dự án trình Quốc hội. Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít, nếu điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ đồng có thể không còn dự án nào trình Quốc hội. Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để Quốc hội không quyết định dự án nào là bất hợp lý.

Công khai, minh bạch mới khắc phục cơ chế xin cho

Vấn đề thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn đang xuất hiện 2 phương án. Theo đó, phương án 1 quy định: Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Còn phương án 2 quy định: Quốc hội quyết định tổng mức, còn giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhìn nhận, việc quyết định danh mục đầu tư công trung hạn là thể hiện quyền và trách nhiệm của ĐBQH. Theo bà Mai, việc Quốc hội quyết định danh mục thể hiện tính thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp. Về bản thất, kế hoạch đầu tư công trung hạn và danh mục dự án chính là dự toán cho cả giai đoạn trung hạn chi đầu tư phát triển, nếu giờ Chính phủ quyết định kế hoạch này đồng nghĩa với việc giao Chính phủ quyết định dự toán trung hạn. Điều này không phù hợp với Hiến pháp, dẫn đến ngược quy trình, ngược thẩm quyền và dẫn đến nghịch lý Quốc hội sẽ phải căn cứ vào danh mục mà Chính phủ đã quyết để ban hành dự toán hàng năm.

Bà Mai cũng cho rằng, công khai minh bạch là yêu cầu căn bản, nguyên tắc đầu tiên trong phân bổ ngân sách. Chỉ có công khai, minh bạch mới khắc phục cơ chế xin cho, giảm gánh nặng cho địa phương trong đề xuất dự án. “Việc trình Quốc hội sẽ bảo đảm tính công khai, dân chủ, công bằng cho 63 tỉnh, thành phố. Các ĐBQH có thể trực tiếp tham gia ý kiến vào phương án phân bổ cho địa phương mình. Nếu Quốc hội không quyết định danh mục dự án là bước lùi cho phân bổ ngân sách. Trong lịch sử Quốc hội những năm gần đây, việc phân bổ kế hoạch đầu tư công, giao vốn cho dự án được Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện nên bây giờ không nên tạo ra một tiền lệ khác”-bà Mai nói đồng thời cho rằng về mặt logic, Quốc hội sẽ không thể thông qua tổng mức đầu tư nếu không biết rằng nguồn tiền rất lớn đó được phân bổ cho mục tiêu nào? Cho dự án cụ thể nào? Nên việc trình danh mục là căn cứ để Quốc hội quyết định tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn thuộc về Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất quyết định những vấn đề quan trọng, trong đó có ngân sách. Trong thực tiễn đầu tư công trung hạn chỉ là khung trong 5 năm. Quốc hội vẫn quyết định duyệt dự án theo ngân sách hàng năm. Khối lượng dự án 5 năm với 9.600 dự án của nhiệm kỳ vừa rồi là khối lượng rất lớn. Mỗi dự án chỉ cần điều chỉnh 3 hay, 4 lần sẽ rất nặng nề cho Quốc hội nên muốn giao việc đó cho Chính phủ thực hiện. Nếu giao được như vậy cho Chính phủ điều hành thì linh hoạt hơn và Quốc hội sẽ nhẹ hơn.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn nên để Quốc hội khóa mới quyết định

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) và ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn nên để Quốc hội khóa mới quyết định. Theo ông Phương, vì ngay trong luật tại Điều 46 đã quy định căn cứ lập quy hoạch đầu tư công trung hạn phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế -xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính và khả năng nợ công quốc gia. Hay Điều 47 cũng yêu cầu việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn phải phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại chiến lược kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia phải là sau Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới mới có được định hình chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”-ông Phương nêu quan điểm.

H.Vũ